Rót thêm 500 triệu đô vào VN, CJ sẽ đầu tư gì?

Tập đoàn đa ngành CJ của Hàn Quốc sẽ đầu tư thêm 500 triệu đô la Mỹ vào Việt Nam trong năm 2016 này để mở rộng kinh doanh sau khi đã rót khoảng 400 triệu đô la Mỹ vào Việt Nam trong gần 20 năm qua.
Cụm rạp chiếu phim CGV của tập đoàn CJ đầu tư hiện là cụm rạp Multiplex lớn nhất Việt Nam - Ảnh minh họa: Quốc Hùng
Cụm rạp chiếu phim CGV của tập đoàn CJ đầu tư hiện là cụm rạp Multiplex lớn nhất Việt Nam - Ảnh minh họa: Quốc Hùng

Ông Chang Bok Sang, Chủ tịch, kiêm Tổng giám đốc của Tập đoàn CJ tại Việt Nam, chia sẻ về kế hoạch đầu tư như trên tại buổi gặp gỡ với giới truyền thông tại TPHCM vào ngày hôm nay 10-3.

Theo ông Chang, gần 20 năm hoạt động tại thị trường Việt Nam, CJ đã đạt được những bước phát triển bền vững trong kinh doanh, với mức tăng trưởng bình quân hằng năm trong giai đoạn 2011-2015 là 26,73%. Do đó, tập đoàn lên kế hoạch đầu tư dài hơi hơn tại đây trong tương lai.

CJ đang đầu tư nhiều vào thị trường Trung Quốc, Mỹ, Indonesia... nhưng ông Chang cho biết hiện tại tập đoàn CJ đánh giá cao về tiềm năng phát triển đầu tư kinh doanh ở Việt Nam nên sẽ đẩy mạnh đầu tư, đưa Việt Nam trở thành điểm đầu tư lớn thứ ba của tập đoàn vào năm 2020 chỉ sau Hàn Quốc và Trung Quốc.

Trong năm 2016 này, CJ dự kiến sẽ rót thêm 500 triệu đô la Mỹ vào Việt Nam qua các hình thức đầu tư khác nhau trong đó có đầu tư trực tiếp vào các dự án mới hoặc qua hình thức mua bán -sáp nhập (M&A)...

Khoản đầu tư mới 500 triệu đô la Mỹ này CJ sẽ dùng phát triển các dự án trong lĩnh vực văn hóa (như mở thêm rạp phim, sản xuất phim và ca nhạc...); thực phẩm, kho vận, và nông thủy hải sản. Thực tế đây là những lĩnh vực mà tập đoàn hoạt động đa ngành của Hàn Quốc này cũng đã đầu tư và phát triển ở Việt Nam trong những năm qua.

Đề cập đến hình thức đầu tư M&A, ông Chang cho rằng hiện Việt Nam là cơ hội đầu tư tốt nhưng CJ không phải đầu tư theo kiểu thâu tóm để cạnh tranh trực tiếp với doanh nghiệp trong nước.

Liên quan đến việc CJ vừa tham gia mua cổ phiếu của Công ty TNHH MTV Việt Nam Kỹ nghệ súc sản (Vissan), ông Chang cho rằng Vissan là một doanh nghiệp sản xuất và chế biến thực phẩm hàng đầu Việt Nam, và nếu tham gia vào cổ đông của Vissan, CJ sẽ đầu tư vào công nghệ và kỹ thuật để đưa sản phẩm Vissan cạnh tranh tốt ở thị trường nội địa và xuất khẩu đi thế giới. Việc kết hợp hai thương hiệu lớn giữa Vissan và CJ sẽ thúc đẩy thương hiệu Vissan phát triển nhiều hơn nữa, ông Chang chia sẻ. Hiện CJ đã mua được 4% cổ phần của Vissan.

CJ có thế mạnh trong lĩnh vực giải trí và truyền thông. Tập đoàn này đã đầu tư vào Việt Nam qua việc mua lại gần hết cổ phần của đối tác nước ngoài Envoy Media Partners (quần đảo Virgin) trong liên doanh Công ty cổ phần truyền thông Megastar với giá 73,6 triệu đô la Mỹ vào năm 2011 (chiếm gần 80% vốn trong liên doanh), và 20% cổ phần còn lại thuộc về Công ty Văn hóa Phương Nam. Hiện hệ thống rạp chiếu phim này đã được đổi tên thành cụm rạp CGV và đang là một trong những cụm rạp lớn và phát triển nhanh ở Việt Nam hiện nay.

Ông Chang cho biết bên cạnh phát triển rạp chiếu phim, công ty đang đẩy mạnh các dự án sản hợp tác xuất phim truyền hình, phim ở rạp, các chương trình ca nhạc ở Việt Nam. Một số kết quả ban đầu về việc sản xuất phim ở Việt Nam đã mang lại thành công khá tốt. Bộ phim "Em là bà nội của anh" do công ty đầu tư mới đây đã vượt mặt "Để mai tính 2" trở thành phim Việt có doanh thu cao nhất trong lịch sử điện ảnh Việt Nam.

Về lĩnh vực thực phẩm, CJ đã đầu tư hệ thống cửa hàng bánh Tour Les Jour tại TPHCM cũng như xây dựng các nhà máy sản xuất trong lĩnh vực thực phẩm, sản xuất bột mì. Ngoài ra, hiện hãng cũng đang có 4 nhà máy sản xuất thức ăn gia súc ở Việt Nam. Ông Chang cho biết sắp tới công ty cũng sẽ đầu tư thêm các nhà máy mới trong lĩnh vực này.

CJ cũng có hệ thống bán lẻ lớn ở Hàn Quốc. Ông Chang cho biết tập đoàn đã xem xét đánh giá thị trường Việt Nam về lĩnh vực này và hiện đang tìm một đối tác trong nước có tiềm lực để cùng phát triển chuỗi kinh doanh bán lẻ. 

Tập đoàn CJ đầu tư vào Việt Nam năm 1998 với nhiều lĩnh vực đa dạng như nông thủy sản, bánh ngọt, kênh truyền hình mua sắm (Home Shopping), giải trí và truyền thông, logistics, thức ăn gia súc, thực phẩm, sản xuất phim điện ảnh, phim truyền hình, trồng trọt, bất động sản…
 Theo TBKTSG