Theo truyền thông trong nước, lãnh đạo cao cấp của Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (Mã CK: MSB) vừa cho biết ngân hàng này đang chuẩn bị phương án sáp nhập thêm một ngân hàng để trình Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thông qua và Ngân hàng Nhà nước phê duyệt theo gợi ý của cơ quan này.
"Xu hướng sáp nhập trong lĩnh vực ngân hàng là tất yếu. Chúng tôi đang cân nhắc, lựa chọn một ngân hàng phù hợp với định hướng phát triển để thực hiện việc sáp nhập, giúp MSB tăng quy mô nhanh hơn. PG Bank là một trong những ngân hàng mà chúng tôi đang quan tâm", một tờ báo dẫn lời lãnh đạo cấp cao giấu tên của MSB.
Thông tin này ngay lập tức nhận được sự chú ý lớn của thị trường và kích thích nhiều đồn đoán trên các diễn đàn và mạng xã hội.
Phần lớn đồn đoán đổ dồn về PG Bank - nhà băng vẫn được tin là sớm muộn sẽ “về chung nhà” với MSB khi mà trước đó, nhiều "người MSB" đã lần lượt gia nhập và giữ trọng trách ở PG Bank.
Cụ thể, tháng 5/2020, ông Hoàng Xuân Hiệp, nguyên Phó Tổng Giám đốc MSB, Tổng Giám đốc Công ty quản lý và Khai thác tài sản MSB bất ngờ gia nhập PG Bank và hiện giữ chức Phó tổng giám đốc phụ trách Khối Xử lý và thu hồi nợ, Phòng Pháp chế và tuân thủ PG Bank.
Đến tháng 11/2020, ông Nguyễn Phi Hùng, nguyên Phó tổng giám đốc MSB được bổ nhiệm làm quyền Tổng giám đốc tại PGBank và hiện nay là thành viên HĐQT kiêm Tổng giám đốc của ngân hàng này.
Hai thành viên HĐQT PG Bank hiện nay là ông Nilesh Banglorewala và ông Oliver Schwarzhaupt cũng từng giữ vị trí quan trọng tại MSB, với cương vị Giám đốc Tài chính kiêm Kế toán trưởng và Phó Tổng giám đốc kiêm Giám đốc khối Quản lý rủi ro.
Ông Đỗ Thành Công, Phó Tổng Giám đốc PG Bank cũng từng nắm giữ nhiều vai trò quan trọng của MSB như: Thành viên Hội đồng tín dụng và đầu tư; Thành viên Ủy ban Quản lý rủi ro; Thành viên Hội đồng xử lý rủi ro...
Về phía PG Bank, như VietTimes từng phân tích, nhiều năm qua, nhà băng này luôn ở trong trạng thái chờ sáp nhập, trong khi cổ đông lớn Petrolimex chịu áp lực thoái vốn do vượt quá tỷ lệ sở hữu theo quy định.
Theo các tài liệu công bố, cơ cấu cổ đông PG Bank hiện rất cô đặc.
Gần nhất, ĐHĐCĐ thường niên 2022 của PG Bank ghi nhận sự tham dự của 43 cổ đông, đại diện cho 288 triệu cổ phần, chiếm 96% vốn điều lệ. Trừ đi 40% cổ phần do Petrolimex sở hữu, thì 42 cổ đông còn lại đã nắm giữ tới 56% vốn điều lệ PG Bank. Điều đó cho thấy nhà băng này có cả loạt "cổ đông gần lớn".
Tham khảo của VietTimes cho thấy, nhiều người trong nhóm "cổ đông gần lớn" trên của PG Bank có mối liên hệ với một đại gia tên tuổi trong lĩnh vực tài chính ngân hàng - bất động sản.
Vị này có niềm say thích đặc biệt với cổ phiếu ngân hàng. Ông sở hữu một ngân hàng và trực tiếp ngồi ghế Chủ tịch, trong khi "hệ sinh thái" của ông còn nắm giữ lượng cổ phần đáng kể ở nhiều "bank" khác. PG Bank chỉ là một trong số đó.
Lượng cổ phần PGB của nhóm trên được cho là đã "quá bán", khiến cho các bên có nhu cầu thâu tóm PG Bank lại hay tìm đến họ đặt vấn đề. Vị đại gia nọ vẫn sẵn lòng tiếp khách, nhưng không chịu áp lực phải bán.
Năm 2023, PG Bank lên kế hoạch lợi nhuận trước thuế 530 tỉ đồng, tăng 4,8% so với thực hiện năm 2022. Nhà băng này cũng đặt mục tiêu tổng tài sản tăng 8,3% lên 53.051 tỉ đồng; dư nợ tín dụng tăng 11,2% lên 35.881 tỉ đồng; tổng huy động vốn tăng 10,6% lên 47.213 tỉ đồng./.