Theo đó, ngày 21/8/2019, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp (CMSC) đã nhận được văn bản số 1921/HHVN-TCKT của Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines - nay đã đổi tên thương hiệu mới, viết tắt là VIMC) về phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất của CTCP Cảng Sài Gòn (Cảng Sài Gòn)
Tới ngày 16/10/2019, CMSC đã có văn bản số 1556/UBQLV-CNHT yêu cầu VIMC thực hiện rà soát lại quá trình cổ phần hóa công ty Cảng Sài Gòn.
Cụ thể, VIMC phải làm rõ việc lập và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án sử dụng đất khi cổ phần hóa, những vướng mắc, thiếu sót và đề xuất phương án xử lý.
Bên cạnh đó, VIMC cũng phải làm rõ việc phê duyệt phương án cổ phần hóa (CPH) Công ty TNHH MTV cảng Sài Gòn để thực hiện CPH khi chưa được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt phương án sử dụng đất đối với 15 cơ sở nhà, đất tại Tp.HCM, không đúng với quy định của pháp luật có liên quan.
Hội đồng thành viên VIMC sẽ phải làm rõ các căn cứ, cơ sở pháp lý, thẩm quyền thông qua phương án sử dụng đất theo đề xuất tại văn bản số 1921 nêu trên. Đồng thời, VIMC phải báo cáo kết quả kiểm điểm, xử lý trách nhiệm của các tập thể, cá nhân tại VIMC, Công ty Cảng Sài Gòn trong việc để xảy ra sai phạm, thiết sót trong quá trình lập, trình phương án sử dụng đất theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Thời hạn để VIMC nghiên cứu, báo cáo CMSC là trước ngày 31/10/2019.
Trao đổi với VietTimes sáng nay (ngày 18/10/2019), ông Nguyễn Cảnh Tĩnh - Quyền Tổng Giám đốc VIMC - cho biết việc CPH Cảng Sài Gòn đã được tập đoàn báo cáo với Bộ Giao Thông vận tải và các cơ quan thanh tra đã cho ý kiến.
“Bên Ủy ban quản lý vốn Nhà nước chưa nắm được nên có công văn yêu cầu Vinalines báo cáo lại” - ông Nguyễn Cảnh Tĩnh cho hay.
CTCP Cảng Sài Gòn (Mã CK: SGP) tiền thân là Công ty TNHH MTV Cảng Sài Gòn, chính thức chuyển đổi sang hoạt động theo mô hình công ty cổ phần từ cuối năm 2015 với quy mô vốn điều lệ là 2.163 tỷ đồng (trong đó VIMC nắm giữ 64,45% vốn điều lệ).
Trong số những khu đất Cảng Sài Gòn quản lý, nổi bật là khu cảng Nhà Rồng - Khánh hội, có diện tích khoảng 45 ha, đã được quy hoạch công năng sử dụng thành khu đô thị cao cấp với tên gọi Khu phức hợp Nhà Rồng - Khánh Hội.
Phối cảnh dự án Nhà Rồng - Khánh Hội (Nguồn: Internet)
|
Để triển khai dự án này, năm 2014, Cảng Sài Gòn cùng 2 doanh nghiệp khác góp vốn thành lập Công ty TNHH Đầu tư phát triển đô thị Ngọc Viễn Đông (Ngọc Viễn Đông) với tỷ lệ góp vốn 26%. Tuy nhiên, trải qua nhiều đợt tăng vốn, tính tới cuối năm 2016, tỷ lệ sở hữu của Cảng Sài Gòn tại Ngọc Viễn Đông đã giảm xuống chỉ còn 5,6% vốn điều lệ.
Tháng 5/2017, Cảng Sài Gòn từng có công văn đề xuất thoái vốn tại Ngọc Viễn Đông. Tuy nhiên, tới tháng 1/2019, công ty này đã thay đổi ý định và xin dừng việc thoái vốn./.