Apple hiện đang lên kế hoạch thiết lập thêm hai trung tâm nghiên cứu và phát triển tại Trung Quốc với lý do đưa ra là để “củng cố quan hệ với các đối tác sản xuất” tại đây. Tuy nhiên, có vẻ như đây mới chỉ là một phần nhỏ trong món lợi thực sự mà nhà Táo đang nhắm đến.
Bài viết dưới đây sẽ đưa ra 5 lý do thuyết phục cho động thái đẩy mạnh nghiên cứu tại đại lục của Apple với tham khảo ý kiến từ một số chuyên gia phân tích trong ngành.
1. Tăng doanh số iPhone và “cướp” nhân tài từ các hãng bản địa
Apple từng thống trị 25,4% thị phần tại Trung Quốc, vượt xa Samsung vào thời điểm cuối 2014. Thế nhưng nay, hãng lại đang chào thua những cái tên bản địa nhu Huawei, OPPO, hai nhà sản xuất lần đầu tiên đứng top bảng xếp hạng thị phần vào tháng 6 năm nay. Quý 2/2016, trong khi Apple chỉ bán được 8,6 triệu máy thì Huawei lại đạt doanh số tới 19,1 triệu chiếc. Quý 3 năm nay, doanh số iPhone lại tụt 33% so với cùng kỳ năm trước.
Việc thiết lập trung tâm nghiên cứu và phát triển tại đại lục có thể giúp Apple tiếp cận với nhân sự các hãng đối thủ, những người có thể sẽ bị “dụ” sang đầu quân cho nhà Táo nếu được đề nghị mức đãi ngộ hấp dẫn hơn.
2. Khiến hình ảnh của mình gắn chặt với kinh tế Trung Quốc
Giống như rất nhiều thương hiệu nước ngoài khác, tại Trung Quốc, Apple cũng bị chỉ trích là chỉ muốn kiếm thật nhiều tiền rồi rời đi. Vấn đề hình ảnh lại càng quan trọng hơn khi nhiều người Trung Quốc nhận thấy các thương hiệu bản xứ có thể cung cấp những mẫu điện thoại tương đương rồi thì họ không việc gì phải lệ thuộc vào các thương hiệu ngoại nhập. Chính vì vậy mà nhà đầu tư công nghệ Danny Levinson cho rằng đặt trung tâm nghiên cứu tại nước này chính là một phương pháp PR hữu hiệu để thể hiện rằng Apple cam kết gắn bó lâu dài với người dùng Trung Quốc.
3. Nắm bắt tốt hơn các xu hướng của người dùng Trung Quốc
Người tiêu dùng Trung Quốc thường tìm đến các dòng điện thoại nước ngoài chủ yếu vì độ bền và đẳng cấp của chúng. Thế nhưng đối với các nhà sản xuất nước ngoài, nhất là hãng cung cấp sản phẩm “một kiểu cho tất cả mọi người” như Apple thì lại càng có nhiều nguy cơ không đáp ứng đúng kỳ vọng của người dùng.
Chẳng hạn như việc một nửa số người dùng các thiết bị công nghệ tại Trung Quốc sử dụng chúng khi đang xem TV, và việc chuyển đổi giữa các nền tảng khác nhau cũng khá phổ biến. Hơn thế nữa, nhiều người dùng thuộc tầng lớp trung lưu tại đây cũng khá ngại mua iPhone do mức giá của nó. Chính vì vậy mà trung tâm nghiên cứu tại Bắc Kinh (trụ sở của nhiều công ty công nghệ và trường đại học hàng đầu) và Thâm Quyến (thủ phủ sản xuất hàng điện tử của Trung Quốc) sẽ giúp Apple nắm bắt được những xu hướng tiêu dùng mới nhất. Liệu công ty có thể cho ra mắt một mẫu iPhone 320 USD không? Tương lai có lẽ khó mà nói trước được.
4. Đi trước Google
Google từng phải rút chân khỏi thị trường Trung Quốc do từ chối thực hiện quy định kiểm duyệt kết quả tìm kiếm của chính phủ nước này. Sau một vụ tấn công mạng, gã khổng lồ tìm kiếm chính thức đóng cửa trang search bản Trung vào năm 2010.
Thế nhưng trớ trêu là các thương hiệu điện thoại Trung Quốc hiện nay đều sử dụng hệ điều hành Android. Chính vì thế mà gần đây người ta bắt đầu thấy những động thái mới về việc Google muốn mở trung tâm nghiên cứu tại Trung Quốc. Đây sẽ là mối nguy lớn cho Apple.
Alicia Garcia, chuyên gia kinh tế của ngân hàng đầu tư Natixis cho rằng Apple chắc chắn không muốn Google quay lại Trung Quốc mà không có họ. Vậy nên quyết định đi trước một bước để giữ thế thượng phong là không gì khó hiểu.
5. Giữ quan hệ tốt với các bên sản xuất
Bên cạnh các linh kiện sản phẩm phải nhập từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, chuỗi cung ứng của Apple ngày càng phụ thuộc nhiều hơn vào Trung Quốc. Thâm Quyến, nơi công ty sẽ đặt trung tâm nghiên cứu thứ hai sau Bắc Kinh, hiện đang ngập tràn các nhà sản xuất thiết bị high tech với mức giá siêu hấp dẫn.
Apple hiện từng hợp tác với BYD, một hãng lắp ráp và cung cấp linh kiện tại đây. BYD cuối cùng đã đệ đơn kiện về vấn đề bản quyền sáng chế. Điều này khiến cho nhiều nhà phân tích phải cảnh báo các hãng điện tử rằng nhiều công ty Trung Quốc có thể ăn cắp công nghệ của họ rồi gắn mác thương hiệu mới tung ra thị trường. Đây là lý do tại sao Apple cần giữ mối quan hệ khăng khít hơn với họ để tránh những trường hợp xấu xảy ra.
Theo Tri thức trẻ, Tham khảo Forbes