Theo hãng tin Bloomberg, đưa ra nhận định này là FengHe Asia Fund. Quỹ này đã vượt xa các đối thủ cùng tầm khác nhờ bán khống cổ phiếu liên quan đến Trung Quốc trong đợt sụt giảm mạnh của thị trường chứng khoán nước này vào năm ngoái.
Trong một cuộc trả lời phỏng vấn Bloomberg từ Singapore, ông Deng Jiewen, một nhà quản lý quỹ của FengHe, nói rằng các nền kinh tế ở khu vực Đông Nam Á đang trội hơn so với Trung Quốc trong việc thúc đẩy tiêu dùng trong nước và thu hút vốn đầu tư nước ngoài.
Chứng khoán Trung Quốc đang đối mặt với một chặng đường khó khăn phía trước do lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết suy giảm, ông Deng nhận định.
Trong vòng một năm qua, quỹ FengHe tăng 20% bất chấp thị trường chứng khoán châu Á sụt giảm.
FengHe - cái tên có nghĩa là “rủi ro và lợi nhuận” theo tiếng Trung Quốc - là một trong số ít các quỹ đầu cơ tận dụng được cơ hội ở các thị trường nhỏ hơn tại khu vực châu Á trong bối cảnh triển vọng của thị trường Trung Quốc xấu đi.
Năm ngoái, ông John Foo, nhà điều hành quỹ đầu cơ Kingsmead Asset Management có trụ sở ở Singapore gọi Việt Nam là “ngôi sao sáng nhất trong đêm đen” ở khu vực Đông Nam Á.
“Chúng tôi vẫn tương đối lạc quan về nền kinh tế và tăng trưởng lợi nhuận doanh nghiệp ở Việt Nam”, ông Deng của quỹ FengHe nói. “Philippines thì có cơ cấu dân số và kinh tế mạnh. Nền kinh tế đang ngày càng trởn nên thân thiện với vốn đầu tư nước ngoài”.
Mục tiêu tăng trưởng GDP 6,7% mà Chính phủ Việt Nam đặt ra cho năm 2016 thuộc hàng cao nhất trên thế giới. Cơ sở cho mục tiêu này là nhu cầu nội địa và dòng vốn đầu tư nước ngoài gia tăng.
Trong năm 2015, các nhà đầu tư nước ngoài mua ròng 100 triệu USD trên thị trường chứng khoán Việt Nam, đánh dấu năm mua ròng thứ 10 liên tục, trong khi vốn ngoại rút khỏi hầu hết các thị trường khác ở châu Á.
Còn tại Philippines, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tăng 16,4% trong tháng 11/2015, đạt mức 464 triệu USD, nâng tổng số vốn FDI trong 11 tháng đầu năm lên 5,5 tỷ USD.
Trong vòng một năm kết thúc vào cuối tháng 1 vừa qua, FengHe nằm trong nhóm 2% quỹ sinh lời tốt nhất trong số 188 quỹ đầu cơ tại thị trường châu Á được công ty cung cấp dữ liệu Eurekahedge theo dõi.
Các cổ phiếu trong chỉ số VN-Index hiện đang được định giá ở mức khoảng 1,7 lần so với tài sản ròng của doanh nghiệp niêm yết, sau khi giảm xuống mức thấp nhất trong 3 năm là 1,5 lần vào năm ngoái. Trong 4 năm qua, VN-Index năng nào cũng tăng.
Trong khi đó, lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết ở Philippines được dự báo sẽ tăng 22% trong 12 tháng tới.
Trái với những dự báo khả quan về chứng khoán Việt Nam và Philippines, giới phân tích vẫn đang nhìn nhận khá bi quan về chứng khoán Trung Quốc. Chỉ số Shanghai Composite Index của sàn Thượng Hải đã giảm xuống mức thấp nhất 14 tháng vào hôm 28/1 trong bối cảnh kinh tế Trung Quốc phát thêm tín hiệu về sự giảm tốc sâu.
Tháng trước, Morgan Stanley dự báo lợi nhuận của các doanh nghiệp thuộc Shanghai Composite Index chỉ tăng 3% trong năm nay, so với dự báo tăng 5% đưa ra lần trước.
“Hầu hết các nhà đầu tư đều nhận thấy giá cổ phiếu ở Trung Quốc đã trở nên rẻ hơn. Nhưng tăng trưởng lợi nhuận cũng xấu đi ở hầu hết các lĩnh vực”, ông Deng nói.
Ông Deng cũng cho biết đã giảm nắm giữ cổ phiếu các công ty Trung Quốc từ trước tháng 6 năm ngoái, thời điểm thị trường chứng khoán nước này bắt đầu lao dốc. Quỹ của ông cũng bán khống cổ phiếu Trung Quốc tại thị trường Hồng Kông trong năm ngoái.
Theo VnEconomy