UBND tỉnh Quảng Nam vừa quyết định đầu tư 901 tỷ đồng để thực hiện đề án “Phát triển ứng dụng CNTT, xây dựng chính quyền số tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2021-2025”.
Đề án được triển khai nhằm xây dựng các nền tảng, phát triển hạ tầng Công nghệ thông tin - Truyền thông (CNTT-TT) hiện đại, đồng bộ, ứng dụng CNTT sâu rộng; nâng cao hiệu quả trong quản lý chỉ đạo, điều hành, thúc đẩy cải cách hành chính, năng lực cạnh tranh của địa phương,
Đồng thời, đề án cũng nhằm thực hiện các mục tiêu chiến lược góp phần xây dựng kinh tế - xã hội địa phương, phát triển kinh tế - xã hội trên nền tảng dữ liệu số và dữ liệu mở, hướng tới nền kinh tế số và xã hội số theo định hướng của Chính phủ.
Theo nội dung lộ trình, đề án sẽ tập trung xây dựng hạ tầng kỹ thuật CNTT, triển trai ứng dụng và xây dựng cơ sở dữ liệu, đảm bảo an toàn và bảo mật thông tin, đào tạo nhân lực CNTT cho Chính quyền điện tử; đồng thời xây dựng các giải pháp về cơ chế chính sách để cụ thể hoá các chỉ trương, đảo tạo đội ngũ cán bộ chuyên trách CNTT,… từ nay đến 2025 và tầm nhìn đến 2030.
Về mục tiêu cụ thể, đề án sẽ ban hành văn bản quy định về CNTT thúc đẩy tương tác giữa người dân, doanh nghiệp với chính quyền (G2C và G2B), giữa các đơn vị bên trong chính quyền (G2G) trên môi trường điện tử, môi trường số trên nguyên tắc lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm…
Bên cạnh đó, đề án sẽ xây dựng, phát triển các hệ thống nền tảng chính quyền điện tử, Chính quyền số hoàn thành việc tích hợp, chia sẻ dữ liệu với các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia thông qua nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu của tỉnh (LGSP).
Đến năm 2025, đề án sẽ đảm bảo 100% các giao dịch trên Cổng dịch vụ công tỉnh và hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp tỉnh, huyện, xã được xác thực điện tử; Cung cấp 100% các dịch vụ công trực tuyến liên quan tới nhiều người dân, doanh nghiệp ở mức độ 3, 4 trên Cổng dịch vụ hành chính công tỉnh… Góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội địa phương.
Đề án đặt mục tiêu đến năm 2030, Quảng Nam sẽ có 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau, bao gồm cả thiết bị di động; 100% hồ sơ công việc tại cấp tỉnh, 90% hồ sơ công việc tại cấp huyện và 70% hồ sơ công việc tại cấp xã được xử lý trên môi trường mạng.
Đặc biệt, đề án hình thành nền tảng dữ liệu mở của Chính quyền để kết nối, chia sẻ cho các tổ chức, doanh nghiệp, đóng góp vào kho dữ liệu mở quốc gia. Ứng dụng rộng khắp các thành tựu của cuộc CMCN 4.0 như IoT, AI, điện toán đám mây vào nền tảng Chính quyền số của tỉnh và các hoạt động ứng dụng CNTT của toàn xã hội.
Để thực hiện được mục tiêu đề án, từ nay đến 2025, Quảng Nam sẽ xây dựng Trung tâm dữ liệu tỉnh, đảm bảo năng lực triển khai Chính quyền số và đô thị thông minh; Xây dựng trung tâm điều hành thông minh (IOC); Nâng cấp, mở rộng hệ thống mạng WAN của tỉnh kết nối đến cấp xã; Đầu tư hiện đại hóa hệ thống camera giám sát an ninh trật tự - giao thông trên địa bàn tỉnh.
Song song đó, đề án sẽ xây dựng nền tảng Chính quyền số tỉnh Quảng Nam; xây dựng kho cơ sở dữ liệu (CSDL) dùng chung; Hoàn thiện, nâng cấp các ứng dụng dùng chung theo hướng tích hợp, chia sẻ dữ liệu và khai thác các CSDL quốc gia, CSDL địa phương; Số hóa hồ sơ, tài liệu và cập nhật các CSDL trên địa bàn tỉnh…
Đề án có tổng kinh phí thực hiện là 901 tỷ đồng, trong đó, ngân sách đầu tư tập trung là 200 tỷ đồng, kinh phí sự nghiệp là 150 tỷ đồng, ngân sách địa phương là 81 tỷ đồng, nguồn hỗ trợ từ Trung ương là 320 tỷ đồng, nguồn xã hội hoá là 100 tỷ đồng…