Putin - “Đại cao thủ” luôn tìm chỗ yếu đối phương để tấn công

Tổng thống Putin là một võ sĩ nhu đạo tìm chỗ yếu của đối phương trước khi tấn công như tại Ukraine và Syria. Nước Nga tuy ít vốn nhưng táo bạo, quyết đoán, còn Hoa Kỳ dù dư tiền nhưng lại không dám nhào theo vì đã bị cháy bỏng tay trong ván trước tại Iraq.
Tổng thống Nga Putin luôn tỏ ra mạnh mẽ và quyết đoán, dám mạo hiểm khi cần thiết vì lợi ích quốc gia
Tổng thống Nga Putin luôn tỏ ra mạnh mẽ và quyết đoán, dám mạo hiểm khi cần thiết vì lợi ích quốc gia

Nếu so sánh giữa hai Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Mỹ Barack Obama thì người ta có thể thấy: Nước Nga tuy kinh tế yếu nhưng ông Putin lại rất mạnh bạo can thiệp ra bên ngoài để bảo vệ cái gọi là quyền lợi quốc gia. Ngược lại Mỹ dù vượt trội trên cả hai phương diện kinh tế và quân sự nhưng bị phê bình là thiếu quyết đoán về ngoại giao.

Liệu tính cẩn trọng của Obama là cần thiết để Hoa Kỳ không can dự vào những cuộc phiêu lưu quân sự mới, hay chính sự dè dặt của Mỹ lại là một trong những nguyên nhân khiến nhiều cuộc khủng hoảng bùng phát ngày càng mạnh lôi kéo theo nhiều quốc gia? Nhiệm kỳ 8 năm của Tổng thống Obama sắp chấm dứt và di sản ngoại giao của ông sẽ còn là một đề tài tranh luận lâu dài vì những gì ông làm – hay không làm - sẽ để lại hậu quả ít nhất trong nửa phần đầu của thế kỷ 21.

Chính sách ngoại giao của Tổng Thống Obama được tóm gọn trong 4 chữ tiếng Anh “Don’t do anything stupid” tức là đừng làm chuyện dại dột. Thái độ này trái ngược hẳn với cung cách cao bồi “Shoot from the hip” hay là bắn trước hỏi sau của vị tiền nhiệm George W. Bush, người đã khiến nước Mỹ sa lầy vào cuộc chiến vô cùng chia rẽ lại thêm tốn kém về ngân sách, nhân mạng và uy tín tại Iraq.

Có hai dòng quan điểm, một bên lập luận cho rằng Hoa Kỳ phải chấm dứt việc phiêu lưu can dự vào mọi lúc mọi chổ mà không cần đắn đo suy nghĩ đến hậu quả; ngược lại là phản bác cho rằng trong ngoại giao phải chấp nhận rủi ro, và trước các thách thức vô cùng phức tạp nên thế giới đang cần đến sự lãnh đạo của Mỹ nhưng lại không tìm thấy từ nơi ông Obama.

Cũng nên nhắc lại Obama đắc cử với hai mục tiêu chính nhằm phục hồi nền kinh tế sau vụ Đại Suy Trầm 2008 và rút quân khỏi vũng lầy Iraq; kế đó là ổn định an ninh tại Afghanistan và phục hồi bang giao với Nga vốn xấu đi từ sau chiến tranh Georgia và từ khi ông Putin tái đắc cử lần thứ 3. Đến năm 2011 Hoa Kỳ lại thêm quyết định chuyển trục sang Châu Á với bài viết của cựu Ngoại Trưởng Hillary Clinton trên tạp chí Foreign Policy.

Theo thói quen của dân Mỹ cho điểm lãnh đạo thì nhận xét riêng của người viết rằng ông Obama được điểm B trung bình về bộ môn kinh tế với nhịp độ phục hồi vừa phải, C kém về bộ môn châu Á vì tiến độ chuyển trục vẫn ngập ngừng, F tức là thi rớt về Trung Đông, Afghanistan và Nga bởi không tìm ra giải pháp cho các cuộc khủng hoảng. Tuy nhiên từng con số điểm nói trên không thể phản ảnh toàn bộ vấn đề, vì giả sử ông Obama thành công trên mọi lĩnh vực ngoại giao nhưng chỉ riêng nền kinh tế không phục hồi thì toàn bộ nhiệm kỳ của ông vẫn thất bại do nơi sức mạnh của Hoa Kỳ cùng mối quan tâm của dân chúng vẫn chính là kinh tế.

Hai sai lầm ngoại giao bị xem là lớn nhất của Obama gồm việc rút quân quá sớm khỏi Iraq, và nuốt lời không can thiệp quân sự vào Syria sau khi đã vạch ra lằn ranh đỏ ngăn cấm việc sử dụng vũ khí hóa học. Các quyết định này khiến hệ phái Sunni (Saudi Arabia), Shiites (Iran), cộng thêm phong trào Hồi giáo cực đoan cùng Thổ Nhĩ Kỳ và Nga cùng nhau đánh giá rằng Hoa Kỳ không còn lòng dạ nào để nắm vai trò chủ động trong tình hình tại Trung Đông. Các phe nhảy vào lấp khoảng trống và tranh nhau mở rộng ảnh hưởng khiến khủng hoảng ngày càng lan rộng dẫn đến sự bùng phát của nhóm khủng bố IS.

Ngược lại ông Obama muốn lợi dụng ưu thế bất ngờ của công nghệ khai thác dầu hỏa từ đá phiến để thoát khỏi sự lệ thuộc năng lượng và ảnh hưởng chính trị của Do Thái, qua đó giảm thiểu các cuộc phiêu lưu chính trị vào Trung Đông. Đã đến lúc Hoa Kỳ ngừng làm đạo diễn để Trung Đông phải tự giải quyết những khủng hoảng trong thế giới Hồi Giáo từ tranh chấp Sunni-Shiite, đến xung đột Do Thái và Palestine, tình trạng thiếu dân chủ và thiếu việc làm trong dân chúng.  Sự bất mãn trong xã hội được xoa dịu bởi các liều thuốc độc qua chính sách khuyến khích chủ nghĩa tôn giáo cuồng tín cực đoan và khơi dậy nổi hận thù với Do Thái và Tây Phương.

Tuy nhiên cánh chống đối ông Obama cho rằng chính các quyết định không can thiệp đã dẫn đến tình trạng tệ hại tồi tệ ngày hôm nay, vì tựa như ngọn lửa còn nhỏ khi nhen nhúm nên chỉ cần một nổ lực vừa phải có thể dập tắt thay vì đợi đến lúc hỏa hoạn bùn phát rồi trước sau cũng phải nhào vào chữa cháy. Nói một cách khác là ông Bush làm bể nồi cơm nhưng ông Obama không chịu quét dọn nên gánh phần trách nhiệm.

Giữa khủng hoảng Syria và việc Nga chiếm một phần đất của Ukraine không có liên hệ trực tiếp, nhưng Tổng thống Putin là một võ sĩ nhu đạo tìm chỗ yếu của đối phương trước khi tấn công. Nhiều nhận xét đánh giá ông Putin đã kết luận nơi bài học Syria rằng ông Obama sẽ phản ứng không đủ mạnh nếu Nga ngăn chặn sự bành trướng của NATO xuống Nam Âu, bởi Hoa Kỳ sẽ tránh né để một cuộc khủng hoảng mới không nổ bùng trong lúc Châu Âu còn lệ thuộc vào khí đốt từ Nga và lại đang cắt giảm ngân sách quốc phòng trong tình trạng kinh tế khủng hoảng.

Hai ông Putin và Obama theo đuổi những triết lý và quan điểm khác nhau
Hai ông Putin và Obama theo đuổi những triết lý và quan điểm khác nhau

Trước đây Saddam Hussein cũng nghĩ rằng Mỹ sẽ không can thiệp khi Iraq tấn công Kuwait nhưng ông này đã tính toán hoàn toàn sai lầm; ngược lại Putin tính đúng khi sát nhập Crimea và dựng nên hai cộng hoà phía Đông Ukraine vì các phản ứng của Tây Phương rất thận trọng và giới hạn. Tất nhiên không ai đọc biết được tâm lý lãnh tụ nhưng bàn cờ thế giới đôi khi cũng giống như một ván xì-phé: Nước Nga tuy ít vốn nhưng táo bạo, quyết đoán, còn Hoa Kỳ dù dư tiền nhưng lại không dám nhào theo vì đã bị cháy phỏng tay trong ván trước tại Iraq.

Trên võ đài, khi kẻ thắng không phải vì đánh giỏi mà dám lì lợm chịu đau, giống như nước Nga tuy suy sụp do giá dầu cực thấp và kinh tế bị phong tỏa nhưng vẫn quyết liệt trong thế tấn công, trong lúc Mỹ tuy có nhiều ưu thế nhưng lại rụt rè sợ đau không dám phản ứng mạnh. Ngược lại, cũng có quan điểm cho rằng ông Obama kiên nhẫn vì biết rằng nước Nga mạnh bạo nhưng nội lực yếu nên sẽ có lúc Nga phiêu lưu vượt khỏi khả năng kém cỏi của mình. Hoa Kỳ dù vấp ngã tại Trung Đông và Nam Âu nhưng vẫn đứng vững trong khi chế độ Putin không thể tồn tại nếu tính toán sai lầm chỉ một nước cờ.

Ông Putin thường bất ngờ tấn công vào chỗ yếu của đối phương như binh pháp Tôn Tử khuyên dạy
Ông Putin thường bất ngờ tấn công vào chỗ yếu của đối phương như binh pháp Tôn Tử khuyên dạy

Ngoại giao Obama thể hiện nhất quán nơi chính sách chuyển trục sang Châu Á, nhưng từ khi cựu Ngoại Trưởng Hillary Clinton từ chức thì ông John Kerry chỉ sang Châu Á một vài lần đâu đó rồi mất hút vì dành toàn thời gian vào Syria, Crimea, Iran, ISIS,… Chính sách ngoại giao tại Châu Á lại dành cho hai vị Bộ Trưởng Quốc Phòng là Chuck Hagel và Ash Carter. Tin tức về các chuyến công du của Obama sang Châu Á lẽ ra chiếm hàng tít lớn nhưng đều bị lu mờ bởi những biến chuyển quốc tế dồn dập: năm 2015 vì khủng bố tại Pháp; 2013 hủy bỏ công du do tranh chấp ngân sách với Quốc Hội; 2012 lúc Do Thái tấn công dải Gaza; 2010 hủy bỏ công du vì bận vận động cho dự luật bảo hiểm sức khỏe ObamaCare ra trước Quốc Hội và vụ cháy nổ dàn khoan dầu ở vịnh Mexico.

Có vài bài báo cho biết trong ban tham mưu nòng cốt gồm 5-10 nhân vật quyết định về đường lối ngoại giao thì chỉ có Tổng thống Obama là kiên trì nhất với chính sách xoay trục trong khi các cố vấn khác lại không đặt trọng tâm vào Châu, Á nên chính ông Obama đã quyết định tiếp tục công du tham dự APEC năm 2015 thay vì hủy bỏ sau vụ IS khủng bố tại Pháp. Có thể vì vậy nên trong vụ chiến hạm Lassen tiến vào vùng 12 hải lý quanh các đảo nhân tạo của Trung Quốc xây trái phép tại Biển Đông lại mang nét thận trọng cố hữu của Obama: phản ứng quá chậm và quá ít.

Thêm vào đó lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình có một lợi thế khi xuất ngoại rất thường xuyên, liên tục sang Hoa Kỳ, rồi Châu Âu, qua Nga, xuống Đông Nam Á, đi Châu Phi để vận động cho quyền lợi Trung Quốc trên khắp thế giới. Trái lại ông Obama ít ra nước ngoài vì mỗi lần công du tổ chức an ninh rất phức tạp, lại thêm phải ở trong nước chống trả với Quốc Hội do đảng Cộng Hòa chiếm đa số. Chính sách chuyển trục của Hoa Kỳ đạt được một mục tiêu là hợp tác với các quốc gia gồm Nhật Bản, Philippines, Singapore, Úc và Ấn Độ nhằm ngăn của Trung Quốc thoát ra bên ngoài chuỗi đảo thứ nhất. Nhưng bên trong chuỗi đảo và nhất là ở Biển Đông thì Bắc Kinh ảnh hưởng và thách thức ngày càng nhiều còn Hoa Kỳ và các nước trong khu vực chưa có đối sách rõ rệt.

Để kết luận, ông Obama đã đạt hai mục tiêu đầu là phục hồi kinh tế và rút khỏi Iraq, nhưng lại không đủ tư thế lãnh đạo trước những biến chuyển dồn dập sau đó. Thành quả ngoại giao của ông có thể chính nhờ thái độ “Đừng làm chuyện dại dột” để Hoa Kỳ không phung phí nhân vật lực trong một vũng lầy mới.

Nếu là thuyền trưởng thì ông có công giữ tàu không lật trong giông bão để rồi giao tàu cho thuyền trưởng sau này định hướng. Tuy nhiên không một ứng cử viên nào của đảng Cộng Hòa tranh cử chức Tổng thống có kinh nghiệm về ngoại giao, ngược lại bà Clinton tuy rất lão luyện nhưng chưa chứng tỏ có được tầm nhìn như Tổng thống Wilson hay Roosevelt. Chúng ta còn phải chờ xem thế giới diễn biến thế nào vào thế kỷ 21. 

Theo VHNA