Ông Obama chê ông Putin "yếu" |
Ông Obama còn cho rằng chiến dịch can thiệp quân sự của ông Putin thể hiện sự yếu đuối chứ không phải mạnh mẽ. “Khách hàng của ông ta, Assad đang sụp đổ và không đủ sức để bảo đảm việc gửi vũ khí và tiền cho họ, vì thế ông ta (Putin) mới phải điều máy bay và phi công của mình vào. Hiện nay, Iran và Assad lập liên minh với Putin. Phần còn lại của thế giới liên minh với chúng ta. Và do đó tôi không nghĩ người ta ngớ ngẩn đến mức bị lừa phỉnh bởi chiến lược hiện nay”, ông Obama bình phẩm.
Tại cuộc họp báo trước khi Nga bất ngờ phóng tên lửa hành trình vào Syria, một nhà báo có hỏi liệu ông Putin có củng cố vững chắc thêm vị thế của mình ở Nga, ông Obama cũng nói những gì Nga đang làm không phải là sự mạnh mẽ và lưu ý rằng lệnh trừng phạt vẫn có hiệu lực do hành động của ông Putin trong cuộc khủng hoảng Ukraine. “Họ muốn gây chú ý. Những hành động của ông Putin chỉ thành công trong việc nâng cao tỷ lệ ủng hộ ông ta bên trong nước Nga”, ông Obama nhận xét.
Còn Derek Chollet, trợ lý bộ trưởng quốc phòng Mỹ về các vấn đề an ninh quốc tế thì cho rằng tổng thống Putin không phải là bậc thầy chơi cờ, ông đã quá gồng mình và có bước đi sai lầm tại Syria. Mỹ nên khôn ngoan chờ Putin vỡ trận hơn là tìm cách xua đuổi.
Theo Chollet, mỗi bước Nga tăng cường quân sự tại Syria, tình hình lại chìm sâu vào tồi tệ. Ý kiến chỉ trích ồ ạt đổ cho chính sách đối ngoại của tổng thống Mỹ Barack Obama thất bại, kêu gọi ông Obama “hãy làm gì đó” để đương đầu với Moscow, trừng phạt Nga về sự liều lĩnh…
Qua lăng kính chính trị, nhiều lời kêu gọi một cách tiếp cận cứng rắn hơn của Mỹ tại Syria. Một số bàn đến chiến tranh ủy nhiệm, trong khi số khác lại kêu gọi một cuộc Chiến tranh Lạnh mới, đồng thời tuyên bố cần hành động cứng rắn nhằm khôi phục lại uy tín của Mỹ. Song Chollet khuyên rằng trước khi Mỹ dấn vào việc gì đó, điều quan trọng cần lùi một bước và tự hỏi tổng thống Nga Putin nhằm mục tiêu gì và rút ra từ đó xem chiến dịch can thiệp quân sự táo bạo ấy sẽ vận hành thế nào. Từ đó, Mỹ sẽ biết cách đối phó ra sao.
Chollet cho rằng mục tiêu can thiệp của ông Putin vào Syria để đánh IS là lố bịch. Động cơ của Nga rất đơn giản: bảo vệ Assad, Putin tin rằng ông đang bảo vệ một nguyên tắc cơ bản chống lại “sự can thiệp bên ngoài” tìm cách lật đổ chính quyền đồng minh (như ông từng giận dữ chứng kiến nhưng gì từng xảy ra trong 15 năm qua tại Serbia, Iraq, Libya và Ukraine).
Và vai trò quân sự của Nga trong cuộc xung đột Syria rất mới mẻ. Họ đã có mặt ở đó ngay từ đầu với tư cách đồng minh của Assad và là nhà cung cấp vũ khí số một. Người Nga cũng có mặt ở đó. Nhìn từ góc độ này, Chollet cho rằng hành động của ông Putin thể hiện sự sợ hãi và yếu đuối (!?) chứ không phải tư thế tự tin và mạnh mẽ. Ông Putin chứng kiến đồng minh đang lâm nguy và vì thế Nga phải nhảy vào bảo vệ Assad. Nga muốn duy trì căn cứ quân sự duy nhất ở nước ngoài tại khu vực là căn cứ hải quân ở Tartus.
Chollet nhận định, hiện Nga đã quyết định dồn lực lượng hậu thuẫn Assad, nhưng đó sẽ là một nhiệm vụ nặng nề, lâu dài. Nga có thể vui mừng với một số thắng lợi mang tính chiến thuật, nhưng thất bại và sai lầm là khó tránh khỏi (chẳng hạn như tên lửa hành trình Nga rơi xuống lãnh thổ Iran). Và với Nga, việc duy trì vị thế sẽ đòi hỏi tiếp tục cung cấp các nguồn lực và chi phí cao hơn, rất khó bảo đảm bền vững theo thời gian.
Theo Chollet, ông Putin còn muốn dùng chiến dịch can thiệp quân sự để hướng sự chú ý ra khỏi những vấn đề đối nội, đặc biệt là tình hình tại Ukrain và nền kinh tế suy giảm nghiêm trọng. Chiến thuật này chứng tỏ có hiệu quả trong ngắn hạn. Nhưng như cuộc khủng hoảng Ukraine, can thiệp quân sự vào Syria đặc biệt khi thương vong của Nga tăng lên, sẽ khiến dư luận Nga nhanh chóng thay đổi.
Cũng có quan điểm rằng hành động của ông Putin là một nỗ lực duy trì vị thế địa chiến lược thích đáng cho Nga. Putin muốn đảm bảo Nga giữ tư thế một tay chơi trong khu vực Trung Đông. Nhưng một số cáo buộc Putin hướng sự chú ý vào một giá trị lớn hơn: lấn bước vào khu vực mà Mỹ đã từ bỏ, Nga đang cố gắng lấp đầy khoảng trống quyền lực.
Chollet cho rằng các đồng minh của ông Putin là Iran, Hezbollah và chính phủ tổng thống Assad đang bị cô lập. Ngoài ra, các nước A rập Xê út, Thổ Nhĩ Kỳ đã rót những nguồn lực khổng lồ cho các lực lượng đối lập Syria. Và ông Putin lại càng bị cô lập hơn trên thế giới. Chollet nói có thể Nga sẽ dính đòn hồi mã thương do đã tấn công vào các nhóm Hồi giáo cực đoan dòng Sunni.
Vậy Mỹ nên làm gì về vấn đề này? Chollet đề xuất, trước hết nên tiếp tục lên án và cô lập Nga, bao gồm cả mở rộng trừng phạt kinh tế. Thứ hai, tăng cường hỗ trợ các lực lượng đối lập Syria, còn những cách khác cung cấp viện trợ quân sự trực tiếp cho các nhóm này. Thứ ba là Mỹ và các đối tác châu Âu cần duy trì sự thống nhất, đặc biệt là cam kết phòng vệ tập thể đối với thành viên NATO Thổ Nhĩ Kỳ.
Chollet nhận định tổng thống Putin đang cố gắng chia rẽ NATO bằng cách gây ra một cuộc khủng hoảng với Thổ Nhĩ Kỳ. Thứ tư, vị này khuyên Mỹ và các đồng minh cần tăng cường cuộc chiến chống IS, làm rõ rằng Nga leo thang quân sự không làm phương Tây lùi bước. Trong khi Nga can thiệp khiến tình hình nội chiến Syria trầm trọng hơn, Mỹ cần tránh phản ứng tức thì, thay vì thế nên theo đuổi chiến lược kiên nhẫn.
Chollet dè bỉu Putin không phải là một nhà chiến lược lớn. Trợ lý bộ trưởng quốc phòng Mỹ cho rằng, ông Putin đang đưa mình vào một tình thế không biết thoát ra như thế nào và sẽ phải trả giá đắt, tương tự như tại Ukraine.
Trong một động thái khác, Lầu Năm Góc đã hủy bỏ chương trình 500 triệu USD huấn luyện hàng ngàn chiến binh tại Syria để chống IS, sau khi hàng chục người đã đầu hàng al Qaeda sau. Mỹ thừa nhận khó khăn trong việc chọn đầu tư cho các nhóm có thể tin cậy.
Theo New York Post, tổng thống Nga Putin đã giáng cho ông Obama một đòn bất ngờ tại diễn đàn Liên hợp quốc khi tuyên bố rằng sự can thiệp của Mỹ vào Trung Đông không hiệu quả và ông sẽ lãnh đạo một nỗ lực mới. “Đó là một sai lầm rất lớn khi từ chối hợp tác với chính phủ Syria và quân đội nước này, những người can đảm mặt đối mặt chiến đấu với chủ nghĩa khủng bố”, ông Putin phát biểu tại Đại hội đồng Liên hợp quốc.
Theo QPAN