Tỷ phú, ứng viên tổng thống Mỹ: Ông Putin cừ hơn Obama

Đó là nhận xét của tỷ phú và là ứng cử viên tổng thống Mỹ năm 2016 Donald Trump. Ông Trump cho rằng tổng thống Nga Vladimir Putin là nhà lãnh đạo tốt hơn tổng thống Mỹ Barack Obama và nhận xét ông Putin xứng đáng được điểm "A" về khả năng lãnh đạo.
Hai nhà lãnh đạo Putin và Obama
Hai nhà lãnh đạo Putin và Obama

Nhà tỷ phú kiêm ứng viên tổng thống đảng cộng hòa ca ngợi ông Putin khi xuất hiện trên kênh truyền hình Fox News. Ông Trump còn phát biểu trong chương trình The O'Reilly Factor rằng Putin xuất sắc hơn tổng thống Obama nhiều, nhưng cũng nói thêm rằng mình cần phải chín chắn trước khi có thể nhận đề cử của đảng cộng hòa trong cuộc đua vào Nhà Trắng.

Nói về nhà lãnh đạo Nga Putin, tỷ phú Trump tuyên bố nếu ông được bầu làm tổng thống Mỹ, ông có thể sẽ trở thành bạn bè với tổng thống Nga và sau đó ca ngợi những khả năng của ông Putin. “Tôi sẽ nói với bạn rằng về phương diện lãnh đạo, ông ấy (Putin) xứng đáng nhận điểm “A”, còn tổng thống của chúng ta đang làm không được tốt lắm”, nhà tài phiệt nhận xét.

“Họ đã không nhìn nhau một cách thiện cảm”, tỷ phú Trump nói về cuộc gặp căng thẳng gần đây tại diễn đàn Đại hội đồng Liên hợp quốc ở New York. Ứng cử viên tổng thống Mỹ còn cho biết, ông nhất trí với quan điểm của tổng thống Putin về việc cần phải ủng hộ tổng thống Syria Bashar Assad.

Không thể thiếu Nga

Quả thật, những động thái liên tiếp của nhà lãnh đạo Nga gần đây đã thực sự đẩy Mỹ và phương Tây vào thế bị động, buộc phải nói chuyện với người Nga dù vẫn đang trong chiến dịch cô lập và trừng phạt Nga do cuộc khủng hoảng Ukraine. Với những bước đi chiến lược khôn ngoan và tài tình, ông Putin dường như muốn nhắc nhở rằng các công việc quan trọng của thế giới không thể không nói chuyện với Nga.

Chỉ vài ngày trước khi cuộc gặp Putin - Obama diễn ra, Iraq bất ngờ công bố thỏa thuận chia sẻ thông tin tình báo nhằm chống phiến quân Nhà nước Hồi giáo, ký giữa Iraq với Nga, Iran và Syria. Đây là lần thứ hai trong vòng một tháng, Nga gia tăng ảnh hưởng chính trị và quân sự ở Syria, khiến Mỹ hoàn toàn bất ngờ. Lần thứ nhất là việc Nga điều binh sĩ, vũ khí, trang bị tới Syria, theo NYTimes.

Theo Wall Street Journal, thỏa thuận 4 bên được ký kết ngay tại thủ đô Iraq, đồng minh của Mỹ, mà Mỹ trước đó không hề biết. Các quan chức Mỹ chỉ biết rằng có một nhóm quan chức quân sự Nga đã đến Baghdad, nhưng không rõ vì mục đích gì.

Khi Bộ Tham mưu Liên quân Iraq thông báo về thỏa thuận trên các quan chức Mỹ đã tỏ ra ngạc nhiên. "Chúng tôi mới chỉ bắt đầu tìm cách hiểu được những ý định của Nga ở Syria, ở Iraq, và cố tìm xem liệu có lợi ích chung nào giữa hai nước tại khu vực hay không", một quan chức cấp cao Mỹ cho biết.

Việc Nga và Iran tăng cường hợp tác bên trong lãnh thổ Syria để bảo vệ vùng lãnh thổ còn lại của chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad trước sức ép của phiến quân IS và phe nổi dậy không phải là điều gì quá mới mẻ đối với các quan chức Mỹ.

Điều gây bất ngờ nhất trong thỏa thuận chia sẻ thông tin tình báo này là Iraq, đồng minh thân cận của Mỹ trong cuộc chiến chống lại IS. Với sự hiện diện của khoảng 3.500 cố vấn, huấn luyện viên và nhân viên quân sự Mỹ trong nước, Thủ tướng Iraq Haider al-Abadi luôn thể hiện mình là một thành viên quan trọng trong liên minh do Mỹ đứng đầu chống lại phiến quân Hồi giáo.

Hình ảnh được cho là chụp chiến đấu cơ Nga ở Syria. Ảnh:ABC News

Hình ảnh được cho là chụp chiến đấu cơ Nga ở Syria. Ảnh:ABC News

Thế nhưng chính phủ Iraq, với đa phần là người Hồi giáo dòng Shiite, từ lâu đã bày tỏ lo lắng rằng việc lật đổ Tổng thống Assad ở Syria có thể sẽ khiến IS trở nên mạnh hơn. Và đó là một trong những lý do Baghdad tạo điều kiện cho Nga tăng cường sự hiện diện quân sự ở Syria. Bằng chứng mới nhất là họ cho phép máy bay vận tải quân sự Nga bay qua bầu trời của mình để tới Syria, bất chấp đề nghị đóng cửa không phận của Mỹ.

Quyết định của Iraq đối với Nga phản ánh nỗ lực tìm một hướng đi trung dung giữa Mỹ và Iran, cũng như cách hiểu khác nhau về cách đối phó với vấn đề Syria trong nội bộ chính phủ Iraq.

"Quyền lực và thẩm quyền ở Iraq đang ngày càng bị khuếch tán, với ngày càng nhiều thế lực có thể đưa ra quyết định đơn phương về việc sử dụng vũ lực", ông Ramzy Mardini, chuyên gia tại Hội đồng Đại Tây Dương, nhận định.

Ông Mardini cho rằng Mỹ rất khó có thể ép các lãnh đạo Iraq chống lại Syria, bởi chính phủ của ông Assad gồm phần lớn những người thuộc dòng Alawite, một nhánh nhỏ của dòng Hồi giáo Shiite hiện chiếm đa số trong giới quyền lực Iraq, còn phiến quân IS lại có xuất thân từ dòng Hồi giáo Sunni và được nhiều người Sunni ủng hộ.

Trong khi đó, quan hệ quân sự giữa Iraq và Nga lại ngày càng được cải thiện. Năm ngoái, Nga đã bán nhiều chiến đấu cơ cho không quân Iraq để ném bom IS, sau khi Mỹ không giữ lời hứa cung cấp F-16 cho Iraq. Baghdad đang đàm phán với Moscow để có thể mua thêm nhiều loại vũ khí hiện đại do Nga sản xuất.

Mũi tên trúng hai đích

Thỏa thuận chia sẻ thông tin tình báo này cho thấy Tổng thống Nga Vladimir Putin đang đi trước Mỹ một bước trong cuộc chiến chống lại IS, bằng cách thành lập một liên minh có sự tham gia của cả Iran, Iraq và chính phủ Syria.

Theo các chuyên gia phân tích, động thái này của ông Putin chính là "một mũi tên trúng hai đích", khi nó không chỉ giúp Nga có một chỗ đứng vững chắc để yểm trợ về mặt quân sự cho chính quyền của Tổng thống Assad, mà còn có thể tạo điều kiện cho Kremlin tiếp tục có ảnh hưởng đến việc lựa chọn người kế nhiệm ông Assad trong trường hợp ông này buộc phải từ bỏ quyền lực.

Binh sĩ quân đội chính phủ Syria chiến đấu chống phiến quân IS. Ảnh: Independent

Binh sĩ quân đội chính phủ Syria chiến đấu chống phiến quân IS. Ảnh: Independent

Emile Hokayem, chuyên gia về Syria tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế ở London, cho rằng Nga muốn duy trì chính phủ của ông Assad ở Syria, hoặc ít nhất là có tiếng nói trọng lượng trong việc thành lập một chính phủ chuyển tiếp thời kỳ hậu Assad. Điều này cũng đã được thể hiện trong bài phát biểu của Tổng thống Putin trước Liên Hợp Quốc, khi ông khẳng định rằng Tổng thống Assad là một nhân tố không thể thiếu trong giải pháp chính trị cho Syria.

Với việc ký kết thỏa thuận chia sẻ thông tin tình báo 4 bên, Nga, Iraq và Iran công nhận vai trò của chính quyền Assad trong cuộc chiến chống lại IS, ảnh hưởng đáng kể đến những tính toán và mục tiêu dài hạn của Mỹ ở Syria.

Wall Street Journal dẫn đánh giá của các nhà ngoại giao Arab cho rằng, những động thái gần đây của Nga ở Syria đã nâng cao đáng kể tầm ảnh hưởng về chính trị và quân sự của nước này tại khu vực Trung Đông, đồng thời làm suy giảm ảnh hưởng của Mỹ đối với những sự kiện diễn ra trên mặt đất.

Bằng cách can thiệp ngày càng sâu hơn vào tình hình Syria và thậm chí là Iraq, ông Putin đang thách thức trực tiếp hai mục tiêu cốt lõi trong chính sách đối ngoại của ông Obama trong năm cuối của nhiệm kỳ, đó là tìm một giải pháp cho cuộc xung đột phức tạp ở Syria, và điều chỉnh cuộc chiến chống IS thoát khỏi thế bế tắc.

Cuộc khủng hoảng Syria là một vấn đề đau đầu của ông Obama trong chính sách đối ngoại. Ông thường bị chỉ trích là "thiếu đầu tư" trong nỗ lực tiêu diệt IS do ông tin rằng sẽ không có giải pháp nào mà không kéo Mỹ lún sâu vào một cuộc chiến chưa nhìn thấy hồi kết. Trong bài phát biểu trước Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, Obama tuyên bố "Mỹ sẵn sàng làm việc với bất kỳ quốc gia nào, trong đó có Nga và Iran, để giải quyết xung đột"Khi bày tỏ sự sẵn sàng hợp tác với Iran và Nga, ông Obama đã công khai thừa nhận ảnh hưởng của họ ở Syria.

"Người Nga đang thể hiện khá rõ ràng rằng sẽ không có tiến triển nếu thiếu họ, và họ giành được vị thế khiến Mỹ không còn lựa chọn nào khác ngoài việc đàm phán với họ", ông Dennis Ross, cựu cố vấn cấp cao của Obama về Trung Đông, cho biết.

Theo VnE/QPAN