Phúc Long khi về tay Masan: Biên EBITDA sánh ngang Starbucks, muốn xuất ngoại trong 2-3 năm tới

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Phúc Long dự kiến doanh thu đạt từ 2.500 - 3.000 tỉ đồng vào năm 2023. Chuỗi F&B trà và cà phê của Masan cũng lên kế hoạch xuất ngoại trong 2-3 năm tới.

Thông tin này được đề cập trong báo cáo thường niên 2022 do CTCP Tập đoàn Masan (Masan – Mã CK: MSN) công bố mới đây.

Tập đoàn của tỷ phú Nguyễn Đăng Quang cho biết, chuỗi F&B trà và cà phê Phúc Long Heritage (Phúc Long) có sức tăng trưởng mạnh mẽ kể từ khi trở thành một phần trong hệ sinh thái bán lẻ tiêu dùng của tập đoàn.

Masan lần đầu rót vốn vào Phúc Long trong quý 2/2021, với việc chi ra 15 triệu USD (khoảng 340 tỉ đồng) để đổi lấy 20% cổ phần, tương ứng với mức định giá 75 triệu USD. Định giá Phúc Long được đẩy lên mức 450 triệu USD, sau khi Masan hoàn tất việc tăng tỷ lệ sở hữu lên 85% trong năm 2022.

Về ‘chung nhà’ với Masan, Phúc Long đã có sự ‘tăng trưởng đáng kể về doanh thu và số lượng cửa hàng’. Tính đến cuối năm 2022, chuỗi này có 111 cửa hàng đại diện thương hiệu và 21 cửa hàng mini – cao gần gấp đôi số lượng cửa hàng từ khi Masan lần đầu đầu tư vào công ty năm 2021.

Theo Masan, Phúc Long đứng thứ 2 về doanh thu và đứng đầu về biên lợi nhuận gộp trong chuỗi cà phê và trà nội địa. Trong đó, hoạt động bán hàng trực tuyến đóng góp tới 35% tổng doanh thu của chuỗi.

Các cửa hàng flagship (đại diện thương hiệu) của Phúc Long đã mang lại hiệu quả kinh tế, trong đó biên EBITDA (lợi nhuận trước thuế, khấu hao và lãi vay) cấp cửa hàng và công ty lần lượt đạt 31% và 25%. Đây là ‘mức cao nhất ngay cả khi so sánh với các chuỗi F&B trên toàn cầu’.

Theo dữ liệu từ macrotrends.net, năm 2022, tỷ suất EBITDA trên doanh thu thuần của Starbucks ở mức 19,1%. Chỉ tiêu này trong các năm 2021 – 2019 lần lượt ở mức 22%; 13% và 20,8%.

Một cửa hàng Phúc Long bên trong chuỗi siêu thị WinMart/WinMart+

Một cửa hàng Phúc Long bên trong chuỗi siêu thị WinMart/WinMart+

Trở lại với Phúc Long, các cửa hàng đại diện thương hiệu của chuỗi này đã đạt biên EBITDA ở mức 26%, qua đó đóng góp 1.153 tỉ đồng doanh thu và 332 tỉ đồng EBITDA trong năm 2022.

Báo cáo thường niên của Masan cũng thừa nhận quá trình thử nghiệm mô hình kiosk cho chuỗi Phúc Long không đáp ứng được kỳ vọng ban đầu. Trong 6 tháng cuối năm 2022, tập đoàn này đã quyết định đóng cửa 150 kiosk. “Chúng tôi đang điều chỉnh mô hình này trong nửa đầu năm 2023 trước khi tiếp tục mở rộng quy mô”, báo cáo viết.

Trong năm 2023, Phúc Long dự kiến doanh thu sẽ đạt từ 2.500 - 3.000 tỉ đồng. Chuỗi F&B trà và cà phê của Masan cho biết sẽ tăng cường đổi mới thực đơn, xây dựng các quy trình và hệ thống vận hành tiêu chuẩn để sẵn sàng mở rộng trên phạm vi toàn cầu trong vòng 2-3 năm tới.

Ngoài ra, Phúc Long cũng đặt mục tiêu mở 75-90 cửa hàng flagship mới, nhắm tới vị trí thứ 2 về số lượng cửa hàng.

Theo dữ liệu của statista.com, tính đến tháng 12/2022, Highland là chuỗi cà phê lớn nhất Việt Nam với 573 cửa hàng, tiếp đến là The Coffee House với 154 cửa hàng.

Nên biết, theo dự báo của Euromonitor, các cửa hàng cà phê & trà đặc sản tiêu dùng bên ngoài sẽ tăng trưởng 8,6%/năm từ 1,2 tỉ USD trong năm 2022 lên 1,5 tỉ USD vào năm 2025.

Trước đó, vào năm 2020, báo cáo của đơn vị này ghi nhận thị trường chuỗi cà phê và trà tại Việt Nam có quy mô lên tới 1 tỉ USD mỗi năm. Tuy vậy, các chuỗi Highlands, The Coffee House, Starbucks, Trung Nguyên Legend, hay Phúc Long, mới chỉ chiếm khoảng 25% thị phần./.