Tài như Masan: Định giá Phúc Long Heritage bật tăng 6 lần sau 14 tháng, đã lên 450 triệu USD

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – 14 tháng trước, khi Tập đoàn Masan của tỉ phú Nguyễn Đăng Quang công bố khoản đầu tư đầu tiên vào chuỗi trà sữa Phúc Long, Phúc Long Heritage mới được định giá 75 triệu USD - vốn đã rất ấn tượng vào thời điểm ấy.
Tài như Masan: Định giá Phúc Long Heritage bật tăng 6 lần sau 14 tháng, đã lên 450 triệu USD.
Tài như Masan: Định giá Phúc Long Heritage bật tăng 6 lần sau 14 tháng, đã lên 450 triệu USD.

Chỉ sau hơn một năm, mức định giá của CTCP Phúc Long Heritage đã lên đến 450 triệu USD - cũng bởi nhóm Masan thiết lập.
Cụ thể, Công ty TNHH The Sherpa (Sherpa) – công ty con gián tiếp của CTCP Tập đoàn Masan (Mã CK: MSN) – đã mua tiếp 10,8 triệu cổ phần, tương đương 34% lợi ích vốn chủ sở hữu của CTCP Phúc Long Heritage (Phúc Long Heritage) với số tiền 3.617,7 tỉ đồng.

Hậu giao dịch, tỉ lệ lợi ích của MSN tại Phúc Long Heritage tăng từ 51% lên 85%. Đồng thời, thương vụ cũng xác lập mức định giá mới cho chủ chuỗi trà sữa hàng đầu Việt Nam, lên tới 10.640 tỉ đồng (450 triệu USD).

Mức định giá vừa nêu vượt cả con số 400 triệu USD mà VietTimes từng đề cập hồi tháng 2/2022. Dù rằng khi ấy, mức định giá 355 triệu USD của chuỗi đồ uống này đã đủ làm choáng công chúng.

Dễ hiểu khi 'deal' M&A Phúc Long của MSN trở thành tâm điểm bàn luận của giới đầu tư trên các diễn đàn.

Định giá của Phúc Long Heritage đã gấp 6 lần chỉ sau 14 tháng, với sự xuất hiện của MSN.

Tỷ lệ sở hữu thực sự của nhóm MSN tại Phúc Long được tin là đã sớm vượt 51% và việc 'hợp nhất' khoản đầu tư này trên báo cáo tài chính mới đây chỉ được xem như một bước cấu trúc theo lộ trình.

Sẽ không quá bất ngờ nếu tới đây MSN công bố gom nốt 15% còn lại và đẩy định giá của Phúc Long Heritage lên tầm cao mới.

Nên biết, Phúc Long Heritage được thành lập vào ngày 21/5/2021, chỉ ít hôm trước khi nhóm MSN đánh dấu khoản đầu tư mua 20% cổ phần lần đầu.

Đến tháng 10/2021, ông Nguyễn Đăng Quang được bầu làm Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm người đại diện theo pháp luật của Phúc Long Heritage, trong khi, ông Lâm Bội Minh – nhà sáng lập Phúc Long – đảm nhiệm vai trò Tổng giám đốc.

Việc phân chia các chức vụ cấp cao nhất ở Phúc Long Heritage phần nào phản ánh vị thế giữa các bên, dù khi đó, MSN mới chỉ là cổ đông lớn (trên danh nghĩa) tại doanh nghiệp này với tỷ lệ sở hữu 20% vốn điều lệ.

Sau khi tăng tỷ lệ sở hữu từ 20% lên 51%, trong nửa đầu năm 2022, MSN đã thực hiện đánh giá lại khoản đầu tư vào Phúc Long Heritage.

Nguồn doanh thu tài chính này, như VietTimes từng đề cập, đã giúp MSN bù đắp đáng kể chi phí tài chính phát sinh trong kỳ, qua đó báo lãi sau thuế luỹ kế 6 tháng đầu năm 2022 ở mức 3.110 tỉ đồng, tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm trước.

Không chỉ có đóng góp về doanh thu tài chính, trong nửa đầu năm 2022, doanh thu của chuỗi Phúc Long được MSN ghi nhận đạt 820 tỉ đồng, tăng 38,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, EBITDA của chuỗi đạt 117 tỉ đồng, giảm so với cùng kỳ năm 2021, chủ yếu là do gia tăng đầu tư vào mở rộng quy mô chuỗi kiosk và vẫn cần thời gian để tối ưu hoạt động.

Báo cáo tài chính hợp nhất soát xét bán niên của MSN cho thấy, trong tháng 1/2022, tập đoàn này đã mua thêm 2,4 triệu cổ phiếu, tương đương 3,24% vốn cổ phần của CTCP The CrownX (The CrownX) với tổng khoản thanh toán là 5.188 tỉ đồng.

Sau giao dịch này, lợi ích kinh tế của MSN tại The CrownX tăng từ 81,7% lên 84,9%. Đồng thời, tập đoàn này cũng ghi nhận giảm lợi nhuận sau thuế chưa phân phối 4.615 tỉ đồng.

Trước đó, như VietTimes từng đề cập, sau khi mua 14,8% cổ phần The CrownX từ bên thứ 3 để nâng tỉ lệ lợi ích từ 70% lên 84,8%, MSN cũng phải ghi nhận giảm lợi nhuận sau thuế chưa phân phối lên tới 22.020 tỉ đồng./.