Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá rất cao vai trò của ngành TT&TT trong năm 2021, một năm khó khăn của đất nước khi phải trải qua đại dịch COVID-19. “Chúng ta đã cùng nhau vượt qua năm 2021, vượt qua những khó khăn, có những tổn thất lớn, trong đó không thể thiếu được sự đóng góp rất quan trọng của ngành TT&TT”.
Phó Thủ tướng nhắc lại, vào những năm 1990 khi chuyển từ công nghệ analogue sang kỹ thuật số (digital), ngành Bưu điện đã được trao sứ mệnh “tiên phong mở đường”. Nay trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0, ngành TT&TT không chỉ tiếp tục sứ mệnh tiên phong mở đường, mà còn thêm nhiệm vụ “đồng hành, thúc đẩy” các Bộ ngành khác, các địa phương trong tiến trình chuyển đổi số quốc gia.
Năm 2021, trong chiến dịch phòng chống COVID-19 nói riêng và phát triển kinh tế xã hội nói chung, báo chí, truyền thông đã đồng hành cùng Chính phủ, cùng các cơ quan ban, ngành động viên toàn thể Nhân dân thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của các Bộ, ngành và chính sách chung của Chính phủ, Đảng và Nhà nước. Kể cả trong những lúc khó khăn nhất trong thời kỳ chống dịch COVID-19 tại TP.HCM, niềm tin và sự đồng hành của người dân với các chủ trương của Đảng và Nhà nước vẫn rất cao.
Đặc biệt Phó thủ tướng nhấn mạnh, COVID-19 đã đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số, chuyển đổi số đã xâm nhập vào mọi ngõ ngách của đời sống xã hội. Để thúc đẩy chuyển đổi số, Bộ TT&TT không chỉ đồng hành, mà còn đóng vai trò hỗ trợ và thúc đẩy các địa phương, trong đó có sự tham gia của các doanh nghiệp ICT Việt Nam,
"Chúng ta đã cơ bản xây dựng được các Chiến lược, Đề án; các địa phương cơ bản đã thấy được những công việc cần phải làm. Chuyển đổi số hay ứng dụng CNTT không chỉ phụ thuộc công nghệ, mà còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố mà người làm công nghệ không thể làm chủ được", Phó Thủ tướng nhận xét.
Phó Thủ tướng đặc biệt nhấn mạnh vai trò của dữ liệu, coi đó là “yếu tố sống còn” trong tiến trình chuyển đổi số: “Năm 2022, chúng ta cần phải làm mạnh hơn về dữ liệu, Phó Thủ tướng chỉ đạo. Chúng ta đã có cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, các cơ sở dữ liệu về doanh nghiệp gồm thuế, hải quan, ngân hàng, đăng ký doanh nghiệp…,Trong năm 2022 chúng ta phải làm bằng được Cơ sở dữ liệu quốc gia về tài nguyên, đặc biệt là về đất đai. Ba cơ sở dữ liệu lớn này kết hợp với thanh toán điện tử sẽ thúc đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số, đưa cả ba trụ cột (chính quyền số, kinh tế số, xã hội số) có những bước tiến vững chắc, góp phần phát triển kinh tế xã hội”.