Thông tin trên được Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh cho biết tại phiên thẩm tra về kinh tế - xã hội do Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội tổ chức hôm 29/9.
Theo ông Nguyễn Kim Anh, nhờ Nghị quyết 42, cùng với quyết tâm chính trị của cả hệ thống, nợ xấu đã được xử lý mạnh trong thời gian qua.
Cụ thể, năm 2016, tỷ lệ nợ xấu nội bảng của toàn hệ thống ngân hàng là 2,46%, năm 2017 giảm xuống còn 1,99%, năm 2018 còn 1,91%, năm 2019 là 1,63% và năm 2020 là 1,76%. Nếu tính cả khoản nợ đã bán cho VAMC nhưng chưa xử lý được và nợ xấu tiềm ẩn, tỷ lệ nợ xấu năm 2016 là 10,58%, năm 2017 là 7,36%, năm 2018 là 5,85%, năm 2019 là 4,43% và năm 2020 là 3,81%.
Phó Thống đốc cho biết, nợ xấu là một trong 3 chỉ tiêu mà ngành ngân hàng chưa hoàn thành được trong giai đoạn tái cơ cấu 2016-2020. Mục tiêu đặt ra đến cuối năm 2020, tỷ lệ nội xấu nội bảng cộng nợ xấu tiềm ẩn về dưới 3%/tổng dư nợ, song đến cuối năm 2020, tỷ lệ này vẫn trên 3%.
“Nếu không có Covid-19 thì chắc chắn đạt được chỉ tiêu này. Chúng ta thường ví ngành ngân hàng là con thuyền còn nền kinh tế là dòng sông. Nước nổi thì thuyền nổi mà nước xuống thì thuyền cũng xuống theo. Khi nền kinh tế phát triển tốt, doanh nghiệp làm ăn tốt thì nợ xấu thấp, khi nền kinh tế khó khăn, doanh nghiệp khó khăn thì đương nhiên nợ xấu sẽ tăng”, Phó thống đốc nói.
Về xu hướng nợ xấu trong thời gian tới, ông Nguyễn Kim Anh cho biết NHNN đã lên kịch bản kỹ lưỡng và báo cáo Chính phủ. Tỷ lệ nợ xấu nội bảng và nợ xấu tiềm ẩn cuối năm nay dự kiến sẽ ở mức 7,1% - 7,7%, xấp xỉ 8%. Kết quả này được dự báo trên cơ sở các ngân hàng đã thực hiện cơ cấu lại nợ, giãn hoãn theo Thông tư 01, Thông tư 03 và Thông tư 14.
“Có thể thấy, nợ xấu, kể cả nội bảng và nợ xấu tiềm ẩn, đã giảm mạnh trong thời gian qua. Tuy nhiên, khi Covid-19 đến trong năm 2020 và đặc biệt năm 2021, NHNN đánh giá độ trễ sẽ còn tác động cả sang năm 2022 nên ngành ngân hàng sẽ vẫn gặp rất nhiều khó khăn”, Phó Thống đốc cho biết./.