Thông tin trên được CTCP Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC) đưa ra trong báo cáo cập nhật kết quả kinh doanh nửa đầu năm 2021 của ngành ngân hàng.
Theo đó, nhiều ngân hàng đã được cấp thêm ‘room’ tín dụng trong thời gian gần đây, tập trung chủ yếu ở nhóm thương mại cổ phần.
Các ngân hàng được cấp mức tăng trưởng tín dụng cao nhất là Techcombank và TPBank với chỉ tiêu lần lượt là 17,1% và 17,4%. BSC cho biết, hai nhà băng này được nới ‘room’ cao nhất do tỉ lệ an toàn vốn (CAR) theo Basel 2 ở mức cao, danh mục đầu tư rộng và không tập trung quá nhiều vào các ngành nghề rủi ro, có những cam kết hỗ trợ lãi suất trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, một loạt ngân hàng cũng được nới ‘room’ tín dụng trên 13%, bao gồm: LPB (13,1%), ACB (13,1%), VIB (14,1%), MBB (15%) và MSB (16%). Một số ngân hàng được nới ‘room’ từ 9,5-12,5% bao gồm: VCB (12,5%), VPB (12,1%), SHB (10,5%), STB (10,5%), OCB (10%), CTG (9,5%).
"Việc nới room tín dụng phụ thuộc vào tình hình của các ngân hàng, mức độ rủi ro của danh mục tín dụng và mức độ hỗ trợ lãi suất", báo cáo nhấn mạnh.
Đối với chất lượng tài sản, BSC đánh giá chính sách kiểm duyệt tín dụng chặt chẽ và tỷ lệ bao phủ nợ xấu cao, các ngân hàng hoàn toàn có thể quản lý chất lượng tài sản tốt và giữ ở mức như hiện nay (tỷ lệ nợ xấu quanh mức 1,6-1,7%).BSC kỳ vọng tốc độ tăng trưởng của ngành ngân hàng năm 2022 sẽ đạt mức 22,2%, cao hơn so với dự báo trước đó (18,4%) nhờ kinh tế phục hồi sau dịch và mức nền lợi nhuận thấp hơn trong năm 2021.
Triển vọng của ngành ngân hàng năm 2022 cũng được CTCP Chứng khoán VNDirect (Mã CK: VND) đánh giá cao. Trong báo cáo mới nhất, công ty chứng khoán này cho biết giá cổ phiếu ngân hàng đã giảm khoảng 15% từ đỉnh, giúp định giá trở nên hấp dẫn hơn khi cân nhắc giữa rủi ro/tiềm năng tăng giá.
Theo VND, những khoảng trống tăng trưởng sẽ được bù đắp trong các quý tiếp theo khi các hoạt động sản xuất kinh doanh vận hành bình thường trở lại và ngành ngân hàng là lựa chọn đầu tư tiêu biểu trong bối cảnh nền kinh tế phục hồi sau đại dịch.
Tuy nhiên, VND cũng lưu ý một số rủi ro chính của ngành này là việc xuất hiện các biến thể mới của chủng virus; giãn cách xã hội kéo dài hơn dự báo sẽ cản trở tăng trưởng tín dụng và gia tăng nợ xấu. Do đó, tiềm năng tăng giá sẽ đến từ tăng trưởng tín dụng cao hơn kỳ vọng./.