Phí tổn chiến tranh: Nền kinh tế Nga sẽ chật vật do chiến dịch quân sự ở Ukraine

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Mở chiến dịch ở Ukraine đã đặt Nga trên bờ vực phá sản. Tỷ lệ lãi suất tăng gấp đôi, thị trường chứng khoán đóng của và đồng Rúp xuống mức thấp kỷ lục.
Một binh sĩ Ukraine cầm vũ khí chống tăng do phương Tây cung cấp (Ảnh:Telegraph)
Một binh sĩ Ukraine cầm vũ khí chống tăng do phương Tây cung cấp (Ảnh:Telegraph)

Chi phí của cuộc chiến tranh này càng bị làm tăng thêm bởi các lệnh trừng phạt ở mức độ chưa từng có tiền lệ, được đưa ra bởi nhiều quốc gia. Người dân Nga, giờ không thể trả tiền cho các hãng như IKEA, McDonald hay Starbucks, không được phép chuyển đổi đồng tiền của họ sang tiền nước ngoài.

Những con số ước tính chung cho thấy nền kinh tế Nga có thể thu hẹp khoảng 7% trong năm tới, thay vì 2% như dự báo trước khi cuộc xung đột ở Ukraine xảy ra. Một số ước tính khác còn cho rằng kinh tế Nga có thể giảm tới 15%.

Sự việc như vậy nếu thực sự xảy ra thì thậm chí còn tồi tệ hơn cả sự kiện thị trường chứng khoán Nga sụp đổ năm 1998 – một cú sốc lớn đối với nền kinh tế Nga, khiến nước này không có đà tăng trưởng trong thập kỷ trước, và không thể đa dạng hóa nền kinh tế mà chỉ có thể tập trung vào xuất khẩu dầu và khí đốt. Trong khi đó, Liên minh châu Âu (EU) đang lên kế hoạch giảm mạnh sự phụ thuộc của họ vào năng lượng Nga. Mỹ và Anh hiện đã bắt đầu giảm dần nhập khẩu năng lượng từ Nga.

Viễn cảnh dài hạn còn đáng sợ hơn nhiều. Nếu các lệnh trừng phạt của phương Tây kéo dài, Nga sẽ bị cô lập khỏi các đối tác thương mại lớn của họ, trừ Trung Quốc và Belarus. Các hãng xếp hạng giờ dự báo Nga sẽ sớm không có đủ khả năng trả tiền cho các chủ nợ, và từ đó tác động xấu hơn tới nền kinh tế.

Viễn cảnh kinh tế Nga sẽ càng trở nên tồi tệ hơn nếu như Tổng thống Vladimir Putin tuyên bố chiến thắng ở Ukraine. Chiếm đóng đất nước này và thiết lập một chính phủ thân Nga chắc chắn sẽ buộc Moscow phải có trách nhiệm xây dựng lại Ukraine, những cơ sở hạ tầng đã bị phá hủy. Và trong khi người dân Ukraine ngày càng ủng hộ châu Âu hơn, việc duy trì hòa bình trong một môi trường thù địch như vậy sẽ buộc Nga phải điều chuyển một nguồn lực lớn từ ngân sách của họ sang Ukraine.

Để hiểu rõ hơn về sự hao tổn này, hãy nhìn vào những ví dụ trước đây. Sau 2 cuộc chiến tranh và chiến sự ở Grozny, Chechnya, năm 1999-2000, Nga đã chi khoảng 3,8 tỉ USD/năm để duy trì chế độ ở đất nước này. Một khi số tiền này giảm, Nga sẽ phải đối diện với nguy cơ nổi dậy. Và Crimea cũng khiến Nga tốn một khoản không nhỏ.

Dân số của Ukraine vào khoảng 40 triệu người, tức gấp khoảng 40 lần Chechnya, và 20 lần so với bán đảo Crimea. Do Ukraine là đất nước lớn thứ hai ở châu Âu xét về diện tích (sau Nga), nó sẽ là một nơi cực kỳ đắt đỏ để duy trì sự chiếm đóng.

Hiện nay, mặc dù tổn thất phía Nga trong cuộc chiến này vẫn là một bí mật quân sự, nhưng Ukraine ước tính rằng tổn thất xe tăng, máy bay và các loại vũ khí khác khiến Nga mất khoảng 5 tỉ USD, chỉ trong 2 ngày đầu chiến sự bùng nổ.

Cái giá cuối cùng

Nhưng không chỉ tổn thất vũ khí mới khiến Nga tốn tiền. Nghe có vẻ lạ lùng, nhưng chính phủ các nước và một số nhà kinh tế học có tính đến cả tổn thất về tiền bạc với mỗi sinh mạng mất đi trên chiến trường.

Tính đến thời điểm hiện tại ở Ukraine, ước tính có khoảng 12.000 binh sĩ Nga đã tử nạn. Để so sánh, khoảng 15.000 binh sĩ Nga thiệt mạng trong cuộc chiến của Liên Xô ở Afghanistan, 8.000 trong cuộc chiến Chechnya đầu tiên, và cao hơn đôi chút trong cuộc chiến Chechnya lần hai.

Theo ước tính dựa trên tuổi thọ và GDP trên đầu người, thì 10.000 binh sĩ Nga thiệt mạng sẽ gây ra tổn thất hơn 4 tỉ USD. Đó là chưa tính đến tổn thất về tinh thần đối với gia đình các binh sĩ, và với tất cả các binh sĩ đã tham gia vào cuộc chiến.

Trong những ngày, tuần tới, chi phí chiến tranh có trở nên quá cao đối với Nga hay không còn tùy thuộc vào 2 yếu tố. Liệu quân đội Nga và ngành công nghiệp quốc phòng của họ có thể sống sót khi thiếu hàng nhập khẩu công nghệ cao như đồ điện tử và robot công nghiệp từ phương Tây hay không? Và liệu tầm ảnh hưởng của các lệnh trừng phạt, tổn thất về sinh mạng có đủ lớn để hướng dư luận theo cách có thể đe dọa Moscow hay không?

Theo The Conversation