PG Bank thay Chủ tịch mới sau 2 tháng: Ông Nguyễn Phi Hùng ngồi "ghế nóng"

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Ông Nguyễn Phi Hùng, sinh năm 1976, vừa được bầu làm Chủ tịch HĐQT PG Bank kể từ ngày 2/7, thay thế cho ông Oliver Schwarzhaupt.

Ông Nguyễn Phi Hùng làm Chủ tịch PG Bank (Ảnh: Văn Lâm)
Ông Nguyễn Phi Hùng làm Chủ tịch PG Bank (Ảnh: Văn Lâm)

Ngân hàng TMCP Xăng dầu Petrolimex (PG Bank – Mã CK: PGB) vừa phát đi thông báo liên quan đến thay đổi nhân sự cấp cao.

Cụ thể, ông Nguyễn Phi Hùng sẽ giữ chức Chủ tịch HĐQT nhiệm kỳ 2020-2025, thay ông Oliver Schwarzhaupt. Đồng thời, HĐQT PG Bank cũng bổ nhiệm ông Phạm Mạnh Thắng làm Quyền Tổng Giám đốc.

Trước đó, nhà băng này đã chấp thuận việc miễn nhiệm chức danh Chủ tịch HĐQT đối với ông Oliver Schwarzhaupt theo nguyện vọng cá nhân và miễn nhiệm chức danh TGĐ đối với ông Nguyễn Phi Hùng từ ngày 2/7/2023 .

Tân Chủ tịch PG Bank Nguyễn Phi Hùng sinh năm 1976, tốt nghiệp Cử nhân kinh tế Đại học Kinh tế quốc dân, Thạc sỹ Quản trị kinh doanh Viện Công nghệ Châu Á AIT.

Ông từng đảm nhiệm nhiều vị trí quan trọng như Phó Tổng Giám đốc phụ trách Khối Vận hành Ngân hàng TMCP Hàng Hải (MSB); Giám đốc Khối Vận hành Ngân hàng TMCP Xăng dầu Petrolimex (PG Bank), Giám đốc Khối Vận hành Ngân hàng TMCP Dầu khí toàn cầu (GPBank); Trưởng phòng Thanh toán quốc tế và Tài trợ thương mại, Trưởng phòng phụ trách giao dịch ngân quỹ tại Ngân hàng Citibank NA Hà Nội.

Ngày 02/11/2020, ông gia nhập PG Bank với chức danh Quyền Tổng Giám đốc và được bổ nhiệm vị trí Tổng Giám đốc vào ngày 10/12/2020. Tháng 07/2021, ông được bổ nhiệm là Thành viên Hội đồng Quản trị của PG Bank.

Trong khi đó, ông Phạm Mạnh Thắng sinh năm 1962, có trình độ chuyên môn Tiến sĩ kinh tế - Học viện Ngân hàng. Từ tháng 5/1985 đến tháng 9/1991, ông công tác tại Ngân hàng Nhà nước tỉnh Quảng Ninh đồng giữ vị trí Phó Bí thư Chi đoàn Ngân hàng Nhà nước tỉnh Quảng Ninh. Từ tháng 9/1991 cho đến tháng 12/2002, ông công tác tại Chi nhánh Vietcombank tỉnh Quảng Ninh và giữ vị trí Phó Giám đốc Chi nhánh.

Từ tháng 12/2002 đến tháng 3/2014, ông Thắng giữ vị trí Giám đốc Chi nhánh, Bí thư Đảng Bộ Vietcombank tỉnh Hải Dương, Uỷ viên Ban cán sự Đảng Ngân hàng Nhà nước tỉnh Hải Dương. Đến tháng 3/2014, ông được bổ nhiệm vào vị trí Phó tổng giám đốc Vietcombank cho đến khi nghỉ chế độ hưu trí từ 1/5/2023 và chính thức chuyển sang PG Bank vào tháng 07/2023.

Ngoài vị trí Chủ tịch HĐQT và Tổng Giám đốc, một nhân sự cấp cao cũng mới chính thức được bổ nhiệm tại PG Bank là Bà Đinh Thị Huyền Thanh. Bà Thanh sẽ chính thức đảm nhiệm vị trí Giám đốc Khối Quản trị và Phát triển nguồn nhân lực tại PG Bank từ ngày 2/7/2023.

Trong thời gian gần đây, PG Bank đã chứng kiến ​​sự thay đổi liên tục về nhân sự thượng tầng sau khi Petrolimex - cổ đông lớn - thoái vốn khỏi ngân hàng vào đầu tháng 4.

Ông Oliver Schwarzhaupt - người vừa từ nhiệm chức danh Chủ tịch HĐQT - cũng chỉ ngồi vào "ghế nóng" từ ngày 4/5/2023. Tại thời điểm đó, ông Oliver Schwatzhaupt, ông Nguyễn Phi Hùng và Nilesh Ratilal Banglorewala là những nhân sự cũ của MSB nắm giữ những chức vụ trọng yếu nhất ở ban điều hành PG Bank.

Như VietTimes từng đề cập, 3 tổ chức có mối liên hệ với Tập đoàn Thành Công (TC Group) đã hoàn tất nhận chuyển nhượng ngót 120 triệu cổ phiếu PGB từ Petrolimex.

Nhưng nên biết, ít năm qua, Petrolimex tuy ra mặt là cổ đông lớn nhất - với tỷ lệ sở hữu 40% - nhưng họ chưa hẳn đã là người 'cầm cơ' ở PG Bank.

Có một nhóm - ẩn phía sau nhiều cổ đông gần lớn - đã gom được lượng cổ phần quá bán. 2 đại diện của nhóm này đã "check-in" tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023 của PG Bank, theo ghi nhận của VietTimes, với tổng số cổ phần nhận uỷ quyền lên đến gần 51% vốn cổ phần PG Bank.

Với số cổ phần nêu trên, nhóm cổ đông mà VietTimes đang đề cập hẳn đã có những đại diện ở thượng tầng và ban điều hành PG Bank. Họ có thể tận dụng ‘khoảng trống’ mà Petrolimex để lại và việc thâu tóm nốt các vị trí chủ chốt nhất ở PG Bank là một kịch bản khả dĩ.

Trong kịch bản ấy, ‘tay chơi’ mới ở PG Bank, kể cả đã ‘nắm trọn’ 40% cổ phần PGB từ Petrolimex, thì vẫn cần có được sự thống nhất với nhóm trên thì mới có thể thực sự cầm quyền.

Có thể họ đã 'nói chuyện' trước thì mới an tâm xuống tiền đấu giá; cũng như không loại trừ khả năng, nhóm cũ đã chấp nhận nhượng lại cổ phần chi phối cho nhóm mới./.