Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia Vũ Viết Ngoạn nhận định như vậy khi trao đổi với PV về những diễn biến mới có thể xảy ra trong các bước sáp nhập, hợp nhất ngân hàng trong năm 2015, đặc biệt khi có sự tham gia của cả các “ông lớn” quốc doanh.
Các chuyên gia từng nhận định, thị trường ngân hàng năm 2014 sẽ chứng kiến thêm nhiều cuộc “kết hôn” giữa các nhà băng, song thực tế lại không như vậy. Theo ông, sự trì hoãn này liệu có tiếp tục kéo dài trong năm 2015?
Tôi không cho là như vậy, ngược lại năm 2015 sẽ là bước chuyển quan trọng trong quá trình tái cơ cấu NH. Nếu giai đoạn 2013-2014 được coi là bước đệm khắc phục những yếu kém, ngăn chặn nguy cơ đổ vỡ thì năm 2015 sẽ là năm tạo ra đột phá mới trong tái cơ cấu NH, xử lý triệt để những yếu kém còn tồn tại để năm 2016 tạo được bước chuyển mới khác biệt với tốc độ tăng trưởng khá hơn.
Nếu không sớm đưa hệ thống NH, kinh tế Việt Nam trở lại thời kỳ tăng trưởng từ năm 2015, thì khó giúp Việt Nam thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình.
Như vậy có thể năm 2015 sẽ “bùng nổ” các thương vụ mua bán – sáp nhập NH?
Tái cơ cấu là quá trình gian nan, thậm chí là mất mát nhưng chúng ta không còn cách nào khác. Quan trọng, những năm qua đã có chuẩn bị căn bản, đây là điều kiện thuận lợi để năm 2015 sẽ có nhiều cuộc “kết hôn”, sáp nhập NH.
Nếu dùng từ bùng nổ của sáp nhập thì cũng hợp lý.
Nhưng với tình trạng sức khỏe nội tại của số NH nằm trong diện sáp nhập hiện nay, thì liệu có thu hút được những đối tác tốt?
Từ trước tới nay tôi không kỳ vọng nhiều vào sự tham gia của dòng vốn ngoại vào quá trình tái cấu trúc hệ thống NH. Tôi cho rằng thực lực của chúng ta có thể thực hiện được trong nội bộ, ngoại trừ chuyện xử lý nợ xấu thì cũng bàn tới chuyện hút vốn ngoại.
Còn với việc xử lý những vấn đề nội tại của hệ thống NH chúng ta có phương thức riêng, dựa vào đặc thù riêng của hệ thống, thể chế cũng như văn hóa riêng của Việt nam để có lối đi riêng. NH mạnh, lớn hơn có thể trợ giúp NH yếu kém. Bài học này chúng ta đã làm và đã rút được nhiều kinh nghiệm thành công trong giai đoạn năm 2000.
Tôi còn nhớ đầu năm 2000 khi tái cơ cấu NH, thì hơn 10 NH đã rút khỏi thị trường bằng cách sáp nhập với các NH lớn hơn, đây là cách được các TCTD quốc tế đánh giá cao và đưa vào là kinh nghiệm xử lý NH. Không có lý do gì chúng ta không thực hiện khi đã thành công trước đây.
Ông vừa nói NH mạnh có thể hỗ trợ NH yếu, nhưng câu chuyện hiện giờ đã đi theo hướng khác, thị trường hơn. Các NH tự nguyện tìm kiếm đối tác của mình là cách mà chúng ta hướng tới?
Về mặt chính sách chúng ta vẫn cho phép các NH thời gian đầu tự tìm hiểu và "kết hôn" với nhau. Nếu tới lúc không thể tự tìm được đối tác thì phải cần tới sự trợ giúp từ chính sách là đương nhiên. Bởi đến thời điểm anh buộc phải hoàn thành kế hoạch lành mạnh hóa thị trường, hệ thống NH thì phải đáp ứng đủ tiêu chuẩn nhất định. Nếu không làm được thì dứt khoát phải cần sự hỗ trợ của chính sách.
Vậy có e ngại những cuộc “kết hôn” kiểu này sẽ mang tính cưỡng ép, phi thị trường, thưa ông?
Đã đến lúc cần thiết thì chúng ta phải áp dụng các công cụ biện pháp, các TCTD phải đảm bảo tiêu chí, tiêu chuẩn an toàn vì lợi ích chung của quốc gia, hệ thống. Nếu tới ngưỡng thời hạn nhà băng nào không đạt được chuẩn mực đề ra thì buộc phải áp dụng các công cụ chính sách.
Ở các nước trong các trường hợp tương tự có thể số NH này sẽ phải phá sản, nhưng Việt Nam với đặc thù riêng thì sáp nhập NH theo phương thức trên cũng là hình thức để thay đổi, khắc phục một cách căn bản những yếu kém tồn tại của các định chế tài chính nếu không đáp ứng được yêu cầu chung.
Theo Infonet