Ông Phan Thanh Long: Quản lý đất đai ở Đà Nẵng còn lỏng lẻo, thiếu kỷ cương
Hồ Xuân Mai
VietTimes -- Ông Phan Thanh Long, Trưởng Ban Pháp chế HĐND TP Đà Nẵng đã cho biết như vậy tại Chương trình đối thoại của HĐND TP Đà Nẵng với cử tri lần thứ 3, diễn ra sáng 15/5.
Chuyện ô nhiễm môi trường vẫn “nóng”
Tại Chương trình đối thoại, nhiều cử tri phản ánh tình trạng ô nhiễm môi trường kéo dài nhiều năm trên địa bàn. Trong đó điểm nóng bãi rác Khánh Sơn, tình trạng ô nhiễm của Khu công nghiệp Liên Chiểu vẫn ám ảnh người dân.
Cử tri Phạm Bá An (tổ 22, phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu) ý kiến: “Cử tri hoan nghênh chủ trương của TP khi quyết định dừng hoạt động sản xuất ô nhiễm môi trường của 02 nhà máy thép ở Hòa Liên. Nhân dân khu vực khu công nghiệp Liên Chiểu chúng tôi cũng tình trạng tương tự và đã phản ảnh nhiều lần nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết. Đề nghị TP cho biết chủ trương cụ thể và các giải pháp, tiến độ thực hiện trong thời gian tới”.
Cũng liên quan đến vấn đề ô nhiễm môi trường, cử tri Nguyễn Văn Thanh (tổ 38, phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu) yêu cầu UBND TP sớm giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường tại khu vực bãi rác Khánh Sơn. Đồng thời thực hiện đúng cam kết đóng cửa bãi rác này. “Thành phố cho biết bao giờ thành phố đóng cửa bãi rác Khánh Sơn? Giải pháp nào để khi đóng cửa thì người dân Khánh Sơn chúng tôi chấm dứt tình trạng sống trong cảnh ô nhiễm nghiêm trọng”, cử tri Nguyễn Văn Thanh nói.
Cử tri Phạm Bá An bức xúc về tình trạng ô nhiễm môi trường kéo dài trên địa bàn quận Liên Chiểu
Liên quan đến vấn đề này, đại diện các Sở Xây dựng, Sở TNMT cho biết, hiện các lực lượng đang nỗ lực giải quyết bài toán ô nhiễm tại bãi rác. Tuy nhiên vấn đề do lịch sử để lại, cũng như việc triển khai các hợp phần xử lý ô nhiễm tại đây được xử lý
Ông Vũ Quang Hùng Giám đốc Sở Xây dựng TP Đà Nẵng nói: “KCN Liên Chiểu được thành lập từ năm 1998, với tổng diện tích hơn 290ha, KCN quy hoạch từ nhiều năm trước khi mật độ dân cư rất thấp thì vấn đề ô nhiễm môi trường tại đây đã được đặt ra. Tuy nhiên, do chưa dự báo hết được quá trình phát triển đô thị của TP nên khi vấn đề ô nhiễm môi trường phát sinh thì cần có biện pháp khắc phục, xử lý hạn chế ô nhiễm đến mức thấp nhất”. “Về nguyên tắc thì chúng ta chú ý đến giải pháp hạn chế ô nhiễm, trong trường hợp bất khả kháng thì tính đến lộ trình dừng hoạt động, hoặc chuyển đổi công năng đối với từng trường hợp cụ thể. Về phía Sở Xây dựng, quan điểm là ưu tiên phát triển công nghiệp sạch, công nghiệp công nghệ cao, và nghiên cứu điều chỉnh quy hoạch trong thời gian tới.
Ông Lê Quang Nam, Giám đốc Sở TNMT TP Đà Nẵng trả lời ý kiến cử tri
Vấn đề ô nhiễm tại quận Liên Chiểu mà cử tri đưa ra, Giám đốc Sở Xây dựng cho biết đã có báo cáo UBND TP từ năm 2017. Theo đó, trước mắt đầu tư các tuyến đường bê tông, kết hợp thoát nước. Đến nay công ty CP đầu tư Sài Gòn Đà Nẵng đã trồng cây cách ly theo cự ly 21m.
“Tuy nhiên qua kiểm tra, thực tế việc thực hiện trồng cây chưa đảm bảo đúng quy chuẩn, quy cách, việc này Sở Xây dựng sẽ kiểm tra, đôn đốc phía công ty thực hiện đầy đủ nghiêm túc. Riêng đối với các cơ sở theo quy chuẩn 1.000m thì hiện nay không có cơ sở nào đảm bảo quy định này và trên thực tế khoảnh cách ly chỉ 100m. Nên việc trồng cây cách ly chỉ là giải pháp tạm thời. Về lâu dài, Sở Xây dựng yêu cầu UBND TP, Ban QL các KCN chủ đầu tư có đề xuất yêu cầu các doanh nghiệp nhà máy này chuyển đổi, hoặc thu hồi đất theo quy định. Về giải pháp tổng thể, hiện trạng các khu vực cách ly”, ông Vũ Quang Hùng thông tin.
Quản lý đất đai còn lỏng lẻo, thiếu kỷ cương
Liên quan đến công tác giải đất đai, giải tỏa đền bù, cử tri Lê Viết Nghệ, Khu dân cư số 20, phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ nêu ý kiến: “TP cho biết nguyên nhân chậm giải tỏa 4 dự án: Các hộ bị ảnh hưởng Trạm xử lý nước thải Khu công nghiệp Hòa Cầm, dự án Xử lý ngập úng khu vực tổ 17, 18, 19 Bình Hòa, Khuê Trung, Dự án Khu vực đất dự trữ ven sông phía Bắc Khu E-Khu dân cư Nam cầu Cẩm Lệ, dự án khu liên hợp thể thao Hòa Xuân? Trách nhiệm thuộc về ai? Đề nghị cam kết cụ thể tiến độ hoàn thành từng dự án”.
Đối với vấn đề này, ông Lên Văn Sơn, Chủ tịch UBND quận Cẩm Lệ cho biết, tiến độ giải tỏa chậm, do nhiều lý do, từ chủ trương giải tỏa đến thực hiện đền bù theo nhiều chủ trương chính sách áp giá nên dẫn đến chậm trễ. Nên trong thời gian tới, khi giải quyết đồng bộ các vấn đề này, tiến độ các dự án sẽ được đẩy nhanh. Và với tư cách Chủ tịch UBND quận Cẩm Lệ, ông Sơn cam kết thực hiện các dự án đúng tiến độ sau khi các vướng mắc được tháo gỡ.
Cử tri Lê Viết Nghệ, Khu dân cư số 20, phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ ý kiến về công tác giải tỏa đền bù chậm trễ gây ảnh hưởng đến đời sống người dân
Tuy nhiên, ông Phan Thanh Long, Trưởng Ban Pháp chế HĐND TP Đà Nẵng cho rằng, liên quan đến tiến độ thực hiện các dự án, bố trí tái định cư chậm trễ là do công tác giải tỏa đền bù, ngoài những bất cập đã được nêu thì bất cập ở bộ máy tổ chức vận hành của tổ chức phát triển quỹ đất và các cơ quan tham gia thực hiện công tác này trong thời gian qua.
“Qua giám sát, chúng tôi thấy nổi lên mấy vấn đề sau, Thứ nhất là sự chỉ đạo, phối hợp giữa Trung tâm phát triển quỹ đất và các chi nhánh chưa được thực hiện đồng bộ, dù đã có quy chế, quy định rất rõ ràng về chức năng nhiệm vụ. Nhưng trên thực tế là chúng ta dàn hàng ngang giữa trung tâm. Quản lý rất lỏng lẻo, cả về nghiệp vụ và lỏng lẻo cả về kỷ cương. Thứ hai, mối quan hệ giữa Trung tâm phát triển quỹ đất với Chủ tịch các quận huyện trong công tác phối hợp. Qua thực tế nổi lên nhiều vấn đề tiến độ rất chậm trễ, hay vấn đề công khai quỹ đất. Theo quy định hiện nay, quỹ đất là do Trung tâm phát triển quản lý theo dõi, và UBND TP chỉ đạo hàng tháng phải gửi báo cáo tình hình sử dụng đất cho UBND các quận huyện để theo dõi, triển khai thực hiện. Tuy nhiên, qua giám sát hay qua phản ánh vụ việc thì việc gửi thông tin quỹ đất từ Trung tâm cho quận huyện còn rất chung chung, chưa nêu rõ các thông tin về số lượng, kích cỡ dẫn đến các quận huyện lúng túng, bị động trong việc bố trí tái định cư cho người dân”, ông Phan Thanh Long nói. Ngoài ra, theo Trưởng ban Pháp chế HĐND TP Đà Nẵng, công tác quản lý quỹ đất tại Đà Nẵng còn tồn tại nhiều bất cập như: phân cấp từ Trung tâm cho quận huyện còn chưa thực hiện được dẫn đến các quận huyện lúng túng trong giải quyết cho người dân; hay quan hệ phối hợp giữa Trung tâm với các quận huyện, giữa Trung tâm với các chi nhánh còn nhiều vấn đề bất cập, dẫm chận tại chỗ,…
Ông Vũ Quang Hùng, Giám đốc Sở Xây dựng TP Đà Nẵng trả lời ý kiến của cử tri
Trước thực trạng đó, Trưởng ban Pháp chế HĐND TP đề xuất: “Qua thực hiện vai trò giám sát, tôi xin kiến nghị 2 nội dung. Thứ nhất, đề nghị UBND TP chỉ đạo Sở TNMT sớm củng cố, kiện toàn bộ máy nhân sự của Trung tâm phát triển quỹ đất và các chi nhánh. Nhất là đội ngũ nhân sự lãnh đạo Trung tâm, các chi nhánh, làm sao phát huy được trách nhiệm, vai trò theo đúng tinh thần quy chế phối hợp mà Thành ủy đã đưa ra.
Thứ hai, liên quan đến quy chế phối hợp, đề nghị Sở TNMT phối hợp, chỉ đạo các cơ quan liên quan thực hiện để sớm quy chế đã ban hành giao cũng như thực hiện phân cấp sớm hơn, mạnh hơn cho các quận huyện để tăng cường thầm quyền chủ động cũng như gắn trách nhiệm của UBND các quận huyện trong công tác giải tỏa đền bù, có như vậy thì công tác giải tỏa đền bù mới được thực hiện tốt, góp phần thực hiện tốt tiến độ các dự án triển khai trên địa bàn”.