Mỹ cấm vận Nga nhằm mục đích gì?
Mỹ lôi kéo các nước Phương Tây vào chiến dịch cấm vận Nga sau khi Tổng thống V.Putin quyết định sáp nhập Crimea và thành phố Sevastopol về đất mẹ Nga. Sự kiện này là thất bại choáng váng đối với Washington trong Đề án chiến lược Ukraine, theo đó Mỹ lật đổ chính quyền thân Nga của cựu Tổng thống Yanucovich trong tháng 2.2014 để dựng lên ở Kiev chính phủ do Washington hoàn toàn kiểm soát nhằm mục tiêu hàng đầu là sẽ đẩy Nga ra khỏi căn cứ hải quân ở Sevastopol.
Toan tính của Mỹ là, sau khi chính quyền mới ở Kiev hủy bỏ hợp đồng cho Nga thuê căn cứ quân sự ở Sevastopol đến năm 2042, Liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO) sẽ đưa tàu chiến tới tiếp quản căn cứ hải quân này để chuẩn bị thực hiện chiến lược tấn công phủ đầu chớp nhoáng nhằm vào Nga trong cuộc chiến tranh tiềm tàng Mỹ-Nga trong tương lai. Quyết định của Tổng thống V.Putin sát nhập Crimea và thành phố Sevastopol về Nga đã làm phá sản hoàn toàn toan tính này và đây thất bại chiến lược lớn nhất của Mỹ trong Đề án Ukraine.
Huy động cả thế giới cùng với Mỹ cấm vận Nga, Washington tính rằng sẽ đưa Nga lâm vào cuộc khủng hoảng kinh tế và tiếp đến là khủng hoảng chính trị và quân sự, buộc Matxcơva phải “thay đổi quan điểm”. Nội hàm của yêu cầu Nga “thay đổi quan điểm” là buộc Nga phải chấp nhận trả Crimea và thành phố Sevastopol về cho Ukraine. Ngoài ra, Nga còn phải chấp nhận từ bỏ sự giúp đỡ chính quyền của Tổng thống Syria Bashar al-Assad trong cuộc chiến chống khủng bố.
Tổng thống Mỹ Barack Obama đã từng tuyên bố, chiến dịch cấm vận của Mỹ sẽ khiến cho nền kinh tế Nga sụp đổ hoàn toàn. Giới chính trị cầm quyền ở Washington tính rằng, Nga sẽ không thể đứng vững được trước các đòn cấm vận của Mỹ và Phương Tây và trong tình cảnh khó khăn bộn bề người dân Nga sẽ xuống đường biểu tình đòi lật đổ Tổng thống V.Putin.
Cùng với chiến dịch cấm vận, Mỹ và NATO quyết định đưa lực lượng đánh thuê vào Ukraine cùng với quân đội nước này tiến hành cái gọi là “chiến dịch chống khủng bố” nhằm tiêu diệt lực lượng thân Nga đòi li khai ở hai tỉnh miền đông là Donbass và Lugansk, sau đó tiến thẳng xuống Biển Đen “giải phóng” Crimea và thành phố Sevastopol. Trong chiến dịch này, lực lượng đánh thuê của NATO và quân đội Ukraine bị rơi vào chảo lửa Debaltsevo-nơi được vì như “Stalingrad của nước Nga mới”, ở đó có khoảng trên 10.000 quân, trong đó có 25% là lực lượng đánh thuê và binh sĩ của NATO [2].
Để cứu nguy cho Chính quyền Ukraine ở Debaltsevo, theo chỉ thị từ Washington, Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp François Hollande đã phải vội vàng bay tới Matxcơva trong các chuyến ngoại giao con thoi để gặp Tổng thống Nga V.Putin nhằm tìm lối thoát ra khỏi chảo lửa Debaltsevo. Theo đó, Nga sẽ yêu cầu lực lượng li khai ở Miền Đông Ukraine mở “hành lang nhân đạo” cho các lực lượng bị bao vây ra khỏi Devaltsevo, trong đó có lực lượng của NATO.
Kết quả các cuộc đàm phán đạt được là Nga, Đức và Pháp đồng bảo trợ cho Thỏa thuận Minsk-2 vào ngày 12/2/2015, theo đó xung đột giữa Chính quyền Kiev và lực lượng đòi li khai ở Miền Đông do hai bên tự giải quyết theo một gói biện pháp gồm 12 điểm. Trong đó có một điểm then chốt là chính quyền Ukraine phải tiến hành sửa đổi Hiến pháp và công nhận quy chế đặc biệt cho hai tỉnh Donbass và Lugansk.
Thỏa thuận Minsk-2 có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với Nga. Đó là, không chỉ đập tan ý đồ của chính quyền Kiev “giải phóng” Crimea và thành phố Sevastopol mà còn “đóng băng” cuộc khủng hoảng Ukraine vào trong khuôn khổ quan hệ giữa chính quyền Kiev và lực lượng đòi li khai ở Miền Đông. Từ đó, Tổng thống Nga V.Putin được rảnh tay để giải quyết cuộc khủng hoảng Syria.
Sau khi về cơ bản đã chặn đứng sự leo thang cuộc khủng hoảng Ukraine, ngày 30.9.2015, Tổng thống Nga V.Putin phát động chiến dịch chống khủng bố ở Syria. Đến cuối năm 2018, chính quyền của Tổng thống Syria Bashar al-Assad được sự giúp đỡ của Nga và Iran đã đánh bại khủng bố, giải phóng trên 90% diện tích lãnh thổ. Như vậy, mục đích của Mỹ cấm vận buộc Nga từ bỏ ủng hộ chính quyền của Tổng thống Syria Bashar al-Assad trong cuộc chiến chống khủng bố cũng đã bị phá sản. Trong bối cảnh đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tuyên bố rút quân Mỹ khỏi Syria.
Nga giàu và mạnh lên do bị cấm vận
Thật trớ trêu, chiến dịch cấm vận của Mỹ và đồng minh chống phá Nga đã “tạo điều kiện” cho Nga giàu và mạnh lên. Những con số sau đây tuy chưa phải là tất cả, đã nói lên điều đó.
(1) Trong điều kiện bị cấm vận, Tổng thống Nga V.Putin đã biến ngành nông nghiệp từ một ngành kinh tế từng tụt hậu từ thời kỳ Xô Viết trở thành một trong những mũi nhọn của nền kinh tế Nga. Ông V.Putin gọi ngành nông nghiệp Nga trong thời kỳ cấm vận là một “con ngỗng vàng”, đưa Nga vượt Mỹ để trở thành nhà xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, tạo ra kỷ nguyên mới cho các ngành trồng trọt khác như ngô, lúa, đậu nành và kiều mạnh.
(2) Sáng kiến của Tổng thống Nga V.Putin hỗ trợ tài chính đã tạo ra làn sóng khai thác các vùng đất ở vành đai miền trung nước Nga và nhiều khu vực đất đai màu mỡ khác, tạo ra cơn sốt đầu tư phát triển nông nghiệp ở Nga.
(3) Năm 2018, thặng dư thương mại của Nga đạt 154,6 tỷ USD, cao hơn con số 90,5 tỷ USD trong năm 2017. Quỹ phúc lợi trung ương của Nga đạt thặng dư lớn khi giá dầu cao hơn nhiều so với mức dùng để cân đối chi tiêu 40 USD/thùng.
(4) Nga lập kỷ lục mới trong thời kỳ hậu Xô Viết trong khai thác dầu, đạt 11,6 triệu thùng/ngày. Tính ra, trong số 100 thùng dầu thế giới dùng trong năm 2918 có 10 thùng của Nga (chiếm khoảng 10%). Xuất khẩu khí đốt của Nga trong năm 2018 tăng 10% so với năm 2017. Các nước tăng lượng nhập khẩu khí đốt của Nga là Đức, Áo, Hà Lan, Pháp, Séc, Phần Lan và Romania.
(5) Nga trở thành nước cung cấp thực phẩm chất lượng cao, sạch về mặt sinh học và có lợi cho sức khỏe con người lớn nhất thế giới, vượt xa các nhà xuất Phương Tây. Năm 2017, Nga cùng với hàng chục quốc gia khác đã tham gia lệnh cấm thương mại hóa các sản phẩm biến đổi gene (GMO) cũng như cấm nhập khẩu sản phẩm GMO. Hiện nay Nga là quốc gia đi đầu trong phong trào có quy mô toàn cầu tẩy chay thực phẩm GMO.
(6) Năm 2018, Ngân hàng trung ương Nga đã mua số lượng vàng kỷ lục lên tới 92,2 tấn, vươn lên vị trí số 1 thế giới. Hiện tại, dự trữ vàng của Nga vượt 2.000 tấn, chiếm tỷ trọng 18% dự trữ quốc gia. Đây là một đảm bảo chắc chắn cho kinh tế Nga một khi hệ thống tài chính liên quan tới USD bị lâm vào khủng hoảng.
(7) Nga đạt thặng dư ngân sách cao kỷ lục. Kết thúc năm 2018, ngân sách của Nga đạt thặng dư lớn, khoảng 2,5% GDP. Đây là lần đầu tiên Nga có thặng dư ngân sách trong vòng 7 năm. Thặng dư ngân sách và tăng dự trữ quốc gia là bảo đảm vững chắc cho Nga chống lại các biện pháp cấm vận của Mỹ và Phương Tây.
(8) Nga là một trong những quốc gia có nợ công thấp nhất thế giới, chỉ ở mức 525 tỷ USD. Trong khi đó, nợ của chính phủ Anh là 7.500 tỷ USD, của Pháp-5.000 tỷ USD, của Đức-4.800 tỷ USD, của các nước khu vực Eurozone-14.000 tỷ USD, của Mỹ-21.000 tỷ USD.
(9) Lãi suất tín dụng thế chấp ở Nga thấp kỷ lục. Năm 2018, người dân Nga vay tín dụng thế chấp với số lượng kỷ lục, theo đó trong 10 tháng năm 2018, có 1,17 triệu khoản tín dụng với lãi suất thấp trị gia 2.370 tỷ ruble. Quyết định của chính phủ Nga giảm lãi suất mạnh đã thúc đẩy tăng trưởng khối lượng tín dụng mua nhà.
(10) Chỉ số năng lực cạnh tranh của Nga tăng kỷ lục. Trong bảng xếp hạng các nền kinh tế đang phát triển của Bloomberg, Nga đã tăng 5 bậc, từ thứ 7 lên thứ 2. Trong bảng xếp hạng của Ngân hàng thế giới, Nga tăng 4 bậc, từ vị trí 35 lên vị trí 31 (năm 2012 Nga chỉ mới ở vị trí 120).
(11) GDP của Nga không ngừng tăng. Theo tính toán của WB, trong năm 2018, GDP của Nga tăng gần 300 tỷ USD, đạt 1.580 tỷ USD. Theo sắc lệnh của Tổng thống Nga V.Putin, Nga sẽ gia nhập nhóm 5 nền kinh tế lớn nhất thế giới vào năm 2024.
(12) Khách du lịch đến Nga tăng kỷ lục, theo đó trong năm 2018, thị trường du lịch Nga đón 90 triệu lượt khách nội địa và quốc tế. Đây là con số cao nhất trong vòng 10 năm qua. Chỉ riêng trong vòng tháng diễn ra World Cup, đã có tới 3,5 triệu khách quốc tế đến Nga. World Cup 2018 mang lại cho nền kinh tế Nga gần 1.000 tỷ ruble.
Ngày 5.1.2018, Bộ trưởng Bộ ngoại giao Nga Sergei Lavrov tuyên bố, các biện pháp cấm vận của Mỹ và Phương Tây từ năm 2014 tới nay đã hoàn toàn bị phá sản. Còn ông Yakov Kedmi, cựu Giám đốc cục tình báo Israel, nhận định tình hình này bằng một cách diễn tả hình ảnh là người Nga đã “đóng chiếc đinh cuối cùng lên cỗ quan tài cấm vận của Mỹ nhằm chống phá Nga” [3]./.
Tài liệu tham khảo
[1] Tрамп надеется восстановить отношения с Россией. https://news.ru/v-mire/tramp-nadeetsya-na-vosstanovlenie-otnoshenij-s-rossiej/
[2]Debaltsevo-chiến thắng và thảm kịch.http://baodatviet.vn/quoc-phong/binh-luan-quan-su/debaltsevo-chien-thang-va-tham-kich-3234371/
[3]Лавров «забил последний гвоздь в крышку гроба» санкций США — Кедми