Ô tô nhỏ sẽ ồ ạt nhập vào Việt Nam

Thông tin thuế giảm, giá xe, đặc biệt là xe có dung tích nhỏ, có thể giảm tới 42% vào năm 2019 đang khiến thị trường lên cơn sốt về giấc mơ xe giá rẻ. Tuy nhiên, giảm sâu các loại thuế một cách nhanh chóng, theo nhiều chuyên gia, chắc chắn sẽ dẫn tới nhiều hệ lụy cả về kinh tế và xã hội.
Giá xe giảm nhanh, giảm sâu, xe nhập ồ ạt sẽ áp lực lên giao thông vốn đã quá tải - Ảnh: Đ.N.T
Giá xe giảm nhanh, giảm sâu, xe nhập ồ ạt sẽ áp lực lên giao thông vốn đã quá tải - Ảnh: Đ.N.T

ại cuộc trao đổi với báo chí ngày 20.10 vừa qua, ông Phạm Đình Thi, Vụ trưởng Chính sách thuế (Bộ Tài chính), cho biết: Tới năm 2019, cùng với thuế xe nhập khẩu giảm về 0% theo cam kết ASEAN, thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) cũng được điều chỉnh giảm, giá các loại xe dung tích dưới 1.000 cm3 (1.0) trên thị trường có thể giảm tới 42% so với hiện nay.

Tuy nhiên, thuế TTĐB chỉ giảm với các dòng xe chiến lược (ưu tiên phát triển) - xe dưới 9 chỗ ngồi (xe cá nhân), dung tích xi lanh từ 2.0 trở xuống. Trong khi đó, dòng xe cá nhân có dung tích xi lanh từ 3.0 trở lên và dòng siêu sang thuế sẽ tăng mạnh, có dòng tăng gấp gần 3 lần so với hiện nay.

Nguy cơ tăng ùn tắc và nhập siêu

Giá xe giảm là điều mong muốn của cả người bán và người mua. Về tâm lý, các doanh nghiệp (DN) kinh doanh xe đang khấp khởi mừng vì thuế rẻ sẽ bán được nhiều xe hơn. Khách hàng thì mong muốn mua được xe với giá rẻ hơn. Tuy nhiên, mức giảm tới 42% chỉ trong khoảng hơn 2 năm tới lại dấy lên những lo ngại về ùn tắc giao thông và nhập siêu...

Chúng ta đều thấy, tình trạng ùn tắc giao thông đang xảy ra ở hầu hết các đô thị lớn trên cả nước, đặc biệt tại TP.HCM và Hà Nội thì ngày càng trầm trọng hơn. Có nhiều nguyên nhân, nhưng quan trọng nhất vẫn là hệ thống giao thông hiện tại chưa đáp ứng được lưu lượng xe quá lớn, đặc biệt là lượng xe ô tô đang tăng rất mạnh. Cụ thể, theo số liệu thống kê, tổng số đăng ký mới trong 9 tháng đầu năm 2015 là 120.000 xe, tăng 50% so với 9 tháng đầu năm 2014 (80.000 xe).

Đặt trường hợp giá xe giảm đến 40 - 42% vào năm 2019 như tính toán của Bộ Tài chính, chắc chắn ô tô nguyên chiếc nhập khẩu (chủ yếu từ ASEAN) sẽ ồ ạt chảy vào nội địa. Bởi Indonesia và Thái Lan đều có chiến lược phát triển xe ô tô có dung tích xi lanh từ 998 cm3 đến 1.400 cm3 do các hãng của Nhật, Mỹ như Toyota, Daihatsu, Honda, Suzuki, Mitsubishi, Chevrolet... đầu tư sản xuất. Nếu VN giảm sâu các sắc thuế, dòng xe nhỏ giá rẻ của các nước này sẽ ngay lập tức tràn vào, chiếm lĩnh thị trường nội địa, sản xuất trong nước sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Đặc biệt, việc gia tăng nhanh chóng số lượng xe nhập khẩu sẽ dẫn đến tình trạng nhập siêu lớn từ các nước ASEAN cũng như tạo áp lực lớn lên hệ thống giao thông, gây ùn tắc nghiêm trọng tại các thành phố lớn.

DN sợ chính sách thay đổi

Dù khấp khởi mừng vì sẽ bán được nhiều xe hơn, nhưng với nhiều DN kinh doanh xe, cái họ lo sợ hơn là sự thiếu ổn định của chính sách. Điều này thực tế đã từng xảy ra. Còn nhớ năm 2007, sau những kiến nghị, thắc mắc về giá xe nhập khẩu quá cao, Bộ Tài chính đã có tới 3 lần điều chỉnh giảm thuế xe nhập khẩu nguyên chiếc từ 90% xuống còn 60%. Nhưng sau đó, số lượng xe nhập khẩu tăng vọt, kéo theo kẹt xe, nhập siêu đã khiến năm 2008 bộ này buộc phải tăng thuế nhập khẩu từ 60% lên 70%. Sự thay đổi chính sách thuế nhanh chóng đã gây ra những tranh cãi gay gắt.

Gần đây nhất, do thuế nhập khẩu xe nguyên chiếc thấp hơn nhập linh kiện về lắp ráp, cộng với việc siết chặt tải trọng ở thị trường nội địa, xe tải Trung Quốc nhập vào VN đã tăng phi mã. Thậm chí, nhiều DN trong nước còn đặt hàng ở Trung Quốc để mang về nước tiêu thụ. Thế là chỉ trong vài tháng đầu năm, số lượng xe tải Trung Quốc nhập vào VN tăng gấp 3 -4 lần khiến các DN sản xuất lắp ráp trong nước điêu đứng. Đặc biệt, các xe tải có nguồn gốc Trung Quốc như Dongfeng, Howo (còn gọi là “hổ vồ”) được cơi nới, chở quá trọng tải đã phá hủy đường sá, gây tai nạn giao thông.

Để chấn chỉnh, Bộ Tài chính đã phải lên dự thảo tăng thuế nhập khẩu xe tải từ đầu năm 2016. Ngay lập tức, số lượng xe tải nhập từ Trung Quốc giảm mạnh trở lại. Nếu như tháng 5, lượng xe Trung Quốc nhập khẩu đạt 7.674 chiếc, thì đến tháng 9 chỉ còn 1.509 và dự kiến sẽ còn giảm trong các tháng tiếp theo. Sự thay đổi cần thiết nhưng đột ngột này cũng khiến không ít DN đang khổ sở vì ôm lượng xe tải Trung Quốc tồn kho lớn do đã ký hợp đồng mua trước đó.

Đại diện một DN trong lĩnh vực ô tô đặt vấn đề: “Năm 2019 thuế giảm sâu, xe giá rẻ sẽ ồ ạt chảy vào nội địa chắc chắn dẫn đến tình trạng nhập siêu và ùn tắc giao thông, liệu khi đó cơ quan quản lý có áp dụng các chính sách hạn chế phương tiện giao thông hay không? Hoàn toàn có thể chứ? Chúng ta đã chứng kiến chuyện này rất nhiều trong các năm qua và nếu điều đó xảy ra, thị trường ô tô sẽ mất ổn định”.

Ủng hộ việc giảm thuế, nhưng theo một chuyên gia trong ngành, "Điều hành kinh tế ở bất cứ ngành nào, nếu không bình ổn được tiêu thụ thì không ai dám bỏ vốn đầu tư. Với những nhà sản xuất, các DN có chiến lược làm ăn lâu dài, họ sợ nhất là sự thay đổi chính sách".

Nên giảm có lộ trình

Vậy giảm thuế thế nào để vừa đáp ứng yêu cầu của hội nhập, vừa ổn định thị trường nội địa và ưu tiên phát triển ngành công nghiệp ô tô trong nước? Đặt vấn đề này với một nhà sản xuất ô tô lớn của thế giới đang đàm phán hợp tác để xây dựng nhà máy có quy mô 100.000 xe/năm với một DN trong nước, vị này phân tích: “Khi thị trường chưa đủ lớn thì nên có chính sách hỗ trợ sản xuất ô tô trong nước bằng cách giữ mức thuế suất thuế TTĐB ở mức cao. Tất nhiên, chính sách này có thể được điều chỉnh khi sản lượng và trình độ sản xuất trong nước đạt mức tương đương trong khu vực".

"Giảm thì tôi bán được xe...", lãnh đạo một DN khác trong ngành ô tô nói ngay khi nhận được câu hỏi về giảm thuế, nhưng ông cho rằng "phải có lộ trình để cân đối với phát triển kinh tế và giao thông". Lộ trình, theo ông, giữ nguyên mức thuế suất thuế TTĐB đối với các loại xe trừ xe 5 chỗ có dung tích từ 2.5 trở lên vì đây là các loại xe cao cấp, cần đánh thuế cao để phù hợp với hạ tầng giao thông, định hướng tiêu dùng và tiết kiệm nhiên liệu.

Riêng đối với xe vừa chở người vừa chở hàng (pick-up) hiện nay có mức tăng trưởng cao (tăng 70% so năm 2014) và là xe nguyên chiếc nhập khẩu 100% từ Thái Lan nên tăng thêm từ 5 - 15% tùy theo dung tích xi lanh để tạo bình đẳng cho toàn ngành ô tô và khuyến khích sử dụng đúng công năng sản phẩm. Theo tính toán, nếu không giảm thuế TTĐB, sau năm 2018 giá xe sẽ giảm 25%. Đó là chưa kể khi dung lượng thị trường gia tăng, chi phí vận hành showroom, chi phí sản xuất, vận chuyển cũng giảm nên giá xe cũng có điều kiện để giảm hơn. "Giảm thuế là cần thiết nhưng với điều kiện hiện nay, giảm giá xe nên dựa trên lộ trình giảm thuế nhập khẩu là đủ. Còn thuế TTĐB, nên điều tiết một cách hợp lý để phù hợp phát triển kinh tế và giao thông nội địa", vị này nói.

Trước những thông tin về giảm thuế ô tô, một DN lớn trong ngành ô tô đề xuất chỉ điều chỉnh thuế TTĐB cho năm 2016. “Đối với thuế suất sau 2018, khi thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc từ các nước ASEAN về 0%, cần có phân tích đánh giá tác động kỹ lưỡng hơn về nhu cầu sử dụng, dung lượng thị trường, khả năng đầu tư, năng lực cạnh tranh của các DN sản xuất trong nước, tổng thể ngành công nghiệp ô tô VN trong bối cảnh hội nhập khu vực ASEAN và đề xuất trình biểu quyết trong các kỳ họp Quốc hội sau”, ông này nói.

Theo Thanh niên

Điều hành kinh tế ở bất cứ ngành nào, nếu không bình ổn được tiêu thụ thì không ai dám bỏ vốn đầu tư. Với những nhà sản xuất, các DN có chiến lược làm ăn lâu dài, họ sợ nhất là sự thay đổi chính sách Một chuyên gia trong ngành ô tô

Điều hành kinh tế ở bất cứ ngành nào, nếu không bình ổn được tiêu thụ thì không ai dám bỏ vốn đầu tư. Với những nhà sản xuất, các DN có chiến lược làm ăn lâu dài, họ sợ nhất là sự thay đổi chính sách

Điều hành kinh tế ở bất cứ ngành nào, nếu không bình ổn được tiêu thụ thì không ai dám bỏ vốn đầu tư. Với những nhà sản xuất, các DN có chiến lược làm ăn lâu dài, họ sợ nhất là sự thay đổi chính sách Một chuyên gia trong ngành ô tô

Một chuyên gia trong ngành ô tô