“Nuôi” Than Quảng Ninh, đại gia Hùng "xoăn" giàu đến đâu?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Phải nói rằng dưới thời Chủ tịch Phạm Thanh Hùng, CLB Than Quảng Ninh đã “vụt sáng”, trở thành thế lực tranh đua ngôi vô định V-League và được đánh giá là CLB chuyên nghiệp bậc nhất Việt Nam. Vậy nhưng, vị thế ấy đang bị lung lay bởi một nguyên nhân không mới – khó khăn tài chính.

Ông Phạm Thanh Hùng - Chủ tịch CLB Than Quảng Ninh
Ông Phạm Thanh Hùng - Chủ tịch CLB Than Quảng Ninh

Chỉ còn vài tuần nữa là mùa giải V-League 2021 khởi tranh, tuy nhiên, CLB Than Quảng Ninh đang đối mặt với một cuộc khủng hoảng chưa từng có.

Hàng loạt trụ cột đã đầu quân cho đội bóng khác khiến đội một của CLB Than Quảng Ninh chỉ còn 12 cầu thủ. Còn HLV trưởng Phan Thanh Hùng đã nộp đơn từ chức và bỏ về quê nhà Đà Nẵng.

CLB Than Quảng Ninh đứng trước nguy cơ giải thể vì những vấn đề không mới của bóng đá Việt Nam – khó khăn tài chính.

Sự việc chỉ tạm lắng xuống khi mới đây, truyền thông trong nước cho biết lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Ninh và CLB Than Quảng Ninh đã bước đầu tháo gỡ những nút thắt và thống nhất xây dựng đội bóng chuẩn bị cho mùa giải mới. Chủ tịch CLB Than Quảng Ninh – ông Phạm Thanh Hùng – còn khẳng định rằng sẽ sẵn sàng vay ngân hàng để nuôi đội bóng.

Phải nói rằng sự “biến mất” của một đội bóng ở V-League do các nhà tài trợ rút lui là không hiếm, nhưng đối với CLB Than Quảng Ninh, nếu điều đó xảy ra, đó sẽ là một sự tiếc nuối lớn cho người hâm mộ bóng đá nước nhà.

Trong 6 năm qua, Than Quảng Ninh đã “vụt sáng”, trở thành một thế lực mới của bóng đá Việt Nam, được xem là mô hình của bóng đá chuyên nghiệp. Niềm tin và sự cổ vũ của người hâm mộ đất mỏ tại sân Cẩm Phả cũng là niềm ước ao của nhiều CLB khác.

Đằng sau những bước tiến đáng nể của CLB Than Quảng Ninh, sẽ là thiếu sót nếu không nhắc tới những đóng góp của “ông bầu” Phạm Thanh Hùng – Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc CTCP Khai thác khoáng sản vàng Hà Giang (Hà Giang Gold Corp), vị đại gia vẫn được giới mộ điệu đất mỏ gọi với cái tên trìu mến: Hùng "xoăn".

Thành công của CLB Than Quảng Ninh mang dấu ấn của "bầu" Phạm Thanh Hùng

Thành công của CLB Than Quảng Ninh mang dấu ấn của "bầu" Phạm Thanh Hùng

“Bầu” Phạm Thanh Hùng giàu cỡ nào?

Theo trang chủ CLB Than Quảng Ninh, ông Phạm Thanh Hùng sinh ra trong một gia đình có truyền thống thể thao tại Quảng Ninh. Thân phụ ông Hùng là người đoạt chức vô địch giải cờ tướng miền Bắc năm 1969, còn các anh chị em cũng tham gia hoạt động thể thao trong lĩnh vực bóng bàn, cờ vua.

Bản thân ông Hùng cũng có tình yêu và mối quan tâm đặc biệt với bóng đá. Khi còn trẻ, vị doanh nhân sinh năm 1964 đã đi bộ hàng chục km để xem bóng đá.

Bên cạnh tình yêu bóng đá, sự nghiệp kinh doanh của “bầu” Phạm Thanh Hùng cũng thu hút nhiều sự chú ý, với hệ sinh thái Hà Giang Gold Corp.

Theo tìm hiểu của VietTimes, Hà Giang Gold Corp được thành lập từ tháng 9/2009, hiện đăng ký địa chỉ trụ sở chính tại xã Việt Hồng, huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang.

Sau 5 năm hoạt động, tính đến ngày 11/4/2014, Hà Giang Gold Corp có quy mô vốn điều lệ 18 tỉ đồng. Cơ cấu cổ đông có sự góp mặt của CTCP Cơ điện Việt Nam, CTCP Công nghiệp mỏ xây dựng Đông Bắc (Đông Bắc CMI), CTCP ĐTTM và KT Khoáng sản Việt Lào, Công ty TNHH SXXD Vận Thiên và Công ty TNHH Vĩnh Đạt.

CTCP Công nghiệp mỏ xây dựng Đông Bắc (Đông Bắc CMI) - cổ đông lớn nhất của Hà Giang Gold Corp.

CTCP Công nghiệp mỏ xây dựng Đông Bắc (Đông Bắc CMI) - cổ đông lớn nhất của Hà Giang Gold Corp.

Trong đó, Đông Bắc CMI – đăng ký kinh doanh chính trong lĩnh vực xăng dầu - là cổ đông lớn nhất tại Hà Giang Gold Corp với tỉ lệ sở hữu 35% vốn điều lệ. Doanh nghiệp này được thành lập từ tháng 6/2008, do vợ chồng doanh nhân Phạm Thanh Hùng – Lương Thị Thảo nắm tỉ lệ sở hữu chi phối.

Cập nhật tới tháng 7/2016, Đông Bắc CMI có quy mô vốn điều lệ chỉ ở mức 9 tỉ đồng. Trong đó, vợ chồng doanh nhân Phạm Thanh Hùng – Lương Thị Thảo nắm chi phối với tỉ lệ sở hữu 88,89% vốn điều lệ; ông Đào Tuấn Hùng nắm giữ 11,11% vốn điều lệ.

Trong 4 năm gần nhất, doanh thu của Đông Bắc CMI có xu hướng giảm, hiệu quả kinh doanh cũng không được khả quan. Các năm 2016 và 2017, doanh nghiệp này báo lỗ lần lượt là 16,9 tỉ đồng và 18,7 tỉ đồng. Riêng năm 2019, Đông Bắc CMI ghi nhận doanh thu 12,22 tỉ đồng, báo lãi vỏn vẹn gần 68 triệu đồng.

Tính đến ngày 31/12/2019, quy mô tổng tài sản và vốn chủ sở hữu của Đông Bắc CMI lần lượt đạt 183 tỉ và 135,6 tỉ đồng.

Ngoài ra, dữ liệu của VietTimes cho thấy, vị đại gia này còn sở hữu nhiều xe sang như: Bentley, Rolls Royce, Mercedes.

Nội soi bức tranh tài chính của Than Quảng Ninh

Tiếp quản đội bóng từ tháng 8/2014, vị doanh nhân sinh năm 1964 đã đem đến những luồng gió mới cho CLB Than Quảng Ninh.

Đầu tiên là đàm phán giữ chân các cầu thủ trụ cột, tiếp đến là đem về hàng loạt tân binh chất lượng để đưa CLB này trở thành một thế lực mới tại V-League.

Ngày 26/8/2014, Công ty TNHH MTV Bóng đá Quảng Ninh ra đời, đánh dấu “chương mới” cho Than Quảng Ninh dưới thời “bầu” Phạm Thanh Hùng.

Theo dữ liệu của VietTimes, trong các năm gần nhất, công ty này đều đặn ghi nhận doanh thu từ 35 – 47 tỉ đồng mỗi năm và chỉ báo lãi duy nhất vào năm 2016 (14,38 tỉ đồng). Trong 3 năm gần nhất, Công ty TNHH MTV Bóng đá Quảng Ninh liên tiếp báo lỗ.

Kinh doanh thua lỗ triền miên, tính đến cuối năm 2019, Công ty TNHH MTV Bóng đá Quảng Ninh âm vốn chủ sở hữu tới 16,45 tỉ đồng.

Tháng 8/2014, khi quyết định bàn giao CLB Than Quảng Ninh cho Hà Giang Gold Corp, lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh đã thống nhất việc ngành than sẽ vẫn tiếp tục tài trợ cho đội bóng mỗi mùa 35 tỉ đồng, tỉnh Quảng Ninh tài trợ 10 tỉ đồng.

UBND tỉnh sẽ bàn giao SVĐ Cẩm Phả và Trung tâm Thể thao 2 thuộc phường Quang Hanh (TP Cẩm Phả) cho Hà Giang Gold Corp quản lý theo hình thức đầu tư công, quản lý tư.

Ngoài ra, UBND tỉnh Quảng Ninh cũng sẽ cùng Hà Giang Gold Corp kêu gọi thêm các nhà tài trợ cho đội bóng.

Cơ cấu tài chính đó đã góp phần “nuôi sống” CLB Than Quảng Ninh trong nhiều năm.

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, ngay từ mùa giải 2020, phía nhà tài trợ của CLB Than Quảng Ninh gặp khó khăn, chưa thể hỗ trợ kinh phí hoạt động cho CLB. Doanh nghiệp của “bầu” Phạm Thanh Hùng “gánh” cả khiến tình hình tài chính của CLB càng trở nên khó khăn.

Điều này dẫn đến tình trạng các cầu thủ bị nợ lương, thưởng suốt nhiều tháng qua./.