Vụ kiện quyền tác giả đầu tiên
Đây là vụ kiện đầu tiên về bản quyền tác giả, với những tranh luận gay gắt giữa họa sĩ vẽ các nhân vật trung tâm của bộ truyện và công ty sản xuất, kinh doanh bộ truyện đó.
“Căn cứ vào các Điều 48 và Điều 289 của Bộ Luật tố tụng dân sự 2015; Sau khi nghiên cứu hồ sơ vụ án dân sự phúc thẩm thụ lý số 224/DSPT, Tòa án nhân dân TP.HCM ra quyết định đưa ra xét xử phúc thẩm vụ án dân sự về việc tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ giữa các đương sự” – Quyết định số 2135 của TAND TP.HCM viết.
Nguyên đơn khởi kiện tranh chấp bản quyền tác giả bộ truyện tranh “Thần đồng Đất Việt” là ông Lê Phong Linh (sinh năm 1974, TP.HCM) và bị đơn là Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Kỹ thuật và Phát triển Tin học Phan Thị (Công ty Phan Thị), đại diện pháp luật - bà Phan Thị Mỹ Hạnh (sinh năm 1965, Tp.HCM).
Tại phiên tòa phúc thẩm sắp tới, đại diện cho Công ty Phan Thị là ông Nguyễn Vân Nam. Thẩm phán, chủ tọa phiên tòa là ông Phùng Văn Hải. Phiên tòa sẽ diễn ra tại trụ sở TAND TP.HCM ngày 12/6, do bị đơn có đơn kháng cáo vụ án.
Trước đó, ngày 18/2/2019, họa sĩ Lê Phong Linh được coi như thắng kiện bản quyền, khi HĐXX sơ thẩm TAND Quận 1, TP.HCM tuyên bố công nhận quyền tác giả thuộc về họa sĩ Lê Phong Linh. HĐXX nhận định tác giả là người trực tiếp sáng tạo ra một phần hoặc toàn bộ tác phẩm.
Bốn hình tượng nhân vật “Trạng Tý”, “Sửu Ẹo”, “Dần Béo”, “Cả Mẹo” trong bộ truyện tranh "Thần đồng Đất Việt"
|
Trong phiên tòa sơ thẩm, bị đơn – Công ty Phan Thị trình bày là đã “cầm tay chỉ cho ông Linh vẽ” do mình vẽ không đẹp, nhưng các ý tưởng nhân vật về các hình tượng có sẵn trong đầu.
Tuy nhiên, để được pháp luật bảo hộ quyền tác giả thì tác phẩm phải được sáng tạo, thể hiện dưới một hình thức nhất định và ngoài họa sĩ Lê Phong Linh ra thì không có ai tham gia sáng tạo bốn hình tượng nhân vật này. Từ đó, tòa cho rằng có căn cứ công nhận họa sĩ Lê Phong Linh là tác giả của “Thần đồng Đất Việt”, bà Phan Thị Mỹ Hạnh không phải là đồng tác giả đối với bốn hình tượng nhân vật này.
Ai là tác giả “Thần đồng Đất Việt”?
Theo đơn khởi kiện, ông Linh khởi kiện cả Công ty Phan Thị và bà Phan Thị Mỹ Hạnh với yêu cầu công nhận ông chính là tác giả duy nhất của bộ truyện tranh “Thần đồng Đất Việt”, là “cha đẻ” sáng tạo ra bốn hình tượng nhân vật “Trạng Tý”, “Sửu Ẹo”, “Dần Béo”, “Cả Mẹo”, là các nhân vật trung tâm của bộ truyện tranh bán rất chạy trên khắp mọi vùng miền đất nước.
Họa sĩ Lê Phong Linh cho biết đã phải “khóc thầm” rất nhiều lần, khi vụ tranh chấp kéo dài tới 12 năm liền trước khi ra tòa. Cái khó của họa sĩ đang nằm ở chỗ hồ sơ ghi nhận đơn yêu cầu Cục Bản quyền tác giả cấp bản quyền cho 4 hình tượng “Trạng Tí”, “Sửu Ẹo”, “Dần Béo”, “Cả Mẹo” chỉ xác nhận ông Linh và bà Hạnh được Công ty Phan Thị giao nhiệm vụ thực hiện bản vẽ các nhân vật này để in trên bộ truyện tranh “Thần đồng đất Việt”, toàn bộ quyền sở hữu thuộc về Công ty Phan Thị.
Thế nhưng, trước khi đăng ký bản quyền tác giả, từ tập 1 đến tập 6 đã xuất bản, truyện đều ghi tác giả truyện và tranh là họa sĩ Lê Linh. Công ty Phan Thị cũng có hồ sơ ghi nhận họa sĩ Lê Linh tham gia 6 bước trong quy trình xuất bản bộ truyện này.
Luật sư của Công ty Phan Thị cho biết: “Trong quãng thời gian làm việc tại Công ty Phan Thị, cho tới trước khi tự ý rời khỏi Công ty vào năm 2006, họa sĩ Lê Linh đã nhận tiền lương từ Phan Thị lên tới hơn 3 tỷ đồng”.
Phiên tòa xét xử sơ thẩm đã diễn ra gay gắt, với nhiều lập luận của cả hai bên. Phía nguyên đơn, họa sĩ đã trình ra cho tòa những chứng cứ là những bức vẽ minh họa của các nhân vật chứng minh mình đã “khai sinh” ra những “đứa con tinh thần này” và trả lời chủ tọa phiên tòa rằng phải là những người trực tiếp sáng tạo ra thì mới là tác giả.
Họa sĩ Lê Linh tại phiên tòa sơ thẩm (Ảnh: Hoài Thanh)
|
Đại diện bị đơn cho rằng bà Phan Thị Mỹ Hạnh – Giám đốc Công ty Phan Thị mới là tác giả của bốn hình tượng nhân vật này, ông Lê Phong Linh chỉ là người vẽ lại ý tưởng của bà Hạnh. Theo đó, bà Hạnh đã từ lâu muốn tạo ra một bộ truyện dành cho thiếu niên, nhi đồng trên cơ sở xây dựng các điển cũ tích xưa của những nhân vật lưu danh, dân gian truyền tụng… thành một bộ truyện tranh với những hình tượng nêu trên.
Tuy nhiên, việc bị đơn cho rằng đã chỉ vẽ cho họa sĩ không đưa ra được chứng cứ chứng minh. Bên cạnh đó, theo luật Bản quyền quy định và dẫn theo Điều 6 của Nghị định 22 năm 2018, quy định về tác giả, đồng tác giả: “Nếu người chỉ nêu ý tưởng để người khác thực hiện thì người đó không được công nhận là tác giả, mà tác giả chính là người thực hiện. Vì tác phẩm được bảo hộ là khi nó được sáng tạo và thể hiện dưới hình thức vật chất nhất định mới được. Còn ý tưởng trong đầu chưa được bảo hộ quyền tác giả”.
Trong suốt thời gian tranh chấp, Công ty Phan Thị vẫn tiếp tục sản xuất và kinh doanh bộ truyện tranh "Thần đồng Đất Việt" với nhiều biến thể khác nhau.
Về yêu cầu buộc Công ty Phan Thị chấm dứt tạo ra và sử dụng những biến thể khác nhau của các hình tượng nhân vật do ông Linh sáng tạo từ các tập “Thần đồng Đất Việt” tiếp theo cũng như trên các ấn bản khác, HĐXX cho rằng Công ty Phan Thị có quyền sở hữu nhưng không có quyền làm biến thể khi chưa được sự đồng ý của họa sĩ – tác giả của các hình tượng này; do việc biến thể các hình tượng gốc sẽ ảnh hưởng đến quyền bảo vệ sự toàn vẹn tác phẩm.