Nông trường Sông Hậu “thoi thóp” chờ tái cơ cấu

Theo lộ trình sắp xếp đổi mới doanh nghiệp nhà nước (DNNN), Nông trường Sông Hậu là doanh nghiệp được tái cơ cấu theo hướng giữ nguyên 100% vốn sở hữu nhà nước. Thế nhưng, sau hơn 5 năm, doanh nghiệp này vẫn chưa thể chuyển đổi sang Công ty TNHH một thành viên.
Sản xuất lúa giống hiện là nguồn thu duy nhất để Nông trường Sông Hậu trả lương cơ bản cán bộ công nhân viên duy trì hoạt động cầm chừng chờ chuyển đổi sang công ty TNHH một thành viên.
Sản xuất lúa giống hiện là nguồn thu duy nhất để Nông trường Sông Hậu trả lương cơ bản cán bộ công nhân viên duy trì hoạt động cầm chừng chờ chuyển đổi sang công ty TNHH một thành viên.

Nợ cũ “trói chân”

Thời gian chờ đợi chuyển đổi đã kéo dài suốt hơn 5 năm qua, Đề án chuyển đổi Nông trường Sông Hậu thành Công ty TNHH một thành viên đã được xây dựng và qua nhiều lần tu chỉnh, thông qua các cấp, báo cáo UBND TP. Cần Thơ trình bộ, ngành Trung ương tham mưu Chính phủ phê duyệt, nhưng đến nay vẫn chưa hoàn tất. Nguyên nhân chính là do chưa thể xử lý dứt điểm nợ ngân hàng (vốn và lãi vay lên đến gần 300 tỷ đồng) tồn đọng từ nhiều năm trước.

UBND TP. Cần Thơ đã kiến nghị để Chính phủ giải quyết phương án tài chính cho Nông trường Sông Hậu. Gần đây nhất, giữa năm 2015, UBND TP. Cần Thơ có văn bản đề nghị  Chính phủ xoá khoản nợ này, vì đất nông trường là đất công, không thể bán đi trả nợ, cũng không thể cổ phần hoá vì khả năng tranh chấp lớn, hoạt động sản xuất, kinh doanh của Nông trường lại vẫn liên tục thua lỗ, nên không đủ điều kiện chuyển đổi thành Công ty TNHH một thành viên theo quy định.

Ngày 6/10/2015, Văn phòng Chính phủ có Văn bản số 8080/VPCP - KTTH về việc xử lý nợ để chuyển đổi mô hình Nông trường Sông Hậu, truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh tiếp tục yêu cầu UBND TP. Cần Thơ căn cứ Nghị định số 118/2014/NĐ - CP chỉ đạo Nông trường Sông Hậu xây dựng Phương án tổng thể sắp xếp, đổi mới công ty nông, lâm nghiệp trực thuộc TP. Cần Thơ để Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ.

Giao Ngân hàng Nhà nước chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính hướng dẫn xử lý về các khoản vay nợ cũ của các công ty nông - lâm nghiệp; đề xuất bổ sung, sửa đổi cơ chế xử lý các khoản nợ cũ kể cả nợ gốc, nợ lãi của Nông trường Sông Hậu. Bộ Tài chính, phối hợp với cơ quan liên quan có giải pháp tái cơ cấu nợ, hỗ trợ xử lý khó khăn về tài chính để thực hiện chuyển đổi Nông trường Sông Hậu theo quy định.

Thế nhưng, đã sắp hết thời gian gia hạn, việc xử lý khoản nợ tồn đọng gần 300 tỷ đồng vẫn chưa xong, phương án tài chính và đề án chuyển đổi sang mô hình công ty TNHH một thành viên vẫn chưa được phê duyệt và kiến nghị khẩn của Nông trường Sông Hậu vẫn chưa được giải quyết.

Trước sự chậm trễ này, Giám đốc Nông trường Sông Hậu Nguyễn Thanh Phú nói: “Nếu tình hình khó khăn kéo dài, có thể Nông trường Sông Hậu sẽ phải xin tạm ngưng hoạt động để chờ chuyển đổi”.

“Thoi thóp” vì thiếu vốn

Chưa được tái cơ cấu, pháp nhân không rõ ràng, vốn sở hữu nhà nước bị âm chưa được bổ sung và gánh nợ vốn vay ngân hàng tồn đọng từ nhiều năm qua chưa xử lý dứt điểm, đang đẩy Nông trường Sông Hậu lâm vào thế bế tắc.

Cuối năm 2015, các ngân hàng đối tác truyền thống đã chính thức thông báo ngừng giao dịch vay vốn đối với Nông trường Sông Hậu vì không khả năng thanh toán các khoản nợ cũ và pháp nhân không rõ ràng. Chính sách hỗ trợ lãi suất tạm trữ lúa gạo cũng bị cắt. Trước thực trạng trên, Giám đốc Nông trường Sông Hậu đã có văn bản từ chối chỉ tiêu xuất khẩu 1.450 tấn gạo mà Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) phân bổ, vì không có tiền mua gạo.

Không có vốn đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, nên Nông trường Sông Hậu chỉ còn có thể duy trì sản xuất lúa giống (diện tích 100 ha) để tạo nguồn thu hoạt động cầm chừng. “Chúng tôi sắp cạn nguồn tiền trả lương cho trên 90 cán bộ công nhân viên trong nông trường đang cùng với Ban giám đốc giải quyết khó khăn, duy trì hoạt động”, Giám đốc Nguyễn Thanh Phú lo lắng.

Hơn 4 tháng trước, ông Phú đã có văn bản kiến nghị khẩn đến Thường trực UBND TP. Cần Thơ xem xét, giải quyết cho đơn vị ông được nhận bồi hoàn tiền bàn giao điện, đường, trường, trạm theo Quyết định số 255/2003/QĐ - TTg của Thủ tướng Chính phủ, do đơn vị đầu tư, đã bàn giao hoàn tất về địa phương quản lý sử dụng từ năm 2012 (tổng giá trị bàn giao trên 42,6 tỷ đồng) từ nguồn ngân sách địa phương và cấp bổ sung 20 tỷ đồng vốn điều lệ nhà nước tại Nông trường Sông Hậu, trong giai đoạn tiếp tục chờ chủ trương phê duyệt Đề án chuyển đổi sang Công ty TNHH MTV 100% vốn nhà nước làm chủ sở hữu.

Ông Phú đề nghị thêm, UBND TP. Cần Thơ tạo điều kiện giúp đơn vị quan hệ giao dịch tín dụng với Quỹ đầu tư phát triển Thành phố, để Nông trường Sông Hậu có thể duy trì hoạt động trong giai đoạn... chờ Đề án được phê duyệt!

Tại cuộc họp báo mới đây, Phó chủ tịch thường trực UBND TP. Cần Thơ, ông Lê Văn Tâm cho biết, tái cơ cấu Nông trường Sông Hậu là một trong những việc tồn đọng trọng tâm, mà UBND TP. Cần Thơ đang tập trung giải quyết với tinh thần khẩn trương, quyết tâm cao.

Thêm khó vì đất bị chiếm dụng trái phép

Theo Chỉ thị mà Thủ tướng Chính phủ mới ban hành thực hiện Nghị quyết số 112/2015/NQ-QH13 ngày 27/11/2015 về việc tăng cường quản lý đất đai có nguồn gốc từ nông, lâm trường quốc doanh, thì Nông trường Sông Hậu là một “điểm nóng” tại TP. Cần Thơ cần được tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, khắc phục bất cập, để nâng cao hiệu lực quản lý và hiệu quả sử dụng trên 6.235 ha đất công.

Với diện tích tự nhiên gần 7.000 ha, quy mô đất có nguồn gốc từ Nông trường Sông Hậu thuộc loại lớn nhất so với các nông trường vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Qua điều chỉnh, hiện Nông trường Sông Hậu quản lý, sử dụng trên 6.235 ha đất sản xuất. Đây là diện tích đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất từ năm 1999, với pháp nhân là doanh nghiệp nhà nước, UBND TP. Cần Thơ thực hiện quản lý, sử dụng đất thông qua hợp đồng khoán 5.603,6 ha cho 2.515 hộ nông dân sản xuất nông - ngư kết hợp theo Nghị định số 01/CP (ngày 4/1/1995).

Đến năm 2005, Nghị định 01 đã được thay thế bằng Nghị định 135/2005/NĐ-CP (ngày 08/11/2005), thì chỉ có 795 hộ ký lại hợp đồng mới. Số hộ còn lại đòi cấp quyền sử dụng đất vì cho rằng, giai đoạn năm 2005 về trước, Nông trường đã “thu dư, thu vượt”.

“Mặc dù UBND Thành phố, các sở ngành và Nông trường trả lời bằng văn bản, tổ chức đối thoại, nhưng một bộ phận bà con vẫn chưa đồng tình và lôi kéo các hộ khác cố tình không chấp hành chủ trương ký hợp đồng để được tự do sản xuất, nhằm vô hiệu hóa sự quản lý, điều hành của Nông trường”, ông Huỳnh Hữu Hiền, Phó giám đốc Nông trường Sông Hậu cho biết.

Theo Đầu tư