Khác với những lần xuất hiện trước đây với loạt tranh lụa hay sơn dầu bảng màu rực rỡ, gây nhiều ấn tượng, ở triển lãm này, họa sĩ Lê Thị Minh Tâm sẽ làm mới mình với chất liệu giấy dó.
Các tác phẩm khai triển, diễn dịch khái niệm tôn giáo, triết học, tạo hóa từ hình ảnh âm dương trên một nền tảng tối giản giấy gió – mực nho và những “nguệch ngoạc” kiểu cổ tự, ký tự làm người xem liên tưởng đến kinh, bia, bùa chú.
Tranh của họa sĩ Lê Thị Minh Tâm
|
Những “ký tự” tinh trùng ở giây phút ban đầu của quá trình sáng thế ấy sẽ tạo ra một văn bản đặc biệt, văn bản người. Những tác phẩm này của Lê Thị Minh Tâm cũng có thể hiểu là một loại “kinh” nam, nữ, đực, cái, âm, dương, tạo hóa, sinh nở - kinh nở.
Một tác phẩm khác của họa sĩ Lê Thị Minh Tâm
|
Với đề tài Hoa, chất liệu acrylic quen thuộc đến mức tưởng chừng như không thể còn một khoảng trống dù là nhỏ để lách vào. Nhưng Phạm Trần Quân vẫn tìm ra một khe cửa hẹp để khám phá ra “thế giới hoa” khá riêng và một kỹ thuật dùng acrylic trên toan mới mẻ với sự hài hòa của những mảng, nét đắp đầy tương phản với những mảng phẳng mỏng loang nhòe, tan chẩy trong những bức tranh của anh.
Những bông hoa, nở rồi tàn, sinh rồi diệt, từ có mà thành không cũng chính là cái lẽ xoay vần của tạo hóa, của vòng Tràng Sinh, của… vượng, suy, bệnh, tử, mộ, tuyệt, thai (sinh, sinh nở, Nở). Nở là đạo. Đạo Nở.
Tranh của họa sĩ Phạm Trần Quân
|
Tính dương trong tranh âm tính của nữ họa sĩ Lê Thị Minh Tâm và tính âm trong tranh dương tính của nam họa sĩ Phạm Trần Quân tự nó đã tạo ra vẻ đẹp tương phản, song dung hòa trong từng bức tranh cũng như toàn triển lãm.
Hài hòa của những tương phản, xét cho cùng chính là vẻ đẹp đích đến trong nghệ thuật cũng như trong cuộc sống.