Từ năm 2015, các startup về Fintech (công nghệ tài chính) bắt đầu phát triển mạnh hơn tại Việt Nam. Nếu như năm 2016, chúng ta chỉ có 40 công ty Fintech thì hiện tại, con số này đã là gần 100 công ty. Nhưng so với các nước trong khu vực thì con số này vẫn còn khá khiêm tốn khi Singapore có 490 công ty, Indonesia 262 công ty, Malaysia 196 công ty. Tiềm năng phát triển của Fintech tại Việt Nam là rất lớn nhưng vẫn có những yếu tố đang cản trở các startup trong lĩnh vực này phát triển mạnh mẽ.
Một hội thảo vừa được tổ chức bởi Hiệp hội Các nhà đầu tư Tài chính Việt Nam (VAFI) và chuyên trang ICTnews của báo VietnamNet đã nêu lên những vấn đề đối với hệ sinh thái Fintech ở nước ta.
Tiềm năng rất lớn
Với sự phát triển của khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ di động đã giúp cho lĩnh vực Fintech phát triển mạnh trong thời gian gần đây, làm thay đổi diện mạo của hệ thống tài chính – ngân hàng. Hoạt động thanh toán của người dân cũng có nhiều thuận lợi. Theo số liệu thống kê của ngành ngân hàng thì năm 2018, có 45,8 triệu người Việt trưởng thành có tài khoản ngân hàng, chiếm 63% dân số.
Còn theo khảo sát của hãng nghiên cứu thị trường McKinsey tại Việt Nam, 50% số người được hỏi cho biết họ sẵn sàng sử dụng các công nghệ tài chính mới, đặc biệt là thanh toán điện tử. Những người được hỏi cho rằng trong vòng từ 10-15 năm tới mô hình ngân hàng truyền thống sẽ bị thay thế bởi mô hình kết hợp giữa ngân hàng và các công ty Fintech. Cũng theo nghiên cứu của McKinsey, đến năm 2025, các ngân hàng truyền thống sẽ bị giảm 10-40% lợi nhuận bởi sự phát triển của các công ty Fintech.
Còn theo khảo sát của Solidiance, thị trường Fintech Việt Nam đã đạt mức 4,4 triệu USD vào năm 2017 và dự kiến đạt mức 7,8 tỷ USD vào năm 2025. Các giao dịch điện tử cũng phát triển nhanh chóng. Trong quý II/2019, tốc độ phát triển của thanh toán dịch vụ ngân hàng qua điện thoại thông minh đã tăng trưởng 160%, cao hơn nhiều nước trong khu vực.
Trong số gần 100 công ty hoạt động trong lĩnh vực Fintech tại Việt Nam thì phần lớn trong số họ hoạt động trong lĩnh vực trung gian thanh toán. Vì thế khi nghĩ đến Fintech, đa số mọi người đều cho rằng đó là những công ty cung cấp dịch vụ trung gian thanh toán hoặc ví điện tử. Nhưng thực chất Fintech còn bao trùm một số phân khúc khác như cho vay ngang hàng, blockchain/tiền mã hóa, quản lý tài sản, ngân hàng số, điểm bán hàng (POS), kết nối tài chính cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, công nghệ bảo hiểm...
Trong số hơn 40 công ty đang hoạt động trong lĩnh vực trung gian thanh toán, nổi bật nhất là “ví” Momo – startup được đầu tư khủng từ quỹ Warburg Pincus, Goldman Sachs và Standard Chartered Private Equity. Ngoài ra còn có Moca, Zalo Pay, AirPay, Vimo, VnPay...
Danh sách các công ty Fintech tại Việt Nam (nguồn: FintechVN)
|
Phân khúc lớn thứ hai tại hệ sinh thái Fintech là cho vay ngang hàng với khoảng hơn 20 công ty như Vaymuon, Tima, Money Bank...
Phân khúc Blockchain/Tiền mã hóa có thể kể đến Bitcoin Vietnam, Cash2Vn, Verichains...
Phân khúc ngân hàng số có Timo, Yolo, Vred, TPBank...
Chưa có chính sách quản lý phù hợp
Theo Luật sư Phùng Anh Tuấn, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Các nhà đầu tư Tài chính Việt Nam (VAFI), hiện nhà nước đang có 2 văn bản pháp luật chính để quản lý lĩnh vực Fintech, đó là Nghị định 101 (2012) của Chính phủ về Thanh toán không dùng tiền mặt và Thông tư 39 (2014) hướng dẫn dịch vụ trung gian thanh toán. Tuy nhiên, 2 văn bản pháp luật nói trên vẫn chưa đủ để bao quát và theo kịp tình hình phát triển của lĩnh vực Fintech.
“Trong giao dịch điện tử, có rất nhiều sự thay đổi. Nhiều dịch vụ hiện tại đã có trên thị trường song chưa được quy định trong văn bản pháp luật nào”, ông Tuấn nói.
Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký VAFI cũng thẳng thắn chỉ ra rằng định hướng chính sách của nhà nước hiện nay vẫn thiên về tăng cường quản lý, siết chặt kiểm soát với Fintech hơn là tạo điều kiện cho nó phát triển.
ông Phùng Anh Tuấn - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký VAFI
|
Theo chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Trung ương thì nhà nước đang khá lúng túng trong việc chọn lựa giữa kiểm soát chặt chẽ một lĩnh vực mới để hạn chế rủi ro hay thả lỏng để thúc đẩy đổi mới sáng tạo. Một ví dụ minh chứng cho điều này là sau 10 lần đưa ra dự thảo, Bộ Giao thông vẫn chưa “chốt” được một phương án hợp lý để quản lý taxi công nghệ và taxi truyền thống sao cho hợp lý, công bằng. “Câu chuyện quản lý taxi dễ hơn Fintech mà còn chưa làm được, đứng về góc độ tác động, lợi ích và rủi ro kinh tế, xã hội của các bên liên quan”, ông Thành nhận định.
Cũng theo ông Thành, có 3 điểm khó khăn trong việc tạo ra một cuộc “cách mạng” cho Fintech.
Thứ nhất, nó là “cách mạng” nên phải “đập cũ xây mới”. Mà “đập cũ” thì lại liên quan đến vấn đề chi phí và lợi ích, trong khi đó “xây mới” cũng có những điều chúng ta chưa biết nên “xây mới” không hề dễ. Có quá nhiều bên có liên quan, tác động. Tài chính ngân hàng là một lĩnh vực có đặc thù riêng, không thể áp theo Luật doanh nghiệp. Trong khi doanh nghiệp được làm mọi việc không cấm thì Tài chính ngân hàng lại không được hoạt động như vậy – nhà nước cho phép mới được làm.
Thứ hai, ngành tài chính ngân hàng thường nghĩ về rủi ro trước tiên, sau đó mới nghĩ tới quyền lợi, bởi nếu có rủi ro thì tác động lan tỏa sẽ rất lớn.
Thứ ba là đồng tiền Việt Nam chưa phải là đồng tiền chuyển đổi – đồng tiền được sử dụng rộng rãi để thanh toán các giao dịch quốc tế và được mua bán trên thị trường ngoại hối chủ chốt, nên sẽ có những khó khăn khi mở cửa cán cân thanh toán quốc tế.
Ông Varun Mital – Phó Chủ tịch Hiệp hội Fintech Singapore nhắc đến một yếu tố cản trở hoạt động đầu tư cho các doanh nghiệp Fintech Việt Nam. Đó là chính sách hạn chế mức đầu tư của quỹ tài chính nước ngoài, hiện được dự kiến ở mức 30% - 49%. Chúng ta đều biết rằng sự phát triển của các doanh nghiệp Fintech hiện nay vẫn phần lớn dựa vào đầu tư nước ngoài. Các startup Fintech cần có những đầu tư từ nước ngoài để phát triển nhân sự, công nghệ và thị trường, khi mà các nguồn lực trong nước còn chưa đáp ứng được. Ông Mital cảnh báo rằng nếu cơ quan quản lý giữ cách tiếp cận quá thận trọng thì Fintech Việt Nam sẽ rơi vào nhóm trung bình và không thể phát huy hết tiềm năng.
Vậy làm thế nào để nâng cánh cho các startup Fintech?
Theo ông Phùng Anh Tuấn, Sandbox (chính sách thử nghiệm) là một cơ chế phù hợp để khuyến khích những dịch vụ mới ra đời, đồng thời theo kịp với tốc độ phát triển của các ngành nghề, dịch vụ mới. “Tôi cho rằng cơ chế Sandbox rất phù hợp để phát triển các dịch vụ mới, phát triển thị trường theo hướng khuyến khích các doanh nghiệp trẻ, doanh nghiệp mới làm những gì mà pháp luật không cấm”.
“Nếu chúng ta muốn Việt Nam phát triển theo đúng chủ trương tận dụng cơ hội cách mạng công nghiệp 4.0, để Việt Nam có thể đuổi kịp, nhảy cóc, bỏ qua các giai đoạn phát triển ban đầu thì có lẽ nên áp dụng những định hướng phát triển với sự kiểm soát mở rộng hơn, thoải mái hơn, thể hiện rõ ràng quan điểm quản lý cũng như cơ chế Sandbox", ông Tuấn nói.
Đồng tình với ý kiến này, ông Varun Mital cho rằng “Nếu muốn tạo điều kiện cho Fintech Việt Nam trở thành doanh nghiệp khu vực, chúng ta phải giúp họ phát triển, mở rộng quy mô, tiếp cận vốn, có cơ chế quản lý linh hoạt, có thể mở rộng, không chỉ phục vụ Việt Nam mà còn trở thành người khổng lồ châu Á”.
ông Varun Mital
|
Ông Mital dẫn chứng các nước khu vực Đông Nam Á đã có những chính sách “mở cửa” với Fintech. Chẳng hạn như Indonesia đã chuẩn hóa mã QR, có cổng thanh toán chung, cho phép đầu tư vào lĩnh vực ví điện tử, có nhiều doanh nghiệp quốc tế đầu tư vào hệ thống thanh toán và phối hợp với doanh nghiệp trong nước để hình thành hơn 100 triệu người dùng. Trong hệ sinh thái, các doanh nghiệp này cho phép xác nhận và mở ví điện tử đầy đủ cũng như cho selfie và xác nhận qua gương mặt.
Malaysia cho phép doanh nghiệp trong nước và quốc tế tham gia vào lĩnh vực Fintech. Họ cũng muốn Fintech giúp giải quyết vấn đề về đi lại, giao thông, tăng cường hòa nhập tài chính cả khu vực đô thị và tiếp cận dân số ở khu vực nông thôn, cho phép xác nhận bằng công nghệ số.
Philippines đã mở cửa hệ thống thanh toán Instapay, hệ thống cho phép thực hiện chuyển tiển trong nước và thực hiện xác thực số. Trước đây, để thực hiện thanh toán, Philippines có 13 chứng từ và giấy chứng nhận khác nhau. Hiện tại, nước này đã áp dụng xác nhận điện tử để thúc đẩy hệ sinh thái số.
Chính phủ Singapore mới đây đã thông qua một luật thanh toán điện tử mới. Họ nhập tất cả phương thức thanh toán cũ và mới vào một luật thanh toán. Trước đây nếu người dân thực hiện thanh toán trên 50.000 SGD phải xác thực đầy đủ. Ngày nay, khi luật được ban hành, nếu muốn mở ví điện tử dưới 10.000 SGD thì không phải xác thực.
Ngày 12/8 vừa qua, Thủ tướng chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã phê duyệt đề án thúc đẩy mô hình kinh tế chia sẻ, trong đó Ngân hàng Nhà nước được giao nhiệm vụ xây dựng các quy định giao dịch thanh toán xuyên biên giới thông qua cổng thanh toán do chính Ngân hàng Nhà nước cấp phép; phối hợp với các Bộ, ngành để sửa đổi, bổ sung hoàn thiện khuôn khổ pháp lý nhằm quản lý hoạt động thanh toán điện tử; nghiên cứu cơ chế thí điểm quản lý hoạt động cho vay ngang hàng; và nghiên cứu, xây dựng Đề án cơ chế Sandbox cho hoạt động Fintech. Hy vọng nhà nước sẽ có những chính sách đúng đắn để tạo đà phát triển mạnh mẽ hơn cho hệ sinh thái Fintech tại Việt Nam.