Những nữ CEO nổi bật trên thị trường chứng khoán Việt Nam

VietTimes – Chào mừng ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10, VietTimes xin điểm lại với bạn đọc một số “nữ tướng” nổi bật trong vị trí điều hành, để lại nhiều dấu ấn trên thị trường chứng khoán.

Bà Mai Kiều Liên – Tổng Giám đốc Vinamilk

Một trong những nữ tướng trên sàn chứng khoán được nhiều nhà đầu tư biết tới là bà Mai Kiều Liên (sinh năm 1953) – Tổng giám đốc của Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam – Vinamilk (Mã CK: VNM), người đã “dành cả tuổi thanh xuân” cho một trong những doanh nghiệp sữa lớn nhất Việt Nam.

Cơ duyên khi đi du học tại Nga đã đưa bà Mai Kiều Liên đến với ngành công nghệ sữa, để rồi từ đó làm nên móng khi bà bắt đầu gây dựng sự nghiệp tại Vinamilk vào năm 1976. Sau 16 năm công tác, bà Mai Kiều Liên đã trở thành “nữ tướng” của Vinamilk với vai trò Tổng giám đốc.

Tới nay, trải qua quá trình gắn bó tới 42 năm, bà đã giúp Vinamilk vươn mình trở thành “ông lớn” dẫn đầu ngành sữa cả về thị phần (chiếm 58% thị phần trong nước) lẫn năng lực sản xuất. Giá trị vốn hóa của Vinamilk cũng tăng từ 100 triệu USD năm 2003 lên hơn 100 lần, đạt hơn 10 tỷ USD như ngày nay.

Bà Mai Kiều Liên – Tổng Giám đốc Vinamilk (Nguồn: Internet)
Bà Mai Kiều Liên – Tổng Giám đốc Vinamilk (Nguồn: Internet)

Ngày 18/10 vừa qua, bà Mai Kiều Liên cũng đã được nhận phần thưởng "thành tựu trọn đời" do Forbes Việt Nam trao tặng. Tại sự kiện này, bà Liên cũng chia sẻ về vai trò của lãnh đạo nữ.

“Tôi rất khâm phục các chị em tự xây dựng doanh nghiệp. Ngoài ý tưởng, họ cần có người hỗ trợ và rất nhiều thứ. Quan trọng là ý chí không buông bỏ, nếu mình biết mình làm đúng thì cứ đi tới, từng bước một. Tôi nghĩ những người có ý chí, kiến thức, đam mê sẽ thành công” - bà Liên cho biết.

Bên cạnh bà Mai Kiều Liên, Vinamilk vẫn còn một nữ tướng đặt biệt khác là bà Lê Thị Băng Tâm (sinh năm 1947) đảm nhiệm vị trí Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT). Ngoài ra, bà Tâm cũng giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT tại Ngân hàng TMCP Phát triển TP. Hồ Chí Minh (HDBank – Mã CK: HDB).

Bà Nguyễn Thị Mai Thanh - Tổng giám đốc CTCP Cơ điện lạnh (REE)

Bà Nguyễn Thị Mai Thanh - Tổng giám đốc CTCP Cơ điện lạnh (Nguồn: REE)
Bà Nguyễn Thị Mai Thanh - Tổng giám đốc CTCP Cơ điện lạnh (Nguồn: REE)

Là “nữ tướng” của công ty lâu đời nhất trên sàn chứng khoán Việt Nam, bà Nguyễn Thị Mai Thanh (sinh năm 1952) – Tổng giám đốc của Công ty Cổ phần Cơ điện lạnh (Mã CK: REE), đã có hơn 36 năm gắn bó với doanh nghiệp này.

Bà Thanh gia nhập REE từ khi công ty này vẫn còn là một Xí nghiệp quốc doanh cơ điện lạnh thuộc sở hữu của Nhà nước những năm 1980. Nhờ những phẩm chất lãnh đạo nổi bật, bà Thanh đã được cất nhắc vị trí Giám đốc xí nghiệp khi mới 33 tuổi. Đây cũng là khởi đầu giúp định hình nên hệ thống sản phẩm, dịch vụ gắn với thương hiệu REE như ngày nay.

Sau khi tiến hành cổ phần hóa, REE đã bắt đầu quá trình tăng trưởng nhanh chóng nhờ việc sản xuất máy điều hòa mang thương hiệu Reetech, lĩnh vực kinh doanh cũng được mở rộng sang lĩnh vực bất động sản. Trong những năm gần đây, REE thực hiện chiến lược phát triển mới, tiến hành nhiều thương vụ đầu tư vào lĩnh vực điện than và nước sạch thông qua các hoạt động thâu tóm, sáp nhập (M&A) các doanh nghiệp trong lĩnh vực này.

Quá trình chèo lái con thuyền REE của bà Nguyễn Thị Mai Thanh cũng gặp không ít những thách thức. Tuy nhiên, bằng những chiến lược có phần táo bạo, am hiểu thị trường Việt Nam và quốc tế, bà Nguyễn Thị Mai Thanh đã giúp doanh nghiệp này vượt qua nhiều sóng gió như: cuộc khủng hoảng giá lương tiền năm 1986, cuộc khủng hoảng tài chính châu Á 1997 – 1998, hay gần đây là cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.

Trên thị trường chứng khoán, sự đóng góp của bà Thanh đến từ việc cổ phiếu REE luôn được ghi dấu là một trong những “blue-chip” đời đầu, để lại nhiều ấn tượng cho các nhà đầu tư.

Bà Nguyễn Thị Phương Thảo – Tổng Giám đốc VietJet Air

Bà Nguyễn Thị Phương Thảo – Tổng Giám đốc VietJet Air (Nguồn: Internet)
Bà Nguyễn Thị Phương Thảo – Tổng Giám đốc VietJet Air (Nguồn: Internet)

Bà Nguyễn Thị Phương Thảo (sinh năm 1970) được biết đến với biệt hiệu là “nữ tỷ phú tự thân” đầu tiên của Việt Nam. Năm 2002, bà Thảo là một trong những thành viên tham gia sáng lập nên Công ty Cổ phần Hàng không VietJet (VietJet Air – Mã CK: VJC). Tới năm 2007, bà Thảo đã được bổ nhiệm làm Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc tại doanh nghiệp này.

Bà Thảo được giới đầu tư biết tới nhiều hơn kể từ khi VietJet Air thực hiện niêm yết 300 triệu cổ phiếu VJC trên sàn giao dịch chứng khoán TP HCM (HoSE). Việc thực hiện niêm yết cổ phiếu VJC cũng giúp bà Thảo thăng hạng nhanh chóng trong bảng xếp hạng danh sách tỷ phú thế giới của tạp chí Forbes, từ vị trí 780 lên vị trí thứ 766. Ngoài ra, bà cũng lọt vào top 100 người phụ nữ được đánh giá quyền lực nhất thế giới, ở vị trí thứ 55 do tạp chí này bình chọn.

Bên cạnh thành công trong lĩnh vực hàng không, bà Nguyễn Thị Phương Thảo cũng là một trong những nữ doanh nhân có tiếng trong ngành tài chính ngân hàng. Nổi bật trong số đó là ngân hàng HDBank (HDB), nơi bà Thảo đảm nhiệm vị trí Phó Chủ tịch thường trực. Ngày 5/1/2018, gần 981 triệu cổ phiếu HDB đã chính thức được giao dịch trên sàn HOSE với mức giá tham chiếu 33.000 đồng/cổ phiếu, đóng góp vào sự phát triển chung của thị trường chứng khoán Việt Nam.

“Hệ sinh thái” xoay quanh tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo còn có Công ty Cổ phần Sovico (Sovico Holdings) - đơn vị đang sở hữu 20,58 triệu cổ phiếu VJC (tương đương 4,56% vốn điều lệ Vietjet Air) và 130,9 triệu cổ phiếu HDB (tương đương 13,34% vốn điều lệ HDBank). Đó là chưa kể các khoản đầu tư khác của Sovico Holdings cũng như các công ty khác mà bà Thảo đang sở hữu./.