Những lời “gan ruột” cuối cùng của ông Trầm Bê tại Sacombank

Ngày 10-9-2015, trong phòng họp trên tầng 15 của tòa nhà hội sở Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương tín (Sacombank) ở đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, TPHCM, ông Trầm Bê, Phó chủ tịch Hội đồng quản trị Sacombank, gặp gỡ lãnh đạo chủ chốt và nhân viên các bộ phận của ngân hàng.
Từ cuối tháng này, ông Trầm Bê chính thức không còn tham gia ở Sacombank.
Từ cuối tháng này, ông Trầm Bê chính thức không còn tham gia ở Sacombank.

Hai ba năm nay kể từ khi về Sacombank, ông vẫn gặp và nói chuyện với nhân viên vào ngày này. Lần này thì khác. Ông thiết tha đề nghị Sacombank tiếp nhận nhân viên Ngân hàng TMCP Phương Nam với tấm lòng rộng mở, đừng nghĩ họ là “người của ông Bê” và ông nhấn mạnh tới đây có thể có những thay đổi ở ngân hàng.

Sự thay đổi có thể xảy ra mà ông Trầm Bê đề cập là việc ông đã cam kết ủy quyền không hủy ngang, vô thời hạn cho Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thực hiện các quyền cổ đông theo quy định pháp luật đối với toàn bộ cổ phần do ông và các bên liên quan sở hữu tại Sacombank, Ngân hàng Phương Nam và ngân hàng sau sáp nhập.

 Ông đồng thời sẽ không tham gia quản trị, điều hành ngân hàng sau sáp nhập như thông cáo báo chí của NHNN hồi giữa tháng 8-2015.

Ngày 14-9-2015, NHNN ban hành Quyết định 1844/QĐ-NHNN chính thức sáp nhập Phương Nam vào Sacombank. Ít ai để ý rằng theo quyết định trên, tất cả mọi thủ tục sáp nhập như thu hồi giấy phép hoạt động của Phương Nam; Phương Nam bàn giao tài sản, quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp cho Sacombank; Phương Nam thực hiện thủ tục xóa tên... phải hoàn tất trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày ký văn bản, có nghĩa hạn chót là ngày 29-9-2015. 

Cũng trong thời hạn ấy ngân hàng mới phải bố cáo sáp nhập. Và đó là thời điểm ông Trầm Bê chính thức không còn tham gia ở Sacombank.

Ngày tiếp quản Sacombank “ồn ào” bao nhiêu, thì ba năm sau nhóm cổ đông Trầm Bê chuyển giao quyền điều hành cho NHNN lặng lẽ bấy nhiêu.

Như vậy chỉ vài ngày nữa, NHNN sẽ trở thành cổ đông lớn ở Sacombank. Việc NHNN cử người vào thay thế ông Trầm Bê, nắm quyền kiểm soát, thay đổi nhân sự... thuộc quyền của NHNN. Ít nhất thì việc đưa người vào vị trí của ông Trầm Bê sẽ được công khai cho cổ đông và giới đầu tư rõ.

Việc công bố rộng rãi sự thay đổi trong hội đồng quản trị hết sức quan trọng vì Sacombank là ngân hàng niêm yết, có số lượng cổ đông đông đảo (khoảng 67.000 người theo danh sách chốt dự cuộc họp đại hội đồng cổ đông bất thường gần đây) trong số các doanh nghiệp trên sàn.

Trong những ngày qua các cuộc họp của đại diện NHNN với lãnh đạo Sacombank diễn ra liên tục, kể cả vào cuối tuần. Những người quan sát nhận xét việc tiến hành các thủ tục sáp nhập Phương Nam vào Sacombank không khó. 

Cái khó là khoảng cách giữa hai ngân hàng, không chỉ ở cấp bậc quản trị, mà cả trình độ nhân viên. Sacombank là tổ chức tín dụng lớn, nhân viên được đào tạo theo các tiêu chuẩn về quản trị nội bộ, nhân lực tổ chức ngay sau khi được tuyển dụng trong khi “lỗ hổng” quản trị ở Phương Nam đã ngày một rộng ra khi những năm gần đây nó hầu như giẫm chân tại chỗ. 

Nói gì thì nói, các bộ phận, các phòng ban của Sacombank từ các chi nhánh đến hội sở chính phải căng hết sức, chia nhỏ chi phí, tài sản để tiếp nhận Phương Nam.

Sau cuộc thâu tóm làm tốn nhiều giấy mực của báo chí, năm 2012 ông Trầm Bê và nhóm nhà đầu tư liên quan (trong đó có Eximbank nắm giữ 9,8% cổ phần Sacombank) tiếp quản Sacombank. Không những là nhóm cổ đông có quyền chi phối ở Sacombank, lúc bấy giờ ông Trầm Bê và những người liên quan còn sở hữu hơn 20% cổ phần Phương Nam, cao hơn cả cổ đông tổ chức nước ngoài. 

Tỷ lệ sở hữu hơn 20% nói trên tiếp tục được duy trì cho đến ít nhất tới cuối năm 2014 theo báo cáo tình hình quản trị doanh nghiệp của Phương Nam gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước theo quy định về công bố thông tin của công ty đại chúng.

Ngày tiếp quản Sacombank “ồn ào” bao nhiêu, thì ba năm sau nhóm cổ đông Trầm Bê chuyển giao quyền điều hành cho NHNN lặng lẽ bấy nhiêu. Sự khác biệt không chỉ ở trạng thái “ồn ào” hay “lặng lẽ”, mà còn ở sự biến thiên tài sản của những người trong vòng quay sự kiện.

 Nhóm cổ đông quanh ông Trầm Bê vào Sacombank với ít nhiều tài sản trong tay là cổ phiếu của hai ngân hàng và nay ra đi không còn sở hữu cổ phiếu nào. Chưa kể họ có thể phải bổ sung các tài sản khác trong quá trình tái cơ cấu và xử lý nợ xấu của ngân hàng sau sáp nhập nếu giá trị tài sản đảm bảo cho các nghĩa vụ nợ không đủ.

Ở góc độ kinh doanh, cuộc đầu tư vào ngân hàng Sacombank của ông Trầm Bê và những người liên quan đã thất bại - một từ không dễ chịu để chấp nhận. 

Không phải cuộc giải ngân nào bằng cả vốn thật và vốn ảo trong giai đoạn khủng hoảng tài chính - ngân hàng đều mang lại sự hài lòng cho nhà đầu tư. Nhìn lại từ năm 2006 đến nay, các “đại gia” lớn nhỏ đổ tiền vào ngân hàng và nắm giữ lâu dài đều đã và đang tiếp tục trải qua thử thách. Có lẽ điều này góp phần lý giải tại sao hiện nay dòng vốn dân doanh rất dè dặt chảy vào ngân hàng.

Mặt khác, những diễn biến ở Sacombank là một thông điệp có sức truyền tải ngầm trên thị trường. Những “mạng nhện” vốn ảo trong cổ phần, cổ phiếu đang dần được bóc tách xử lý. Bất cứ cuộc phẫu thuật nào để cứu bệnh nhân qua cơn nguy kịch và dưỡng sức trở lại cuộc sống đều không tránh khỏi đau đớn. Cuộc “đại phẫu” ngân hàng có lẽ cũng vậy!

Theo TBKTSG