Những kỹ năng quan trọng hàng đầu trong thời đại số

Để có thể hòa nhập và thành công trong thời đại 4.0, ngoài trình độ chuyên môn, mỗi công dân còn cần tới kỹ năng thiết yếu khác.

Đến năm 2020, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ mang lại cho loài người những thành tựu kỹ thuật như công nghệ robot, phương tiện giao thông tự động, AI và machine learning, cũng như công nghệ sinh hóa, chế tạo nguyên vật liệu cao cấp. Nhiều nghề nghiệp mới sẽ ra đời, thay thế hoàn toàn hoặc từng phần nhiều ngành nghề cũ.

Điều đó đồng nghĩa con người cũng phải cập nhật những kỹ năng mới, phù hợp thời đại số. Trong nhóm 10 kỹ năng cần có trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 do Diễn đàn Kinh tế thế giới công bố, kỹ năng giải quyết vấn đề, tư duy phản biện và khả năng sáng tạo được xem là 3 kỹ năng quan trọng hàng đầu.

Kỹ năng mềm sẽ quyết định 80% sự thành công

Nhiều chuyên gia đều đồng ý rằng những kỹ năng trên rất quan trọng trong quá trình làm việc sau này và là cơ sở để thăng tiến trong công việc.

Chị Đặng Thu Hiền, cựu du học sinh tại ĐH Victoria University of Wellington (New Zealand), cho biết công việc nhân viên truyền thông số của chị yêu cầu cập nhật nhiều kỹ năng, kiến thức mới. May mắn trong quá trình du học, chị đã học được những điều này thông qua cách học theo dự án với nhiều người và quá trình tự học của bản thân.

Theo chị Hiền, quá trình tự học, tự tìm tòi, tập hợp dữ liệu, kiến thức dưới sự hướng dẫn của giáo viên đã hình thành thói quen chủ động, tự lập, biết cách phản biện, đặt câu hỏi trước mọi vấn đề. Đây là kỹ năng quan trọng trong bất cứ môi trường nào.

Anh Gia Bảo, cựu du học sinh tại New Zealand, cũng thừa nhận môi trường học tại xứ sở Kiwi việc tranh luận và phản biện các quan điểm luôn được khuyến khích và tôn trọng. Đơn cử như giảng viên đưa ra quan điểm, sinh viên được khuyến kích phản biện và bảo vệ lập luận của mình vì thực tế trong thực tế, không có gì là tuyệt đối. Những kỹ năng được học tại New Zealand là hành trang giúp anh giải quyết những vấn đề trong công việc hiện tại.

Bà Lê Duy Loan, một kỹ sư người Mỹ gốc Việt có 24 bằng sáng chế và là người phụ nữ duy nhất được chọn vào ban lãnh đạo kỹ thuật của tập đoàn Texas Instruments (Mỹ), nhấn mạnh dù công nghệ có thay đổi như thế nào thì 50-60 năm nữa, chúng ta vẫn phải làm việc với con người. Chính vì vậy, người lao động, ngoài kiến thức chuyên môn, cần có những kỹ năng mềm.

Kỹ năng mềm sẽ quyết định 80% thành công của người lao động, bởi công nghệ, kỹ thuật sẽ thay đổi nhanh chóng. Có những kiến thức được trang bị trong trường học sẽ không còn cần thiết nữa nhưng kỹ năng mềm như tư duy phản biện, tư duy sáng tạo, khả năng giải quyết vấn đề, làm việc theo nhóm, quản lý cảm xúc, kỹ năng ra quyết định, kỹ năng hợp tác… sẽ rất cần thiết để thích ứng với công việc".

Kỹ năng giải quyết vấn đề

Các chuyên gia ước tính rằng hơn 1/3 công việc trong tất cả các ngành nghề hiện đại sẽ yêu cầu giải quyết vấn đề là một trong những kỹ năng cốt lõi. Tuy nhiên, nó sẽ ít quan trọng hơn trong các lĩnh vực mang nặng tính kỹ thuật, chẳng hạn như xây dựng cơ sở hạ tầng.

Kỹ năng giải quyết vấn đề sử dụng logic và trí tưởng tượng để hiểu được tình huống, giúp cá nhân đưa ra một giải pháp thông minh. Các nhà tuyển dụng đặt mối quan tâm hàng đầu lên nó bởi vì đây là một kỹ năng quan trọng trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta.

Kỹ năng này cần thiết cho một số ngành công nghiệp (như Công nghệ thông tin và Truyền thông) bởi đòi hỏi sự phức tạp và đầu óc phân tích hơn cả. Khả năng giải quyết các vấn đề phức tạp sẽ tăng cường và rèn luyện bộ não sẵn sàng đảm nhận các nhiệm vụ khó khăn sẽ gặp phải trong tương lai.

Những kỹ năng quan trọng trong thời đại số do Diễn đàn kinh tế thế giới công bố.

Sáng tạo

Thời đại số với vô vàn những thách thử, biến đổi không lường trước khiến các công ty, doanh nghiệp không chỉ cần nhân viên ứng phó, giải quyết vấn đề với những thách thức, biến đổi trong thời đại số. Quan trọng hơn, họ cần bạn giải quyết một cách sáng tạo.

Sự xuất hiện của các sản phẩm, công nghệ và cách thức làm việc mới đòi hỏi người lao động cần sở hữu sức sáng tạo để giải quyết thách thức và hơn thế là hưởng lợi từ những thay đổi. Có hai cách chính để xây dựng sự sáng tạo: Tư duy sáng tạo và giải quyết vấn đề sáng tạo.

Suy nghĩ sáng tạo có nghĩa là nảy ra những ý tưởng hoàn toàn độc đáo. Giải quyết vấn đề sáng tạo phát huy tác dụng khi một người cố gắng giải quyết vấn đề có nhiều giải pháp có thể.

Trong khi nhiều vấn đề phải đối mặt ở nơi làm việc có thể có giải pháp rõ ràng, những người sáng tạo có thể xem xét vấn đề từ mọi phía. Điều này do đó giúp họ đưa ra các giải pháp hoàn toàn mới mẻ và thú vị.

Suy cho cùng, robot có thể tăng hiệu quả và dễ dàng tạo ra sản phẩm, nhưng hiện tại chúng vẫn không thể sáng tạo như con người. Nếu nhân viên và người quản lý có thể giải quyết vấn đề một cách sáng tạo và đưa ra những ý tưởng mới, điều này giúp công ty lèo lái theo một phương hướng hoàn toàn mới mẻ.

Phản biện

Có ý kiến cho rằng tư duy phản biện cản trở khả năng sáng tạo bởi vì trong khi tư duy phản biện đòi hỏi phải tuân thủ những quy tắc logic và lập luận nhất định thì khả năng sáng tạo có lẽ cần đến nhiều hơn việc “phá luật”. Đây là quan điểm sai lầm. Tư duy phản biện là một phần cơ bản của sáng tạo bởi vì chúng ta cần tư duy phản biện để đánh giá và cải thiện các ý tưởng sáng tạo.

Tư duy phản biện là khả năng xác định, phân tích và đánh giá ý tưởng, tình huống và thông tin để hình thành phản ứng cho các vấn đề. Đây là một kỹ năng được nhiều lãnh đạo doanh nghiệp sử dụng để đưa ra quyết định.

Làm sao giáo dục trẻ cách tư duy phản biện là mối quan tâm của nhiều bậc cha mẹ. Ảnh: New Zealand Educatino.

Máy tính có thể tốt trong việc lưu trữ và phân tích thông tin, nhưng chúng không thể áp dụng dữ liệu vào việc phát triển các giải pháp liên quan. Do đó, điều quan trọng đối với người lao động là có thể suy nghĩ chín chắn, vì họ có thể sử dụng kỹ năng này để tạo điều kiện cho việc ra quyết định trong công ty. Điều này biến họ trở thành những đầu tàu lèo lái công ty.

Theo Zing

http://news.zing.vn/nhung-ky-nang-quan-trong-hang-dau-trong-thoi-dai-so-post924475.html