Trong báo cáo “Triển vọng ngành sau khủng hoảng dịch bệnh Covid-19”, YSVN ước tính một số ngành sẽ tăng giá mạnh sau khủng hoảng theo thứ tự: Dịch vụ và giải trí, Bán lẻ, Dịch vụ tài chính, Oto và phụ tùng, Ngân hàng.
Dữ liệu của YSVN cho thấy, chỉ số ngành hiện tại vẫn chưa giảm sâu như giai đoạn 2008 - 2009.
Ở giai đoạn khủng hoảng, ngành Dịch vụ tài chính và Du lịch - giải trí giảm mạnh nhất, và cũng chính 2 ngành này tăng mạnh nhất sau đó. Trong khi ngành Dịch vụ tài chính sẽ phản ứng và đạt đỉnh cùng với chỉ số VN-Index thì ngành Du lịch - giải trí biến động và đạt đỉnh của chu kỳ trước chỉ số VN-Index khoảng 2-3 tháng.
Các cổ phiếu ngành Y tế, Điện nước xăng dầu khí đốt, Thực phẩm và đồ uống, Ngân hàng ít bị ảnh hưởng bởi khủng hoảng. Điều này có thể lý giải vì đây là các ngành cung cấp các sản phẩm và dịch vụ phục vụ nhu cầu thiết yếu của người dân.
Thống kê diễn biến chỉ số các ngành trong khủng hoảng (Nguồn: YSVN)
|
Đáng chú ý, Ngân hàng là ngành nằm trong top 6 ngành giảm thấp nhất trong giai đoạn khủng hoảng nhưng sau đó thì lại tăng trưởng rất tốt và phản ứng sớm so với thị trường chung.
YSVN giả sử 2020 là năm suy thoái và tình hình diễn biến xấu hơn có thể gây ra khủng hoảng kinh tế toàn cầu tương tự giai đoạn 2008-2009 thì xem 2019 là năm trước khủng hoảng.
Nếu so sánh với đỉnh điểm năm 2019 thì thời điểm hiện tại rất nhiều nhóm ngành đã giảm rất sâu. Diễn biến giữa các nhóm ngành có một số điểm tương đồng vào thời điểm 2008, ví dụ: Dầu khí, Bảo hiểm, Oto và phụ tùng, Bán lẻ đã giảm gần 50%. Các ngành giảm ít nhất bao gồm: Y tế, Hàng cá nhân và gia dụng, Công nghệ thông tin.
Dựa trên một số điểm tương đồng và đặc thù sự ảnh hưởng tới kinh tế của dịch Covid 19, YSVN ước tính sau giai đoạn khủng hoảng một số ngành sẽ tăng giá mạnh theo thứ tự như sau: Dịch vụ và giải trí (đạt đỉnh trước VN-Index khoảng 3 tháng), Bán lẻ (đạt đỉnh trước VN-Index khoảng 5 tháng), Dịch vụ tài chính (đạt đỉnh cùng VN-Index), Oto và phụ tùng (đạt đỉnh cùng VN-Index), Ngân hàng (đạt đỉnh trước VN-Index khoảng 5 tháng).
Yuanta cho rằng biến động các chỉ số ngành phản ánh rõ tình hình kinh tế cũng như khó khăn đang gặp phải của các doanh nghiệp trong ngành trước tình hình dịch bệnh Covid-19.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa hai tháng đầu năm 2020 tăng trưởng 8,3%, giảm so với mức 12,2% của năm 2019 và 10,1% của năm 2018. Khả năng lớn con số này tháng 3/2020 còn thấp hơn nữa.
Số lượt khách quốc tế đến VN tháng 2/2020 giảm 37,7% so với tháng 1/2020 và giảm 21,8% so với cùng kỳ 2019 đều ảnh hưởng không chỉ tới lĩnh vực du lịch, giải trí mà bán lẻ cũng chịu tác động không kém.
Các doanh nghiệp điện tử, dệt may, lắp ráp oto thiếu nguồn cung nguyên vật liệu do phần lớn nhập khẩu từ Trung Quốc.
Điều may mắn là tình hình dịch bệnh Trung Quốc trong gần 1 tháng qua đã có những tín hiệu tích cực và các doanh nghiệp đã bắt đầu hoạt động trở lại. Tuy nhiên, gần đây cuộc chiến giá dầu giữa Nga - Saudi Arabia và nguy cơ leo thang quân sự ở Syria khiến giá dầu lao dốc, sẽ là một áp lực với các doanh nghiệp dầu khí.
Trước động thái nới lỏng chính sách tiền tệ của Fed và các nước trên thế giới, NHNN đưa ra một số chính sách giảm lãi, gia hạn nợ, giảm lãi suất huy động, cho vay các kỳ hạn. Việc gia tăng đầu tư công nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế sẽ tác động tích cực tới các doanh nghiệp hạ tầng, xây dựng./.