NHNN: Không ngân hàng nào cho doanh nghiệp vay tiền mua đấu giá đất Thủ Thiêm

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Lãnh đạo NHNN cho hay, hiện chưa có ngân hàng nào cho 4 doanh nghiệp trúng đấu giá đất Thủ Thiêm vay tiền để đặt cọc.

Thông tin này được ông Nguyễn Văn Du – quyền Chánh thanh tra Cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng (NHNN) - chia sẻ tại buổi họp báo triển khai nhiệm vụ ngành ngân hàng năm 2022, tổ chức chiều 15/1.

NHNN trước đó yêu cầu tất cả các tổ chức tín dụng rà soát và báo cáo về hoạt động cho vay, dự thầu và đặt cọc tiền để tham gia đấu giá quyền sử dụng đất ở Thủ Thiêm, Tp. HCM.

Theo ông Du, đến nay, hầu hết các tổ chức tín dụng đều đã có báo cáo về vụ việc, chỉ còn một vài tổ chức tín dụng chưa báo cáo và xin báo cáo muộn vài ngày. Bên cạnh đó, NHNN còn rà soát qua Trung tâm Thông tin Tín dụng (CIC) về việc cấp tín dụng cho các doanh nghiệp tham gia, trúng đấu giá quyền sử dụng đất ở Thủ Thiêm.

“Kết quả rà soát cũng cho thấy, không có tổ chức tín dụng nào tham gia cho vay đặt cọc đấu giá đất Thủ Thiêm liên quan đến 4 công ty trên," ông Du nói.

Trước đó, Vietcombank và SHB đã phát đi thông báo cho biết chưa phát sinh bất kỳ khoản cấp tín dụng nào liên quan tới Công ty TNHH Đầu tư Bất động sản Ngôi Sao Việt, Công ty TNHH Đầu tư và Kinh doanh Thương mại Bình Minh, Công ty cổ phần Dream Republic và Công ty cổ phần Sheen Mega.

Như VietTimes từng đề cập, các doanh nghiệp kể trên sẽ phải nộp 37.347 tỉ đồng tiền sử dụng đất và lệ phí trước bạ. Tuy nhiên, Tân Hoàng Minh đã lên tiếng về việc xin bỏ cọc.

Cũng tại buổi họp báo, ông Đào Minh Tú – Phó Thống đốc thường trực NHNN – cho biết, bất động sản, đặc biệt là các dự án bất động sản có yếu tố đầu cơ, sẽ là một trong những nhóm đối tượng sẽ được ngành ngân hàng kiểm soát chặt chẽ dòng vốn trong năm 2022.

Trong năm 2022, NHNN sẽ tiếp tục chỉ đạo tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả. Dòng vốn từ các tổ chức tín dụng tập trung ưu tiên cho lĩnh vực sản xuất, kinh doanh; lĩnh vực khó khăn do dịch như du lịch, vận tải, lưu trú… Trong khi đó, dòng vốn vào bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp, chứng khoán… sẽ được kiểm soát chặt chẽ, thậm chí chặt hơn năm 2021./.