Phóng viên đã có cuộc trò chuyện rất cởi mở về những thành công, thất bại và cả bài học mà ông đã rút ra sau những sai lầm khó quên với ông trong cuộc đời mình.
PV: Tháng 4/2014 vừa rồi, khi ông trở thành chủ tịch HĐQT Ngân hàng Đông Á, nhiều người nói rằng đây là quyết định có phần “mạo hiểm” của ông trong thời điểm hệ thống ngân hàng đang đối mặt với quá nhiều khó khăn, người thì dính vòng lao lý, người thì gặp thất bại nặng nề?
Ông Cao Sĩ Kiêm: Ngân hàng luôn là lĩnh vực rất nhạy cảm. Sau nhiều năm đổi mới, hệ thống ngân hàng đã bước một bước rất xa trong việc hội nhập kinh tế đi theo nguyên tắc thị trường.
Nhưng sự chuẩn bị của hệ thống cho sự phát triển này vẫn chưa thực đồng đều, đặc biệt là về nhân sự và phương pháp quản lý, dẫn đến những rủi ro và tổn thất cho cả hệ thống ngân hàng. Mấy năm vừa qua, ngoài kinh tế đi xuống, ngân hàng là một trong những lĩnh vực chịu nhiều rủi ro mất mát nhất do cách quản lý lỏng lẻo, không đáp ứng được yêu cầu.
Tôi tham gia vào công tác ngân hàng từ những ngày đầu đổi mới từ lúc thiết kế chính sách cho đến giờ, nên ít nhiều tự tin rằng mình đã có chút ít kinh nghiệm. Và tôi tự tin là mình vẫn còn sức đóng góp cho ngành ngân hàng vượt qua những khó khăn hiện tại.
Thời điểm tôi nhận chức chủ tịch Hội đồng quản trị, Ngân hàng Đông Á đang gặp khó khăn về nhân sự. Mà tôi chính là người cấp phép cho Ngân hàng Đông Á, có nhiều gắn bó với ngân hàng này, nên khi anh em đưa ra lời đề nghị, tôi đã suy nghĩ rất lâu và quyết định nhận lời giúp một thời gian - chỉ một thời gian thôi.
Đông Á không phải một ngân hàng quá mạnh, nhưng là một ngân hàng có sự phát triển ổn định, có nền tảng qua một giai đoạn dài kể cả về định hướng và nhân sự. Ngoài việc giúp Đông Á vượt qua khó khăn, tôi hy vọng mình sẽ giúp Đông Á đào tạo được đội ngũ cán bộ chiến lược cho sự phát triển lâu dài.
Dĩ nhiên đây là thời điểm hết sức khó khăn, khi mà tôi đã chứng kiến nhiều lãnh đạo ngân hàng gặp sai lầm và phải trả giá. Nhưng đó cũng lại là bài học, giúp tôi ý thức được rằng trong lĩnh vực kinh doanh ngân hàng, là người lãnh đạo ngân hàng, thì sự cẩn trọng trong công tác quản lý là điều được đặt lên hàng đầu. Khi anh quản lý chặt chẽ, phân công nhiệm vụ rõ ràng cho từng cá nhân, từng bộ phận, quản lý được cả hệ thống đó, thì rủi ro sẽ ở mức thấp nhất.
- Nhưng việc nguyên chủ tịch của ACB, cựu bộ trưởng Trần Xuân Giá bị khởi tố không làm cho ông e ngại rằng rất có thể mình sẽ đi theo vết xe đổ ấy?
Đấy là việc đầu tiên tôi phải nghĩ. Nhưng tôi tin ý thức làm việc đúng, nguyên tắc làm việc đúng sẽ giúp tôi tránh khỏi sai lầm đó. Ông Trần Xuân Giá là một trường hợp mà tôi cho rằng không chỉ tôi, mà nhiều người đều cảm thấy rất tiếc. Đó là một người rất giỏi về vĩ mô. Sai lầm của ông Giá có lẽ là ở việc quản lý những vấn đề vi mô, dẫn đến việc xảy ra những chuyện mà ông Giá đã không thể kiểm soát được.
- Việc rất nhiều lảnh đạo ngân hàng ngã ngựa trong mấy năm vừa qua, ngoài lỗi của cá nhân những người này, theo ông còn có nguyên nhân nào khác?
Nguyên nhân rất quan trọng mà tôi nhấn mạnh chính là công tác kiểm tra, kiểm soát của hệ thống còn kém. Ngoài ra, việc luôn đổi mới, hoàn thiện cơ chế chính sách cũng là yêu cầu bắt buộc. Bởi có những thứ hôm nay có thể đúng nhưng ngày mai lại thành sai hoặc ngược lại. Nên những người làm chính sách nếu nhanh nhạy, đủ trình độ, sẽ phải thay đổi cho kịp để phù hợp với yêu cầu mới.
- Qua những sự việc vừa rồi, ông có nhìn thấy những điểm yếu gì về cơ chế chính sách dẫn đến những sai phạm hàng loạt trong ngành ngân hàng thời gian qua?
Chính là công tác quản lý lỏng lẻo, công tác kiểm tra giám sát bị coi thường. Cộng với việc ngân hàng là ngành tạo ra lợi nhuận, khi lợi nhuận quá lớn, khiến nhiều ngân hàng bị lợi nhuận che mắt, thì việc sai lệch, vi phạm những nguyên tắc bắt buộc là điều không quá khó hiểu. Trong những vụ việc vừa qua, 70% có thể do cá nhân những lãnh đạo ngân hàng, 30% còn lại do cơ chế của chúng ta còn nhiều bất cập.
- Nhưng ngân hàng luôn đi kèm với lợi nhuận, vậy tại sao những sai phạm này không phổ biến từ cách đây 20 - 30 năm?
Khi đó chính xác thì chúng ta chưa hội nhập kinh tế thị trường một cách đầy đủ. Nền kinh tế thị trường có thể tạo ra lợi nhuận khổng lồ, nhưng cũng sẽ trừng phạt ta nặng nề nếu ta mắc sai lầm. Khi kinh tế phát triển, hội nhập mạnh, ngoài việc ngành ngân hàng phát triển trông thấy, thì nguy cơ đổ vỡ cả hệ thống ngân hàng cũng là thứ không thể coi thường.
Trước đây trong nền kinh tế bao cấp, ngân hàng không bao giờ phá sản. Bây giờ ngân hàng nào làm ăn kém, thua lỗ trong thời gian dài, không đủ sức cạnh tranh sẽ tất yếu bị giải thể. Đó là cái giá ta phải trả cho sự phát triển.
- Chủ tịch đầu tiên của Ngân hàng Techcombank, ông Hoàng Quang Vinh từng tâm sự với tôi, thời mới mở cửa, những người tham gia lĩnh vực ngân hàng thế hệ đó hầu như không có khái niệm gì về lĩnh vực này. Còn bản thân ông thì sao?
Năm 1959, tôi được học 6 tháng về nghiệp vụ ngân hàng rồi lên miền núi công tác, đảm nhiệm những công việc chuyên môn rất cụ thể rồi mới chuyển về quê tôi ở Thái Bình. Nhưng thời điểm đó, làm cán bộ ngân hàng đơn giản chỉ là làm theo mệnh lệnh, với nghiệp vụ đơn giàn chỉ là những người giữ tiền và chi tiền, hoàn toàn không có nhiệm vụ kinh doanh. Lỗ lãi là chuyện của Nhà nước. Bây giờ làm ngân hàng, nếu không làm tiền sinh sôi, nảy nở thì sẽ bị đào thải.
- Vậy với xuất phát điểm là tư duy làm ngân hàng theo kiểu bao cấp, khi nhận nhiệm vụ làm thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho giai đoạn đổi mới, ông có chịu nhiều áp lực?
Tôi có một may mắn là từ khi làm bí thư Huyện ủy rồi đến bí thư Tỉnh ủy, tôi đã phải đối mặt với những áp lực về sự chuyển đổi trong kinh tế, nên đã quen dần với việc nghĩ ra cách giải quyết với những tình hình mới. Nên khi đảm nhiệm vị trí thống đốc vào đúng giai đoạn đổi mới, tôi không bị choáng ngợp. Tôi là người thiết kế, cũng là người hành động trực tiếp trong việc đổi mới ngân hàng, từng bước một. Cả thành công và sai lầm đều có. Và đó đều là bài học.
Khi tôi làm bí thư Tỉnh ủy Thái Bình, ông Đỗ Mười gọi tôi lên, đề nghị tôi nhận cương vị thống đốc Ngân hàng. Lúc đó tôi nghĩ mình còn trẻ (40 tuổi), lại chưa có kinh nghiệm quản lý vĩ mô, cũng không được đi đào tạo ở nước ngoài như nhiều giáo sư, tiến sĩ, nên tôi đã xin được tiếp tục ở lại làm bí thư Tỉnh ủy Thái Bình. Lúc đó ông Đỗ Mười nói: “ Tôi 70 tuổi mà vẫn còn phải làm việc ngày đêm. Tại sao người trẻ như cậu mà đã e ngại nhiệm vụ mới. Trẻ thì chúng tôi mới điều lên, chỗ khó thì chúng tôi mới đưa các anh vào. Nếu những người trẻ các anh không vào thì ai vào?”.
Sau câu nói đó, tôi đồng ý nhận nhiệm vụ, với 3 điều kiện đặt ra: Một là phải xây nhà máy in tiền, để không phụ thuộc vào Liên Xô và Trung Quốc. Hai là phải xây dựng cơ chế hoạt động của ngân hàng cho phù hợp với đổi mới. Ba là được phép toàn quyền quyết định nhân sự. Và ông Đỗ Mười đã đồng ý với cả ba điều kiện đó.
Thời điểm tôi chính thức nhận nhiệm vụ, ngành ngân hàng chưa hề chuẩn bị cho đổi mới, kinh tế bị bao vây, trì trệ, lạm phát lên tới 700%. Con người hoàn toàn bao cấp. Nhưng tôi có tấm lòng và nhiệt huyết của tuổi trẻ.Tôi dành ra 6 tháng để gặp đội ngũ làm ngân hàng ở khắp các tỉnh, nghe họ đóng góp ý kiến, đồng thời cử 6 đoàn đi học nước ngoài.
Tự bản thân tôi cũng đi tất cả những nước mà tôi cho rằng cần phải học hỏi như Nhật Bản hay các nước châu Âu. Nói thật là khi đó, khoảng cách giữa họ và chúng ta là một trời một vực. Tất cả những gì chúng tôi có thể làm là học hỏi và lắng nghe. Tôi chủ trương cho anh em cái gì chưa biết thì hỏi.
Và tôi cho rằng cái quan trọng nhất mà chúng ta học được từ họ là bài học phải đổi mới dựa trên việc áp dụng nguyên tắc thị trường và đi theo nguyên tắc này. Hai pháp lệnh ngân hàng ra đời ngay sau đó, là nền tảng đầu tiên để chúng ta hoạt động theo nguyên tắc thị trường.
Một động tác rất quan trọng mà tôi làm khi đó là kết nối lại với ADB (Ngân hàng phát triển Châu Á).Sau khi thống nhất đất nước, chúng ta đã bị khai trừ ra khỏi ADB do nợ quá hạn. Điều kiện để trở lại tổ chức này là phải trả nợ cho họ. Tuy nhiên, ADB rất tạo điều kiện cho Việt Nam. Họ chỉ yêu cầu chúng ta trả nợ một cách tượng trưng.
Nghĩa là chúng ta sẽ thanh toán khoản nợ đó, và sau đó ADB sẽ “tặng” lại chúng ta toàn bộ số tiền đó và khoản nợ được xóa. Mục đích là chỉ để tránh những tiền lệ xấu sau này. Nhờ một số nước, trong đó Pháp, chúng ta đã thanh toán được khoản nợ 300 triệu USD và được kết nạp trở lại.
Chúng ta đã bước vào giai đoạn mở cửa với những khó khăn như thế. Nhưng cuối cùng, chúng ta đã vượt qua từng bước và được thế giới đánh giá rất cao về những gì đã làm được.
- Người ta nói thành tựu lớn nhất của ông khi còn nắm giữ cương vị Thống đốc là việc giảm lạm phát từ 700% xuống còn hơn 4%? Ông đã làm gì để giải bài toán đầy thách thức đó?
Thời kỳ đó, Việt Nam bị bao vây, cấm vận về kinh tế và bị lạm phát tiền hàng. Sau khi đi học tập các nước trên thế giới về, tôi đã đề xuất với Bộ Chính trị là phải tìm mọi cách để rút tiền về và tăng hàng ra. Đầu tiên chúng tôi nâng lãi suất tiết kiệm lên 240%/năm.Trong khi lãi suất cho vay chỉ là 10%. Phần chênh lệch cực kỳ lớn đó Nhà nước phải chịu. Đó là cái giá phải trả cho đổi mới.
Chỉ trong một vài tháng, Ngân hàng Nhà nước thu được về một nửa số tiền đang lưu hành trên thị trường. Để tăng hàng hóa trên thị trường, lúc đó Chính phủ quyết định cho nhập hàng tự do.
Người đi xuất khẩu lao động ở nước ngoài được thoải mái mua hàng về buôn bán mà không bị đánh thuế. Nhờ những chính sách này, chúng ta đã dần thúc đẩy phát triển sản xuất, tạo ra hàng hóa trên thị trường. Việc thiếu ngoại tệ và vàng được chúng ta giải quyết bằng cách đi vay nước ngoài về bán để kiếm lãi. Cuối năm 1991, chúng ta giải quyết được lạm phát, đến khi xuống 4,6% thì ngừng lại.
- Thời điểm bắt đầu bắt tay giải quyết bài toán lạm phát, ông có tin mình sẽ thành công?
Tôi nhớ khi đó thủ tướng Phạm Văn Đồng có hỏi tôi: “Cậu có làm được không? Nếu thất bại, chúng ta sẽ chết”. Cũng có chính khách buộc tội tôi rằng đã “đem mìn vào phá tan ngành ngân hàng”. Nhưng tôi có một niềm tin chắc chắn là mình sẽ thành công. Tôi cũng nhận được sự ủng hộ tuyệt đối từ ông Đỗ Mười và ông Võ Văn Kiệt. Và sự thật thì chúng ta đã vượt qua những khó khăn đó.
- Nhưng như chính ông nói khi nãy, ông cũng đã phải trả giá cho sai lầm của mình?
Chắc là nhà báo nói đến câu chuyện Minh Phụng - Epco. Đó cũng là bài học lớn cho tôi trong sự nghiệp mấy chục năm công tác trong ngành ngân hàng. Khi vụ việc xảy ra, thiệt hại cho hệ thống ngân hàng là quá lớn. Và tôi, dù không trực tiếp liên quan đến vụ việc đó, nhưng vẫn phải chịu trách nhiệm vì ở cương vị người đứng đầu mà không kiểm soát được việc anh em các ngân hàng cho Minh Phụng - Epco vay tiền bừa bãi dẫn đến thất thoát 4 nghìn tỷ - một con số quá lớn lúc bấy giờ.
Khi đó, rất nhiều lãnh đạo Bộ Chính trị ủng hộ và bảo vệ tôi, nhưng áp lực từ dư luận là quá lớn. Khi giải trình về vấn đề này trước Trung ương, tôi vẫn nói tôi đã đặt ra quy chế, chỉ tiếc là chưa giám sát được anh em thực hiện đầy đủ cơ chế đó. Nên giờ tôi vẫn nói, công tác kiểm tra, kiểm soát trong ngành ngân hàng là một trong những yếu tố phải đặc biệt coi trọng.
Dầu vậy, tôi vẫn phải nói lại rằng, tuy Minh Phụng - Epco là một trong những vụ án rất nổi tiếng, với số tiền thất thoát hàng nghìn tỷ đồng đã khiến nhiều người nghĩ ngành ngân hàng mất trắng số tiền đó. Nhưng thực chất, sau khi phát mại tài sản của Minh Phụng - Epco, chủ yếu là bất động sản, các ngân hàng đã thu về được một khoản tiền lớn để khắc phục được hầu như toàn bộ hậu quả.
- Rời khỏi vị trí thống đốc Ngân hàng Nhà nước trong một hoàn cảnh không mấy vui vẻ, nhất là sau bao cống hiến đã được ghi nhận, ông có buồn?
Nói không buồn thì là nói dối. Tôi thực sự rất buồn sau biến cố đó. Nhưng như tôi đã nói, đôi khi chúng ta phải trả những cái giá cho sự phát triển. Cái khiến tôi buồn nhất là nhiều người chưa hiểu được những việc mình làm và những cái khó của tôi trong vụ việc đó. Được một cái là tôi không vì thế mà tự ái, bất mãn.
Sau vụ Minh Phụng - Epco, tôi về Ban Kinh tế Trung ương và vẫn tham gia Đoàn đàm phán WTO; tham gia ủy ban chỉ đạo Tây Nguyên, ủy ban chỉ đạo Nam Bộ rồi sau này tham gia Hội đồng Tiền tệ quốc gia. Tôi xóa đi nỗi buồn bằng cách tham gia vào nhiều hoạt động khác, chứng minh rằng mình vẫn còn có ích cho xã hội, cho đất nước. Quan điểm sống của tôi là phải như quả bóng, có thể đôi khi bị cuộc đời dìm xuống, nhưng chỉ cần có cơ hội, lại tiếp tục bật lên, không bao giờ đầu hàng.
- Việc ông là một trong những lãnh đạo ngân hàng có tuổi cao nhất hiện nay, theo ông là lợi thế hay bất lợi?
Sức khỏe và khả năng xông xáo bao giờ cũng là bất lợi của tôi so với những người trẻ. Nhưng bù lại, tôi có kinh nghiệm và sự từng trải. Tôi khắc phục điểm yếu của mình bằng cách tập hợp bên mình một đội ngũ có năng lực, phân công công việc cho họ và quản lý họ. Những gì thuộc về sở đoản của mình, tôi biết dùng người để bù đắp. Tôi nghĩ người làm quản lý ai cũng phải biết dùng người. Không ai đủ giỏi để làm hết mọi việc cả đâu.
- Vẫn còn quá sớm để đánh giá về nhiệm kỳ của ông ở Đông Á. Nhưng ông có thể đánh giá thế nào về tình hình ngân hàng của ông trong mấy tháng vừa qua, sau khi ông nhận cương vị này?
Bây giờ tôi có thể nói, con tàu Đông Á đã đi theo hướng mà tôi suy nghĩ để giải bài toán khó khăn, còn thực sự đi theo hướng mong muốn thì chưa được. Cả cơ chế, cả nhân sự và lề lối làm việc, hoàn thiện quá trình thanh tra, kiểm tra, giám sát đều là những nhiệm vụ của chúng tôi trong thời gian tới. Đó là nhiệm vụ lâu dài; không thể chỉ trong một vài tháng mà giải quyết dứt điểm.
- Ông đã rời khỏi vị trí thống đốc Ngân hàng Nhà nước khá lâu rồi, tại sao đến thời điểm này ông mới chọn quay trở lại với công việc?
Thực chất, tôi chưa bao giờ nghỉ ngơi một cách tuyệt đối. Tôi vẫn tham gia vào hoạt động ngân hàng không bằng cách này thì cách khác, ví dụ như giữ vai trò cố vấn, tham mưu cho các ngân hàng. Nhờ đó, tư duy của tôi về quản lý ngân hàng cũng không bị lỗi thời. Cộng với việc, Đông Á là ngân hàng tôi đã theo dõi một thời gian dài, nên tôi đủ tự tin là mình đã hiểu nó đủ để đảm đương vị trí này.
- Như ông đã nói, công tác kiểm tra, kiểm soát trong ngân hàng là vô cùng quan trọng để phòng ngừa những rủi ro. Vụ án Huyền Như hiện đang tạo ra một cuộc tranh cải pháp lý lớn, ngoài những sai phạm của Huyền Như, thì phải chăng bản thân một số ngân hàng đã để lộ ra những yếu kém nghiêm trọng trong công tác quản lý?
Sai lầm luôn do những con người cụ thể tạo ra. Nhưng nếu chúng ta có một cơ chế quản lý, kiểm tra, giám sát tốt, thì những con người cụ thể sẽ khó có thể phạm sai lầm, vì thực, tế con người cụ thể đâu làm việc một mình. Họ bị giám sát bởi cả một hệ thống cơ mà!
- Một ngày bây giờ ông phân chia thời gian thế nào cho công việc, gia đình và sự nghỉ ngơi?
Hầu như tôi vẫn dành phần lớn thời gian cho công việc. May mắn là vợ tôi rất thông cảm với chồng. Bà ấy đã quen với việc tôi đi công tác cả tháng không về từ hồi còn sống ở Thái Bình. Khi tôi nhận chức chủ tịch Hội đồng quản trị của Ngân hàng Đông Á, vợ tôi cũng ngăn cản, vì đã có những tấm gương tày liếp rồi.
Nhưng tôi đã hứa sẽ chỉ làm một thời gian, giúp Đông Á ổn định rồi nghỉ ngơi. Vì cũng đã đến lúc tôi dành thời gian cho cuộc sống riêng của mình. Những tai họa đã xảy ra với các lãnh đạo ngân hàng khác cũng là điều khiến vợ tôi và nhiều người xung quanh lo ngại thay cho tôi. Nhưng tôi tin với kinh nghiệm mà tôi tích lũy được, nhất là bài học lớn từ vụ Minh Phụng - Epco, tôi sẽ không để mình mắc phải những sai lầm như thế.
Theo ANTG