Nhìn lại khủng hoảng quan hệ Nga - Mỹ sau Chiến tranh lạnh

 Quá trình khủng hoảng trong quan hệ Nga - Mỹ sau Chiến tranh Lạnh hầu hết đều liên quan đến các cuộc xung đột hoặc khủng hoảng ở các nước khác.
Dù chiến tranh lạnh kết thúc nhưng quan hệ Nga - Mỹ vẫn căng thẳng - Ảnh: AFP
Dù chiến tranh lạnh kết thúc nhưng quan hệ Nga - Mỹ vẫn căng thẳng - Ảnh: AFP

Tháng 12.1991, Liên bang Xô Viết chính thức tan rã, đánh dấu sự kết thúc của thời kỳ Chiến tranh lạnh giữa khối NATO - đứng đầu là Mỹ - và khối Warsaw - đứng đầu là Liên Xô. 

Những tưởng Chiến tranh lạnh kết thúc thì quan hệ giữa Mỹ cũng như NATO với Liên bang Nga, quốc gia “thừa kế” pháp lý của nhà nước Xô Viết, sẽ êm đẹp. Thế nhưng mối quan hệ này đã nhiều lần rơi vào khủng hoảng, nhất là tại thời điểm hiện tại.

Hơn 20 năm kể từ khi Chiến tranh lạnh kết thúc, Nga, Mỹ vẫn là những nước lớn về chính trị, quân sự và kinh tế, cả hai đều đóng vai trò quan trọng là ủy viên thường trực Hội đồng bảo an Liên Hiệp Quốc, với chính sách đối ngoại mang tầm khu vực và quốc tế. 

Điều đáng nói là hầu hết những sự kiện trong các dấu mốc khiến quan hệ Nga - Mỹ khủng hoảng đều liên quan tới tình hình ở các quốc gia khác.

Năm 1999, NATO ném bom Nam Tư

Mối quan hệ vốn không bền vững giữa Nga và Mỹ đã trở nên căng thẳng vào tháng 3.1999 khi NATO tiến hành ném bom Nam Tư. Thủ tướng Nga lúc bấy giờ là ông Yevgeny Primakov đã nhanh chóng phản ứng khi nghe tin. 

Theo tờ  Los Angeles Times, dù đang trên đường tới Mỹ, ông Yevgeny Primakov ngay lập tức đã lệnh cho chuyên cơ quay đầu ngay giữa Đại Tây Dương và trở về Nga. Các nhà lãnh đạo Nga phản đối kịch liệt cuộc oanh tạc của NATO ở Nam Tư và quyết định tạm ngừng mọi quan hệ với khối quân sự do Mỹ đứng đầu.

Nga cáo buộc Mỹ đứng sau cách mạng màu

Nhìn lại khủng hoảng quan hệ Nga - Mỹ sau Chiến tranh lạnh ảnh 1Tại Georgia từng xảy ra cách mạng hoa hồng vào năm 2003 - Ảnh minh họa: Reuters

Những năm đầu thế kỷ 21, ở các nước thuộc Liên Xô cũ lần lượt xảy ra các phong trào chính trị được gọi là cách mạng màu. Điển hình như cuộc cách mạng hoa hồng ở Georgia vào năm 2003 hay cách mạng cam ở Ukraine năm 2004. 

Với những phong trào chính trị này, Nga cho rằng Mỹ đã lợi dụng tình hình xung đột khu vực với chiêu bài cách mạng màu nhằm phục vụ lợi ích của Washington.

Quan hệ Nga - Mỹ lại tiếp tục lạnh đi vì những cáo buộc này. Theo Trung tâm nghiên cứu quốc tế và chiến lược (CSIS) của Mỹ, Tổng thống Nga Vladimir Putin thời điểm đó đã đổ lỗi cho Mỹ, đồng thời cho rằng Mỹ “đạo đức giả” trong các cuộc cách mạng màu ở các nước láng giềng của Nga.

Xung đột Georgia - Nam Ossetia

Năm 2008, quan hệ giữa Nga và Mỹ lại trở nên mâu thuẫn với cuộc xung đột ở Georgia. Trong cuộc xung đột này, Nga cho rằng Georgia đã gây sự trước và hành động điều quân Nga sang đánh lực lượng Georgia là nhằm bảo vệ Nam Ossetia.

 Nga đồng thời cũng công nhận chủ quyền của Abkhazia và Nam Ossetia. Trong khi đó, Mỹ coi hành động của Nga là “xâm lược” và khăng khăng rằng Abkhazia và Nam Ossetia thuộc chủ quyền Georgia.

Không những vậy, ông Vladimir Putin, lúc đó là thủ tướng Nga còn cho rằng chính Mỹ đã dàn dựng và kích động Georgia trong cuộc xung đột này. Ông Putin cũng tỏ ý nghi ngờ về mối liên hệ giữa cuộc xung đột ở Georgia với cuộc tranh cử tổng thống đang diễn ra ở Mỹ.

Nhà lãnh đạo Libya, Gaddafi bị lật đổ và giết hại

Nhìn lại khủng hoảng quan hệ Nga - Mỹ sau Chiến tranh lạnh ảnh 2Nhà lãnh đạo Libya, Muammar Gaddafi bị lật đổ rồi sau đó bị sát hại vào năm 2011 - Ảnh: Reuters

Sự kiện này khiến độ tin cậy trong quan hệ Nga - Mỹ ngày càng xuống thấp. Năm 2011, nhà lãnh đạo Libya, Muammar Gaddafi bị lật đổ rồi sau đó bị sát hại. 
Dù ban đầu Nga chỉ bỏ phiếu trắng với nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc về việc can thiệp quân sự vào Libya, nhưng sau đó Moscow chỉ trích kịch liệt chiến dịch can thiệp quân sự này của NATO. 

Tổng thống Vladimir Putin, khi đó đang giữ chức thủ tướng, cũng cáo buộc Mỹ dính líu tới vụ hạ sát ông Gaddafi. Với một Libya khủng hoảng như những năm qua, Bộ Ngoại giao Nga thẳng thừng đánh giá tình trạng hỗn loạn ở Libya là hệ quả trực tiếp của sự can thiệp thô bạo, vô trách nhiệm mà Mỹ và các đồng minh NATO đã tiến hành ở Libya nhằm lật đổ chế độ Muammar Gaddafi.

Vụ sáp nhập Crimea và cuộc khủng hoảng miền đông Ukraine

Nhìn lại khủng hoảng quan hệ Nga - Mỹ sau Chiến tranh lạnh ảnh 3Cuộc xung đột ở miền đông Ukraine khiến quan hệ Nga - Mỹ trở nên tồi tệ nhất kể từ sau chiến tranh lạnh - Ảnh: Reuters

Năm 2014, thế giới chứng kiến bầu không khí vô cùng căng thẳng giữa hai cường quốc Nga, Mỹ và lần này liên quan tới cuộc khủng hoảng ở một quốc gia khác, Ukraine. Sau khi Nga quyết định sáp nhập bán đảo Crimea vào lãnh thổ của mình, Mỹ đã lên tiếng chỉ trích và áp đặt hàng loạt biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga. 
Chưa dừng lại ở đó, Mỹ còn cáo buộc Nga hỗ trợ cho lực lượng ly khai ở miền đông Ukraine, gây ra cuộc xung đột mà đến nay vẫn là một trong những điểm nóng trên chính trường quốc tế.

Cuộc khủng hoảng Ukraine trở thành nguyên nhân cho chính sách cô lập Nga, trước hết là việc loại Nga ra khỏi nhóm các nước công nghiệp phát triển G8, sau đó là hàng loạt sự lên án mang tên Nga “gây hấn” ở miền đông Ukraine. Các biện pháp trừng phạt của Mỹ và phương Tây cùng với sự sụt giảm giá dầu đã khiến nền kinh tế Nga lao đao.

Sự kiện này đánh dấu sự xuống thấp trầm trọng nhất trong quan hệ Nga - Mỹ kể từ sau chiến tranh lạnh. Trong các tuyên bố, các chiến lược an ninh cũng như tại các buổi họp báo, Mỹ đều thẳng thừng lên án và cáo buộc Nga. Trong khi đó, Nga bác bỏ mọi cáo buộc, đồng thời trả đũa bằng các lệnh trừng phạt khác.

Xung đột ở Syria

Nhìn lại khủng hoảng quan hệ Nga - Mỹ sau Chiến tranh lạnh ảnh 4Tình hình xung đột tại Syria hiện là điểm nóng trong quan hệ Nga, Mỹ - Ảnh: Reuters

Các cáo buộc và những lần lời qua tiếng lại mới nhất trong quan hệ Nga - Mỹ chính là về cuộc xung đột đang diễn ra tại Syria. Những động thái gần đây trên chiến trường Syria đã khiến Nga, Mỹ vốn đã bất đồng nay lại càng thêm nhiều cáo buộc lẫn nhau. 
Về quan điểm, Nga ủng hộ chính phủ của Tổng thống Assad và coi ông Assad là nhân tố quan trọng trong tiến trình hòa bình ở quốc gia Trung Đông này. Trong khi đó, Mỹ lại cần sự ra đi của ông Assad.

Đáng chú ý hơn là sau khi Nga chính thức tiến hành chiến dịch không kích trên lãnh thổ Syria, nhiều vấn đề mới lại nổi lên. Mỹ cho rằng Nga sẽ chỉ làm tình hình thêm căng thẳng, trong khi Nga tiếp tục hành động mạnh tay, thậm chí còn nhận được những sự tin tưởng của một số nước Trung Đông.

 Nhiều nhà phân tích cho rằng, Nga đang từng bước quay lại bàn cờ lớn của thế giới, vươn ảnh hưởng của mình ra phạm vi toàn cầu.

Hiện nay, mối quan hệ Nga - Mỹ đang ở mức rất thấp. Trong chiến lược quân sự quốc gia 2015, Mỹ không ngần ngại nêu tên Nga là mối đe dọa chính đối với an ninh của nước này. 

Trong khi đó, học thuyết quân sự mới của Nga chỉ rõ việc tăng cường quân sự của khối NATO và sự mở rộng phạm vi hoạt động của khối quân sự do Mỹ đứng đầu về phía biên giới của Nga là mối đe dọa chính từ bên ngoài đối với an ninh Nga.

Nhìn chung, bên cạnh những vấn đề mang tính hợp tác, Nga, Mỹ hiện nay đang có những bất đồng khiến cho mối quan hệ này vẫn chưa thể thoát khỏi khủng hoảng. Bất đồng trước hết liên quan tới sự mở rộng ảnh hưởng của NATO, đặc biệt là NATO đang tiếp tục mở rộng vào không gian hậu Xô viết.

Thêm vào đó, là hai cường quốc, Nga và Mỹ cũng cạnh tranh vị thế của mình trên trường quốc tế, cả hai đều không chịu để đối phương giữ vai trò lãnh đạo và vẫn ra sức thúc đẩy tầm ảnh hưởng của mình, thông qua các chính sách đối ngoại cũng như các hành động trên thực tế.

Theo Ngọc Mai - Thanh Niên