Nhiều ngân hàng sắp cạn ‘room’ tín dụng?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Hầu hết các ngân hàng đã gần chạm mức tín dụng được NHNN cấp ban đầu vào cuối quý 1/2022, theo SSI.
Nhiều ngân hàng cạn ‘room’ tín dụng
Nhiều ngân hàng cạn ‘room’ tín dụng

Thông tin này được nhóm phân tích của CTCP Chứng khoán SSI (SSI) đề cập tại báo cáo cập nhật ngành ngân hàng phát hành ngày 6/5/2022 với chủ đề “Đại hội cổ đông và cập nhật nhanh kết quả kinh doanh quý 1/2022”.

Theo quan điểm của SSI, Vietcombank và MBBank sẽ có một số lợi thế nhất định về tăng trưởng tín dụng so với các ngân hàng khác trong năm 2022, do hai ngân hàng này có kế hoạch tham gia hỗ trợ tái cơ cấu các ngân hàng “0 đồng”.

Bên cạnh đó, VPBank và HDBank cũng có tờ trình ủy quyền cho Hội đồng quản trị xem xét tham gia chương trình tái cơ cấu ngân hàng thương mại theo chủ trương của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), nhưng thông tin chi tiết chưa được công bố.

Cũng theo SSI, kế hoạch tăng vốn điều lệ được trình tại hầu hết các ngân hàng, ngoại trừ Sacombank và Techcombank. Việc tăng vốn điều lệ sẽ được thực hiện thông qua việc trả cổ tức bằng cổ phiếu (dao động từ 11,9% đến 50%) và phát hành cổ phiếu mới.

Bên cạnh đó, hầu hết các ngân hàng đều có kế hoạch lợi nhuận trước thuế năm 2022 khá khả quan với mức tăng trưởng trung bình 31% so với cùng kỳ, bất chấp xu hướng tăng của lãi suất huy động và việc siết trái phiếu doanh nghiệp và thị trường bất động sản của Chính phủ.

Cụ thể, VietinBank, Vietcombank và Techcombank là ba ngân hàng có kế hoạch tăng trưởng lợi nhuận thận trọng nhất với mức tăng trưởng dưới 20%. SSI cho rằng, Techcombank đã tính đến tác động của thị trường trái phiếu doanh nghiệp kém sôi động hơn trong năm 2022. Còn VietinBank và Vietcombank, việc đặt kế hoạch thận trọng là thông lệ thường thấy trong những năm gần đây.

Trong khi đó, VPBank, SHB và BIDV đặt kế hoạch tăng trưởng mạnh, lần lượt đạt 51% đến 103% so với cùng kỳ nhờ phí bancassurance trả trước (đối với VPBank) và áp lực dự phòng giảm mạnh (đối với BIDV và SHB).

Tỉ trọng dư nợ của các ngân hàng đối với ngành bất động sản, xây dựng và trái phiếu doanh nghiệp quý 4/2021 (Nguồn: SSI Research)

Tỉ trọng dư nợ của các ngân hàng đối với ngành bất động sản, xây dựng và trái phiếu doanh nghiệp quý 4/2021 (Nguồn: SSI Research)

SSI nhận thấy kết quả kinh doanh quý 1/2022 của các ngân hàng đều phù hợp hoặc vượt mục tiêu đặt ra tại Đại hội cổ đông, trừ trường hợp của OCB. Tuy nhiên, nhóm phân tích lưu ý rằng kết quả này chưa phản ánh hết tác động của những động thái siết hoạt động cho vay bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp.

“Trong bối cảnh hiện nay, chúng tôi ưu tiên các cổ phiếu có chất lượng tài sản tốt với tỉ trọng cho vay bất động sản và/hoặc đầu tư trái phiếu doanh nghiệp ở mức thấp”, SSI khuyến nghị./.