“Chưa bàn đến có hay không hiệu quả nghệ thuật từ những góc máy của “Những đứa trẻ có bầu”, điều đầu tiên là dự án cho thấy thiếu tính nhân văn, hình ảnh gây phản cảm” – Nhiều nhiếp ảnh gia cầm máy lâu năm, có danh tiếng, khi được hỏi đều nhận định chung như vậy về bộ ảnh “Những đứa trẻ có bầu” đang gây những ý kiến trái chiều.
Những tay máy nhà nghề đều cho rằng, nếu gọi là ảnh nghệ thuật thì chỉ có thể để tôn vinh vẻ đẹp, lòng trắc ẩn của tâm hồn, chứ khó phản ánh tệ nạn hay vấn đề xã hội. Tất nhiên vẫn có thể dùng phương tiện nghệ thuật như một cách hướng thiện, hướng mỹ, từ đó giúp con người sống tốt đẹp với nhau hơn. Nhưng để đạt được mục đích đó không được phép dàn dựng dẫn tới làm sai lệch sự thật.
“Nếu giả sử người chụp ảnh có đam mê, có tài năng và có tâm với các trẻ em không may bị gặp nạn ấu dâm, đi tìm kiếm gặp mặt các nhân vật từng bị xâm hại, trao đổi với người thân của họ, rồi dựng lại hiện trường, chụp hình, để có thể từ hình ảnh chuyển tải thông điệp chống lại nạn ấu dâm thì còn có thể được công chúng đón nhận, hoặc gây xúc động với người xem. Một bộ ảnh như thế thì thực sự có giá trị. Còn đằng này toàn bộ bộ hình là sự dàn dựng xa rời thực tế, nhìn qua đã thấy là giả rồi” - Nhiếp ảnh gia Trần Thế Phong chia sẻ.
Khi công bố rõ mặt của các nhân vật - người mẫu, sẽ rất có hại cho cuộc đời của các em khi lớn lên
|
“Bộ ảnh “Những đứa trẻ có bầu” rất phản cảm, gây ám ảnh đen tối tới công chúng. Giả sử mấy bé sắp 18 tuổi tới đây sẽ có bạn trai, rồi các bạn trai của họ search lại hình ảnh trên internet, tưởng đây là sự thật, vì bây giờ thật giả lẫn lộn rất khó phân minh, thì rất có hại cho cuộc đời của các em. Là người cầm máy, tôi không bao giờ chụp những hình ảnh kiểu này vì thiếu tính nhân văn” - Nhiếp ảnh gia Trần Thế Phong khẳng định.
Nhiếp ảnh gia Dzũng Nguyễn Art cho rằng có thể tác giả bộ hình có ý đồ tốt, nhưng vì dàn dựng quá đà nên đã gây tác dụng ngược lại.
“Tác giả còn quá trẻ, non tay, thái quá trong sắp đặt, dẫn tới tác dụng cảnh báo ít hơn là hậu quả khiến người xem ghê sợ. Các nhân vật trong bộ ảnh đều được công bố rõ mặt, mắt mở to, nhìn thẳng vào ống kính; đây là điều tối kỵ với các bộ ảnh có nội dung tương tự. Người cầm máy không bao giờ nên để rõ mặt người mẫu như vậy, có thể dùng thủ pháp khác, che mặt bằng ánh sáng hoặc cắt cúp nhấn vào những ngón tay hoặc bụng bầu chẳng hạn” – Nhiếp ảnh gia Dzũng Nguyễn Art nói.
Có nhiều cách để thể hiện nội dung về nạn ấu dâm hơn là công bố rõ mặt các người mẫu, đặc biệt là dưới mỗi ảnh đều dày đặc thông tin quảng bá ekip
|
Nhiếp ảnh gia Lý Minh Phú cũng cho biết: “Đã có quá nhiều câu chuyện người mẫu bị hiểu lầm, ảnh hưởng tới đời tư từ những hình ảnh quay hoặc chụp khi đang làm việc. Theo tôi, có nhiều cách để thể hiện nội dung, thông điệp về nạn ấu dâm hơn là công bố rõ mặt các người mẫu lên như vậy. Ngay bây giờ công chúng có thể nhận biết đây là hình ảnh minh họa, chứ sau một thời gian nữa thì với nhiều biến cố có thể xảy tới, nhiều sự thay đổi thêm thắt thông tin vào ảnh và lan truyền trên các trang mạng xã hội, để phục vụ cho những mục đích khác nhau, thì hình ảnh các bé gái này sẽ có thể bị lợi dụng mà người sở hữu bản quyền không thể nào kiểm soát được”.
“Ví dụ như sẽ có những người có dụng ý xấu có thể copy hình ảnh và ghi thêm các thông điệp quảng cáo, hoặc đưa hình ảnh các bé vào các nhóm kín của các đường dây buôn bán phụ nữ và trẻ em gái xuyên quốc gia. Là người cầm máy, tôi rất không đồng tình được với cách làm của ekip chụp hình này. Bộ hình “Những đứa trẻ có bầu” vừa phi nghệ thuật vừa quá thiếu nhân văn, nhiều tác hại. Không thể tưởng tượng được có những dự án như thế này” – Nhiếp ảnh gia Lý Minh Phú bày tỏ.
"Các nhân vật trong bộ ảnh đều được công bố rõ mặt, mắt mở to, nhìn thẳng vào ống kính; đây là điều tối kỵ với các bộ ảnh có nội dung tương tự" - Nhiếp ảnh gia Dzũng Nguyễn Art khẳng định
|
Bàn thêm về nghệ thuật hình ảnh của bộ hình “Những đứa trẻ mang bầu”, nhiếp ảnh gia Lý Minh Phú có ý kiến: “Để thực hiện những bộ hình với nội dung tương tự, setup phần ánh sáng và đưa ra concept cho ảnh thì bất cứ tay máy nào mới vào nghề cũng làm được. Nhưng loạt ảnh này chưa thể hiện được ngôn ngữ hình ảnh. Các ảnh quá cơ bản, o ép, khuôn mẫu, thiếu sáng tạo”.