Theo Cơ quan Hàng không Vũ trụ Nhật Bản (JAXA), việc phóng tên lửa Epsilon số 5 mang theo vệ tinh NanoDragon của Việt Nam sẽ phải đợi thêm một thời gian nữa.
Vào ngày 7/10 vừa qua, sự kiện phóng tên lửa Epsilon số 5 mang theo vệ tinh NanoDrago n của Việt Nam cùng 8 vệ tinh khác đã phải hoãn lại do yếu tố thời tiết bất lợi. Đây là lần thứ hai việc phóng tên lửa mang vệ tinh NanoDragon bị trì hoãn.
Trước sự quan tâm của giới truyền thông, Cơ quan Hàng không Vũ trụ Nhật Bản (JAXA) – đơn vị chủ trì việc phóng tên lửa Epsilon số 5 mới đây đã ra thông báo về thời gian phóng tên lửa Epsilon số 5 mang theo các vệ tinh của chương trình “Trình diễn công nghệ vệ tinh sáng tạo 2”.
Theo thông báo này, không chỉ lễ phóng ngày 7/10 vừa qua, điều kiện thời tiết tại Trung tâm Vũ trụ Uchinoura ở tỉnh Kagoshima (Nhật Bản) trong thời gian tới không phù hợp để phóng tên lửa Epsilon số 5.
Mô hình tên lửa Epsilon số 5 và vệ tinh NanoDragon. (Ảnh: Trọng Đạt) |
Ngoài ra, theo Cơ quan Hàng không Vũ trụ Nhật Bản, tên lửa Epsilon số 5 và tên lửa H-IIA số 44 (cũng của Nhật Bản) có sử dụng chung một số thiết bị phóng. Do đó, lịch phóng mới của Epsilon số 5 sẽ được thông báo ngay sau khi Nhật Bản phóng thành công tên lửa H-IIA số 44. Theo kế hoạch, ngày phóng dự kiến của tên lửa H-IIA số 44 là 25/10.
Tên lửa Epsilon số 5 mang theo vệ tinh NanoDragon “Made in Vietnam” do các nhà khoa học thuộc Trung tâm Vũ trụ Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam chế tạo.
NanoDragon là vệ tinh dạng cubesat, lớp nano. Vệ tinh này nặng khoảng 4kg với kích thước 3U (100 x 100 x 340,5 mm). Toàn bộ quá trình nghiên cứu, thiết kế, tích hợp, thử nghiệm chức năng của vệ tinh NanoDragon hoàn toàn được thực hiện tại Việt Nam, bởi các cán bộ nghiên cứu của Trung tâm Vũ trụ Việt Nam (VNSC).
Sơ đồ bố trí các vệ tinh Cubesat trên tên lửa Epsilon số 5. |
NanoDragon dự kiến sẽ hoạt động tại quỹ đạo đồng bộ mặt trời ở độ cao khoảng 560 km. Vệ tinh NanoDragon được phát triển với mục đích chứng minh có thể dùng công nghệ chùm vệ tinh cỡ siêu nhỏ để thu tín hiệu nhận dạng tự động tàu thủy (Automatic Identification System - AIS) sử dụng cho mục đích theo dõi, giám sát phương tiện trên biển.
Trong lĩnh vực công nghệ vũ trụ, yêu cầu an toàn luôn phải giữ ở mức tuyệt đối. Đây là lý do khi phát hiện một điều gì đó bất thường, việc phóng tên lửa buộc phải dừng lại. Với thông báo mới nhất từ JAXA, sẽ phải mất thêm một thời gian nữa để vệ tinh NanoDragon của Việt Nam được đưa lên vũ trụ.
Theo Vietnamnet