Nhật Bản ban bố tình trạng khẩn cấp kéo dài 1 tháng

VietTimes -- Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe vừa ban bố tình trạng khẩn cấp trong nỗ lực chống đại dịch COVID-19 tại các thành phố đông dân cư đồng thời công bố một gói kích thích mà ông mô tả là lớn nhất nhì thế giới để hỗ trợ nền kinh tế.
Nền kinh tế Nhật Bản, lớn thứ ba thế giới, chịu ảnh hưởng nặng nề từ dịch COVID-19 (Ảnh: Reuters)
Nền kinh tế Nhật Bản, lớn thứ ba thế giới, chịu ảnh hưởng nặng nề từ dịch COVID-19 (Ảnh: Reuters)

Thủ tướng Abe đã ban bố tình trạng khẩn cấp tại thủ đô Tokyo và 6 tỉnh khác – chiếm khoảng 44% dân số Nhật Bản – trong khoảng thời gian là 1 tháng.

“Chúng tôi quyết định ban bố tình trạng khẩn cấp bởi chúng tôi cho rằng tình trạng lay lan nhanh chóng của virus corona trên toàn quốc sẽ gây ảnh hưởng to lớn tới cuộc sống người dân và nền kinh tế” – ông Abe phát biểu trước Quốc hội.

Nội các của ông cũng sẽ hoàn tất gói kích thích trị giá 108 nghìn tỷ Yen (990 tỷ USD) – tương đương 20% giá trị tổng sản lượng nền kinh tế Nhật Bản – nhằm giảm thiểu tầm ảnh hưởng của đại dịch đối với nền kinh tế lớn thứ ba thế giới. Con số 20% này vượt qua mức 11% trong gói kích thích của Mỹ và 5% trong gói kích thích của Đức.

Nhật Bản không bị xếp vào danh sách các “điểm nóng” dịch COVID-19 của thế giới, nhưng gần đây, số ca nhiễm tăng mạnh ở Tokyo, Osaka và một số khu vực khác khiến chính quyền của Thủ tướng Abe chịu sức ép phải ban bố tình trạng khẩn cấp.

Trong tuần trước, số ca nhiễm virus  corona ở Tokyo đã tăng hơn 2 lần, tính riêng trong ngày hôm nay, 7/4 đã tăng thêm 80 ca. Trên toàn quốc, số ca nhiễm đã vượt qua con số 4.00, với 93 ca tử vong.

Thủ tướng Abe nhấn mạnh rằng tình trạng khẩn cấp sẽ không bao gồm áp đặt lệnh phong tỏa như ở các nước khác. Tình trạng khẩn cấp cho phép các Thị trưởng kêu gọi người dân ở trong nhà, đóng cửa các cơ sở kinh doanh. Do không có các hình thức phạt những hành động vi phạm, việc thực thi chủ yếu dựa vào ý thức của người dân.

Thị trưởng Tokyo Yuriko Koike cho hay thành phố đang hỏi ý kiến chính phủ để quyết định xem những loại cơ sở nào cần phải đóng cửa, ngoài ra nhấn mạnh rằng việc đi mua thực phẩm và thuốc men không bị hạn chế.

Không thiếu thực phẩm

Chính phủ Nhật Bản sẽ không yêu cầu các công ty đường sắt giảm chuyến, theo ông Abe. Các cơ sở hạ tầng thiết yếu khác như bưu điện, máy rút tiền, ngân hàng, cửa hàng tiện ích cũng không bị ảnh hưởng; theo kênh NHK.

Bộ trương Nông nghiệp, Lâm nghiệp và Ngư nghiệp Taku Eto cũng kêu gọi các chủ cơ sở kinh doanh bình tĩnh. “Chúng tôi yêu cầu người dân chỉ mua những thứ mà họ cần, và khi họ cần tới chúng, bởi có đủ nguồn cung thực phẩm, trong khi các cơ sở thực phẩm không ngừng hoạt động” – ông nói.

Thế nhưng, tình trạng khẩn cấp sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực tới nền kinh tế lớn thứ ba thế giới, vốn đã trượt dần vào tình trạng suy thoái do gián đoạn chuỗi cung ứng và các lệnh cấm di chuyển.

Chỉ tính riêng Tokyo cũng đã chiếm khoảng 20% GDP của toàn Nhật Bản.

Nhật Bản có kế hoạch bán ra thêm lượng trái phiếu kỷ lục trị giá hơn 18 nghìn tỷ Yen để rót tiền cho gói kích thích kinh tế, trong khi khoản nợ khổng lồ của nước này đã lớn gấp đôi giá trị nền kinh tế.