Nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn (Ảnh: Hòa Bình) |
Ca khúc “Bài ca không quên” được Nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn sáng tác năm 1981 cho bộ phim cùng tên của đạo diễn Nguyễn Văn Thông. Nói về hoàn cảnh ra đời "Bài ca không quên", nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn tâm sự: “Trong bài hát, có một phần nỗi đau riêng của gia đình tôi nằm trong nỗi đau chung của đất nước, nỗi đau mất đi đứa con gái và nỗi đau âm thầm của bà xã Hồng Cúc, người nữ chiến sĩ năm xưa…”
“Năm 1964, con gái đầu của tôi chào đời, cả hai vợ chồng cùng hoạt động bí mật trong rừng nên phải nuôi con trong điều kiện chiến tranh vô cùng khó khăn, cực khổ. Lúc đau ốm, thuốc men thiếu thốn, đường sữa muốn có phải mua ngoài vùng tự do rồi nhờ người gửi vào. Thấy vợ vất vả nên tôi bàn với vợ gửi con về nhờ ngoại nuôi nhưng vợ tôi thương con, không muốn xa, dù trong điều kiện bom đạn chiến trường cũng đành cắn răng chịu đựng”.
Nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn mãi mãi không quên được những ký ức chiến tranh đau thương nhưng hào hùng
|
“Một hôm, tôi đang đi công tác ở Bến Tre, còn vợ tôi dẫn đoàn cán bộ 18 đồng chí đi qua đoạn có địch phục kích ở vùng giáp ranh Vàm Trãng Trâu – Tây Ninh; sợ con khóc sẽ bị lộ, địch có thể phát hiện ra đoàn mình, vợ tôi đành chọn cách cho con bú và áp thật sâu con vào bầu ngực. Nào ngờ khi trận càn đã qua thì phát hiện con gái bị ngạt thở. Cháu đã ra đi đau thương như thế. Vợ tôi gần như chết lịm đi. Còn gì đau hơn nữa khi con mất rồi phải để lại một mình tấm thân bé bỏng giữa rừng sâu trong đạn bom. Không thể chôn cất con cho chu đáo được, thời điểm chiến tranh lúc đó không cho phép.” – Nhạc sĩ “Bài ca không quên” hồi ức.
“Sau đó, rất nhiều lần trở lại chiến trường xưa nhưng tôi vẫn chưa tìm thấy mộ con gái của mình. Nỗi đau này đến giờ ai hỏi lại, tôi đều không dám để vợ trả lời. Đã mấy chục năm đi qua nhưng nỗi day dứt về đứa con bé bỏng vẫn luôn còn đó trong kí ức của vợ tôi” – Nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn xúc động nói.
Người nhạc sĩ mái đầu bạc run run kể: “Những năm căng thẳng đó và trong suốt 15 năm sau, tôi còn phải chứng kiến rất nhiều sự hy sinh của đồng đội, đồng chí của mình. “Bài ca không quên” tôi viết cho tất cả sự hy sinh của những người con anh dũng của đất nước, rất nhiều hoàn cảnh đau thương trong chiến tranh mà chỉ nghe kể thôi chúng ta phải soi mình trong đó, để hiểu có hòa bình hôm nay cha đã biết bao mồ hôi, nước mắt, và tính mệnh đã ngã xuống, nên “tôi không quên, tôi không thể nào quên”.
Nhắc đến vợ, nhạc sĩ nói bà chính là người “tài trợ” đắc lực về tình cảm cũng như trách nhiệm với ông trong cuộc sống này. Nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn nói về bà xã Hồng Cúc đã sống cùng ông hơn nửa thế kỷ bằng tình cảm đầy tự hào. Ông và bà quen nhau trong Đoàn Văn công Giải Phóng, có nhiều điểm chung nên dễ phát sinh tình cảm. Yêu và lấy nhau trong chiến trường, vừa là vợ chồng vừa là đồng chí nên cuộc hôn nhân may mắn hạnh phúc hơn nhiều người.
Nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn tâm sự rằng sau khi nghỉ hưu ông mất khoảng gần 5 năm mới lấy lại được cảm xúc âm nhạc để sáng tác. Bởi công tác làm quản lý nhà nước đã lấy đi thời gian của tâm hồn người nghệ sĩ. Ông quan niệm một người làm quản lý giỏi là người phải am hiểu về luật pháp, và hành pháp để không bị vướng vào thị phi. Quản lý theo ông là rất khó, nhất là với người nghệ sĩ, không phải ai cũng làm được. Vì thế, trong những ngày ông còn làm Phó Giám đốc Nhạc viện Thành phố Hồ Chí Minh (1976 - 1996), Phó Giám đốc Sở Văn hóa – Thông tin Thành phố Hồ Chí Minh (1996 - 2004) ông chỉ tập trung vào chuyên môn quản lý.
Gần đây nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn chọn cách đi thăm lại các địa danh lịch sử cách mạng trên dọc chiều dài đất nước Việt Nam, vừa để ôn lại những kỉ niệm chiến năm trường năm xưa, vừa tiếp tục nuôi dưỡng tâm hồn cảm xúc để có thể tiếp tục sáng tác.
Nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn đang ấp ủ viết bài hát mới dự kiến sẽ công bố vào dịp 30/4/2020 về một chiến sĩ cách mạng đã anh dũng hy sinh trước giờ toàn thắng. Cảm thấy may mắn khi đi qua chiến tranh bom đạn chiến trường mà vẫn còn lành lặn trở về, thế nên với nhạc sĩ giờ đây mỗi ngày sống đều là một bài ca không quên.