Hễ thấy tham nhũng "thò đầu" ra là đánh

VietTimes -- Trung Quốc tuyên bố, đối với các phần tử tham nhũng, nếu phát hiện được người nào tham nhũng thì kiên quyết xét xử người đó; đối với hành vi tham nhũng, khi phát hiện được hành vi nào thì kiên quyết sửa chữa hành vi đó. Hễ thấy tham nhũng "thò đầu ra" là đánh, ngăn chặn nó phát triển, lan tràn.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: Xinhuanet
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: Xinhuanet
Tờ Quang Minh Trung Quốc ngày 25/9 đăng bài viết của giáo sư Lý Vĩnh Thắng, Đại học Giao thông Tây An, nhà nghiên cứu Trung tâm nghiên cứu chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc tập trung đề cập đến công tác chống tham nhũng của Trung Quốc.
Theo bài viết, từ Đại hội 18 đến nay, Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc đứng đầu là ông Tập Cận Bình đã luôn thúc đẩy xây dựng tác phong trong sạch, làm nghiêm kỷ luật, luôn kiên trì "chống tiêu cực, diệt tham nhũng", kiên trì "không có vùng cấm, bao quát toàn diện, không khoan nhượng", quyết không cho phép có phần tử tham nhũng ẩn náu trong Đảng.
Điều này đã cho thấy Đảng Cộng sản Trung Quốc quyết tâm chống tham nhũng như thế nào, đã chỉ rõ phương hướng và tạo cơ sở cho "trị Đảng" toàn diện và nghiêm minh.
Trung Quốc chủ trương kiên quyết chống tham nhũng, xây dựng chính trị trong sạch, đây là lập trường chính trị được Đảng Cộng sản Trung Quốc kiên trì. Đây là thái độ không khoan nhượng đối với các phần tử tham nhũng.
Trung Quốc tuyên bố, đối với các phần tử tham nhũng, nếu phát hiện được người nào tham nhũng thì kiên quyết xét xử người đó; đối với hành vi tham nhũng, khi phát hiện được hành vi nào thì kiên quyết sửa chữa hành vi đó. Hễ thấy tham nhũng "thò đầu ra" là đánh, ngăn chặn nó phát triển, lan tràn.
Trung Quốc xác định hiện tượng tham nhũng là khối u ác tính ăn mòn "cơ thể" của Đảng và Nhà nước, đấu tranh chống tham nhũng liên quan đến sự tồn vong của Đảng và Nhà nước. Do đó, 5 năm qua, Trung Quốc luôn duy trì trạng thái "sức ép cao" trong cuộc chiến chống tham nhũng.
Trung Quốc đã luôn kiên trì "đả hổ, diệt ruồi", không có vùng cấm, không có "góc chết", trừng trị tham nhũng theo pháp luật, kỷ luật và nghiêm khắc, đã đạt được hiệu quả to lớn trong chống tham nhũng, xây dựng tác phong trong sạch. Môi trường chính trị và tác phong trong Đảng, trong Nhà nước có chuyển biến tốt rõ rệt, môi trường xã hội được cải thiện lớn.
Trong việc "tự quản lý" của Đảng Cộng sản Trung Quốc, Hội nghị Trung ương 6 khóa 18 chủ trương trước hết phải tự quản lý đời sống chính trị trong Đảng. Ông Tập Cận Bình chỉ đạo phải ngăn chặn Đảng biến chất, mục nát trong điều kiện cầm quyền lâu dài, coi đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng.
Điều này có nghĩa là Trung Quốc muốn cơ quan lãnh đạo đất nước của họ trước hết phải "tự quản lý" cho nghiêm, phải "trị Đảng" cho tốt, xây dựng chính trị trong sạch, làm trong sạch môi trường chính trị.
Trung Quốc xác định chống tham nhũng là một vấn đề lâu dài. Giành được thắng lợi trong xây dựng Đảng trong sạch và trong cuộc chiến chống tham nhũng là một "công trình hệ thống". Trong giai đoạn lịch sử mới, Trung Quốc muốn hoạch định thống nhất, thực thi chính sách tổng hợp, trị cả gốc lẫn ngọn, từ đó mới có thể thu được kết quả tốt.
Để làm được điều đó, giáo sư Lý Vĩnh Thắng đã chỉ ra một số giải pháp chống tham nhũng sau đây:
Trước hết, làm tốt xây dựng chế độ pháp quy về chống tham nhũng, xây dựng tác phong trong sạch, cải cách thể chế kiểm tra, kỷ luật trong Đảng, hoàn thiện cơ chế, thể chế chống tham nhũng, đặt sự vận hành quyền lực dưới sự giám sát của tổ chức Đảng và quần chúng nhân dân, hạn chế tối đa không gian lợi dụng quyền lực để thu vén cá nhân.
Ông Tập Cận Bình, Tổng bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc cho rằng về cơ bản, xóa bỏ mảnh đất làm nảy sinh và lan tràn tác phong không tốt và hiện tượng tham nhũng phải dựa vào chế độ pháp quy. Dựa vào tổ chức các cấp của Đảng và sức mạnh của nhân dân, không ngừng tăng cường và cải thiện các hoạt động xây dựng, quản lý, giám sát của Đảng.
Khi xây dựng tốt các chế độ, lập được các quy củ, đem việc xây dựng chế độ pháp quy vào các phương diện kiểm soát và giám sát quyền lực, đem quyền lực "nhốt vào lồng" của chế độ, làm cho quyền lực được phân phối khoa học hơn, vận hành chuẩn mực hơn, giám sát có hiệu quả hơn, phát huy vai trò khuyến khích và ràng buộc của các chế độ pháp quy.
Từ đó mới có thể xây dựng được "lá chắn" ngăn chặn hiện tượng tham nhũng nảy sinh và lan tràn. Trên cơ sở đó, công tác chống tham nhũng, xây dựng tác phong trong sạch mới thực hiện được theo hướng chế độ hóa, chuẩn hóa, khoa học hóa, hình thành cơ chế "không muốn tham nhũng, không thể tham nhũng, không dám tham nhũng".
Thứ hai, tăng cường tính kỷ luật của tổ chức Đảng, thực hiện trách nhiệm chủ thể và trách nhiệm giám sát trong chống tham nhũng, hình thành "tuyến cao áp" (gây sức ép cao) bằng kỷ luật.
Hội nghị Trung ương 6 khóa 18 Đảng Cộng sản Trung Quốc xác định, kỷ luật nghiêm minh là bảo đảm quan trọng để thống nhất ý chí, thống nhất hành động trong toàn Đảng, là nội dung quan trọng trong sinh hoạt chính trị của Đảng.
Vì vậy, Đảng Cộng sản Trung Quốc chủ trương thực hiện nghiêm kỷ luật Đảng, đưa kỷ luật lên đầu, dùng kỷ luật sắt để "trị Đảng" nghiêm minh.
Ông Tập Cận Bình cũng tập trung nhấn mạnh đến "trách nhiệm chủ thể" và "trách nhiệm giám sát", cho rằng phải tăng cường truy cứu trách nhiệm, không thể để chế độ thành "hổ giấy", "bù nhìn".
Theo đó, phải tăng cường tính kỷ luật trong tổ chức Đảng, làm rõ trách nhiệm chủ thể trong xây dựng tác phong trong sạch, trách nhiệm giám sát của ủy ban kiểm tra kỷ luật, đồng thời thực hiện chế độ "chịu trách nhiệm" một cách nghiêm túc, thông qua truy cứu trách nhiệm để làm cho kỷ luật trở thành "tuyến cao áp" trong Đảng, làm cho các hành vi, việc làm của cán bộ đảng viên bị ràng buộc chặt chẽ bởi các quy củ. Lấy kỷ luật nghiêm minh để đôn đốc, dẫn dắt, khuyến khích và thúc đẩy xây dựng Đảng trong sạch và công tác chống tham nhũng phát triển có chiều sâu.
Thứ ba, kiên trì trừng trị nghiêm minh, gia tăng mức độ trừng trị trong chống tham nhũng. Trị quốc trước hết phải trị quan, trị quan thì phải nghiêm minh. Trong tình hình cuộc chiến chống tham nhũng còn nghiêm trọng hiện nay, kiên trì trừng trị tham nhũng với thái độ không khoan nhượng.
Vừa dùng thuốc liều cao để trị bệnh, vừa kiên trì lâu dài, không lơi lỏng, thúc đẩy công tác chống tham nhũng bằng các biện pháp cải cách có hiệu quả hơn, gia tăng mức độ trừng trị tham nhũng, tập trung vào vấn đề tham nhũng và sự biến tướng của nó, nâng cấp thích hợp "phần mềm diệt virus", thực hiện chính sách chuẩn xác, điều trị đúng bệnh, đúng đối tượng, cắt bỏ hoàn toàn khối u tham nhũng trong cơ thể của đảng viên, gia tăng mức độ trừng trị tham nhũng, bảo đảm cho các phần tử tham nhũng bị trừng trị thích đáng, hình thành khả năng răn đe mạnh, ngăn chặn có hiệu quả sự nảy sinh và lan tràn của tham nhũng.
Cuối cùng, dùng niềm tin, lý tưởng để xây dựng phòng tuyến tư tưởng chống tham nhũng. Thông qua sinh hoạt, học tập và giáo dục chính trị trong Đảng, kiên định niềm tin, lý tưởng.
Chú trọng tu dưỡng và rèn luyện tính Đảng, tu thân "chí công vô tư", tu dưỡng văn hóa, giữ được cái gốc của chính trị, xây dựng phòng tuyến tư tưởng chống tham nhũng, chống biến chất, tăng cường bản lĩnh chính trị, đứng vững trên lập trường chính trị.
Làm cho mọi cán bộ đảng viên thực sự làm được "trong lòng có Đảng, trong lòng có dân, trong lòng có trách nhiệm, trong lòng biết dè chừng", để cho tôn chỉ "toàn tâm toàn ý phục vụ nhân dân" đi sâu vào trong lòng đội ngũ cán bộ đảng viên, kiên trì giữ giới hạn, kiềm chế lòng tham, làm tốt "tự ràng buộc", hình thành môi trường chính trị trong sạch, tăng cường khả năng miễn dịch, tiến hành đấu tranh đến cùng trong cuộc chiến chống tham nhũng.