Hãng tin Bloomberg dẫn một báo cáo của ngân hàng Goldman Sachs cho biết, chưa đầy 2% người lao động Trung Quốc kiếm được số tiền đủ để phải đóng thuế thu nhập.
Tại kỳ họp Quốc hội Trung Quốc đang diễn ra ở Bắc Kinh, các nhà lãnh đạo nước này đặt ra mục tiêu tạo ít nhất 10 triệu việc làm mới ở khu vực đô thị trong vòng 5 năm tới. Mục tiêu này sẽ chỉ có ảnh hưởng tới một phần nhỏ dân số Trung Quốc, nhưng vẫn sẽ là một “cú huých” lớn đối với tầng lớp trung lưu của nước này.
Những năm gần đây, thế giới dành nhiều sự chú ý cho xu hướng tiêu dùng hàng xa xỉ ở Trung Quốc. Tuy nhiên, nhu cầu các mặt hàng thiết yếu mới là câu chuyện nói lên nhiều điều hơn về cuộc sống thường nhật của người dân ở nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới.
Dưới đây là một số đánh giá về thu nhập và tiêu dùng của người Trung Quốc do Bloomberg điểm qua:
Phần đông người Trung Quốc kiếm tiền và chi tiêu ít hơn so với người Mỹ
Tạp chí Hồ Nhuận mới đây nói rằng thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc đã vượt qua thành phố New York của Mỹ về số tỷ phú. Ngoài ra, số người di cư từ nông thôn ra thành phố ở Trung Quốc đã đạt mức cao nhất trong lịch sử thời hiện đại.
Tuy vậy, mức lương trung bình hàng năm của người lao động ở Trung Quốc mới chỉ đạt 56.360 Nhân dân tệ, tương đương 8.655 USD, vào năm 2014. Goldman Sachs ước tính, 387 triệu lao động nông thôn Trung Quốc, tức khoảng một nửa lực lượng lao động của nước này, có thu nhập 2.000 USD/người/năm.
Cũng theo Goldman Sachs, người tiêu dùng Trung Quốc trung bình tiêu 7 USD/ngày. Thực phẩm và quần áo chiếm gần một nửa toàn bộ chi tiêu cá nhân; 9,2% dành cho các hoạt động giải trí như du lịch, ăn tại nhà hàng, thể thao, và chơi game.
Trong khi đó, một người Mỹ trung bình chi 97 USD/ngày, trong đó 17,3% dành cho các hoạt động giải trí
Quy mô gia đình ở Trung Quốc ngày càng nhỏ
Tính trung bình, có chưa đầy 3 người trong mỗi gia đình ở Trung Quốc trong năm 2014, từ mức khoảng 5 người vào thập niên 1950. Tình trạng mất cân bằng giới tính ở Trung Quốc là nghiêm trọng nhất thế giới: khoảng 115 bé trai được sinh ra, mới có 100 bé gái, so với tỷ lệ 107 bé trai và 100 bé gái của toàn cầu.
Từ năm 1979-2015, Trung Quốc thực hiện chế độ một con, nên sự mất cân bằng giới tính nghiêm trọng bắt nguồn từ đầu thập niên 1980. Nước này hiện đang thừa 33 triệu nam giới, và nhiều người trong số này có thể không bao giờ lấy được vợ.
Trong số dân ở độ tuổi lao động, những người độc thân và các gia đình nhỏ hơn thường có thu nhập khả dụng lớn hơn.
Khách du lịch Trung Quốc ít, nhưng chi tiêu nhiều
Chỉ 4% người Trung Quốc có hộ chiếu, so với tỷ lệ 35% của người Mỹ. Tuy nhiên, 4% này tiêu khoảng 200 tỷ USD ở nước ngoài mỗi năm, nhiều hơn du khách đến từ bất kỳ quốc gia nào khác - Goldman Sachs cho biết.
Tầng lớp trung lưu đô thị của Trung Quốc là đối tượng chi nhiều nhất cho du lịch. Goldman Sachs dự báo, 12% tầng lớp này sẽ có hộ chiếu trong vòng 1 thập kỷ tới.
Tầng lớp trung lưu Trung Quốc thích âm nhạc
Người Trung Quốc chi trung bình mỗi năm 86 USD/người cho các hoạt động liên quan đến âm nhạc, so với mức 152 USD ở Mỹ. Theo số liệu của Nielsen, 66% người tiêu dùng Trung Quốc nghe nhạc trực tuyến, so với tỷ lệ 75% ở Mỹ.
57% tầng lớp trung lưu ở Trug Quốc thích nghe nhạc sống, so với 51% dân số Mỹ nói chung.
Mua sắm trực tuyến ở Trung Quốc đang tăng trưởng chóng mặt
Mua sắm trực tuyến chiếm khoảng 16%, tương đương 672 tỷ USD, tổng tiêu dùng ở Trung Quốc. Một nửa hoạt động này diễn ra trên điện thoại di động - theo một nghiên cứu của công ty nghiên cứu thị trường eMarket.
Vào năm 2013, Trung Quốc chiếm 35% tổng chi mua sắm trên mạng của toàn thế giới. Theo ước tính, đến năm 2018, người Trung Quốc sẽ chi cho mua sắm trực tuyến nhiều hơn phần còn lại của thế giới.
Người Trung Quốc chi ngày càng nhiều cho chăm sóc sức khỏe
Từ năm 2004-2011, số tiền mà người Trung Quốc chi cho chăm sóc sức khỏe cá nhân đã tăng hơn gấp đôi, đạt mức 102,25 USD/người/năm, từ mức 51,05 USD/người năm. Cuộc sống khấm khá hơn và các chính sách của Chính phủ Trung Quốc đã gia tăng nhận thức của người dân về các vấn đề sức khỏe.
Doanh thu thị trường vitamin và thực phẩm chức năng ở Trung Quốc đã tăng bùng nổ trong những năm gần đây. Kế hoạch 5 năm lần thứ 12 công bố vào năm 2011 của Trung Quốc đã lần đầu tiên đề cập đến ngành dinh dưỡng và thực phẩm có lợi cho sức khỏe.
Công ty nghiên cứu thị trường Mintel dự báo doanh thu thị trường vitamin và thực phẩm bổ sung ở Trung Quốc sẽ đạt mức 5,3 tỷ USD vào năm 2017, tăng 214% so với cách đó 1 thập niên.
Theo VnEconomy