Khách sạn Waldorf–Astoria New York đang bị Tập đoàn HNA của Trung Quốc rao bán |
Tuy nhiên, gần đây các nhà đầu tư Trung Quốc bắt đầu bán tháo các bất động sản của họ... Sau khi cuộc Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung bùng nổ, để ổn định giá của đồng Nhân dân tệ, chính phủ Trung Quốc bắt đầu hạn chế việc đầu tư bất động sản ở Mỹ. Mới đây, An Bang đã quyết định rao bán cả gói 16 khách sạn ở Mỹ, trong đó có các khách sạn nổi tiếng như Waldorf–Astoria New York, InterContinental Hotel Chicago và Four Seasons Hotel Washington DC. An Bang không niêm yết rõ giá bán, dự định chỉ cần ai trả giá thích hợp là sẽ bán cả gói hoặc bán lẻ từng khách sạn. Các quỹ tài chính ở Trung Đông tỏ ra rất hứng thú về quyết định này.
Việc Mỹ tăng thuế suất đánh vào thép và nhôm nhập khẩu đã gây nên tranh chấp mậu dịch với Trung Quốc từ nửa năm nay rồi phát triển thành chiến tranh thương mại. Hiện nay nó đã và đang ảnh hưởng rõ đến kinh tế ở New York – trung tâm của kinh tế thế giới. Cục diện trở nên khá phức tạp vì còn bao gồm cả các nhân tố ngoài chiến tranh thương mại. Khi mà các công ty Trung Quốc ồ ạt bán các tài sản của họ, thị trường bất động sản ở Manhattan đang nổi cơn sóng ngầm.
Tập đoàn HNA đang bị Ủy ban xem xét đầu tư nước ngoài vào Mỹ (CFIUS) yêu cầu phải bán tòa nhà này ở gần Tòa tháp Trump Tower ở Manhattan
|
Xu thế này được phản ánh qua nhiều số liệu. Tạp chí Real Capital Analytics chuyên về bất động sản của Mỹ cho biết, các nhà đầu tư Trung Quốc quý 2 năm nay đã bán ra 1 tỷ 290 triệu USD nhà thương phẩm ở Mỹ, trong khi chỉ mua vào 126,2 triệu USD. Nếu xét về chuẩn theo quý thì đây là lần đầu tiên các nhà đầu tư Trung Quốc chuyển sang thuần bán ra trong vòng 10 năm qua, kể từ 2008.
Hiện tượng số nhà bán ra nhiều hơn số mua vào tới hơn 1 tỷ USD phản ánh thái độ của chính phủ Trung Quốc đối với việc đầu tư ở Mỹ đã thay đổi trong mấy tháng vừa qua. Mấy năm trước, sau khi chính phủ Trung Quốc dỡ bỏ lệnh hạn chế đầu tư ra nước ngoài, các nhà đầu tư Trung Quốc bắt đầu “càn quét” nhà đất Mỹ và gây nên sự chú ý qua các đợt phóng tay mua nhà ở Los Angeles, San Francisco và Chicago; trong đó nổi tiếng nhất là vụ Tập đoàn HNA mua khách sạn Waldorf–Astoria New York với giá gần 2 tỷ USD.
Các Tập đoàn Hàng không Hải Nam HNA và Tập đoàn Greenland Holding Group tuân theo yêu cầu của chính phủ về nhanh chóng giảm thiểu quy mô nợ nần đã ra sức bán tháo các tài sản ở Mỹ. Chiến tranh thương mại Trung - Mỹ ngày càng leo thang, đồng Nhân dân tệ mất giá càng đẩy nhanh tốc độ quản chế của chính phủ Trung Quốc.
Tờ The Wall Street Journal phân tích, cho rằng “Bắt đầu từ quả bom thuế quan của Donald Trump, quan hệ chính trị Mỹ - Trung ngày càng xấu đi, thậm chí đã ảnh hưởng đến thị trường địa ốc của Mỹ”. Đáng chú ý nhất là việc Tập đoàn HNA bị Ủy ban xem xét đầu tư nước ngoài vào Mỹ (CFIUS) yêu cầu phải bán tòa nhà ở gần Tòa tháp Trump Tower ở Manhattan. CFIUS là cơ quan tiến hành thẩm tra đầu tư của nước ngoài liệu có gây thành mối đe dọa cho an ninh quốc gia của Mỹ hay không; tuy nhiên họ không nói rõ nguyên nhân vì sao họ đề nghị HNA bán tòa nhà này, HNA năm 2016 đã mua 90% cổ phần tòa nhà ở Phố số 3 này, khi đó nó có giá 463 triệu USD.
Không chỉ các công ty Trung Quốc bán tài sản, các nhà đầu tư cá nhân nước này cũng đang thu hẹp hoạt động đầu tư ở Mỹ; đặc biệt số người Trung Quốc đầu tư để di dân theo diện EB-5 gần đây đang giảm đi rất nhiều. Luật EB-5 quy định, những ai đầu tư từ 500 ngàn USD trở lên sẽ được cấp quyền cư trú lâu dài ở Mỹ, vì vậy rất được giới nhà giàu Trung Quốc hoan nghênh. EB-5 mỗi năm hạn chế cấp 10.000 suất nhập cư, trong đó phần lớn đối tượng là người Trung Quốc; kim ngạch đầu tư diện này của người Trung Quốc có năm lên tới 400 triệu USD, nhưng nay chỉ còn khoảng 10 triệu USD.
Khu chung cư ven sông Hudson River ở Tây Manhattan vốn là nơi người Trung Quốc đổ về mua các căn hộ để ở và đầu tư, nhưng gần đây họ đã biến mất dạng. Hôm 11/8, ông Tô Trì Biên, chủ hãng địa ốc ARTES đã tổ chức hoạt động tham quan để chào bán các căn hộ 2 buồng ngủ 1 phòng khách ở tòa chung cư Phố 46 có giá 2,5 triệu USD. Ông nói: “Trước đây, người Trung Quốc kéo từng tốp cả chục người đến đây, nhưng nay không còn cảnh đó nữa. Bây giờ chỉ có những khách hàng Trung Đông và những người kinh doanh địa ốc người Do Thái ở bản địa New York tới mà thôi”.
Với việc số lượng căn hộ chung cư tiêu thụ ngày càng giảm, giá nhà cũng có xu thế xuống thấp. Một nhân vật trong giới kinh doanh nhà đất nói: quý 2 năm nay giá bình quân mỗi căn hộ chung cư mới ở Manhattan được bán chỉ 2,67 triệu USD, giảm 19% so với năm ngoái.
Cảnh tượng người Trung Quốc chen chúc mua nhà ở Mỹ mấy năm trước nay không còn nữa
|
Ngoài ra ở khu vực Flushing thuộc Queens County – nơi đã biến thành phố Tàu (Chinatown), hiện tượng người Trung Quốc tiêu tiền như nước cũng đã giảm nhiều. Iny Wen, một người môi giới bất động sản cho biết: “Hiện nay tuy vẫn có người Trung Quốc mua nhà, nhưng số người trả tiền một lần bằng tiền mặt đã không còn như trước”.
Ông K. Taylor, Phó giám đốc Real Capital Analytics nói: “Tôi cảm thấy rất bất ngờ, họ (người Trung Quốc) đang giảm mua vào, tăng bán ra”. Các nhà phân tích thị trường cho rằng quan hệ căng thẳng Mỹ - Trung gây nên bởi chiến tranh thương mại và vấn đề an ninh quốc gia là nguyên nhân khiến các nhà đầu tư Trung Quốc “thu tay”. Ông David Blumenfeld ở văn phòng luật Paul Hasting nói: “Không khí đầu tư địa ốc của người Trung Quốc ở Mỹ đã chịu ảnh hưởng mặt trái do sự thay đổi không khí địa chính trị”.