Shoji Kousaka, Phó chủ tịch Liên minh Chính quyền Kansai, đã luôn nghĩ người Nhật biết cách bảo vệ môi trường với tỷ lệ thu gom rác thải nhựa cao và những quy định nghiêm ngặt về tái chế, cho đến khi ông dành một buổi sáng mùa thu năm ngoái tham gia một đội tàu đánh cá ở vịnh Osaka.
Ông kinh ngạc khi thấy vô vàn vỏ chai soda, túi nylon, giấy gói đồ ăn và ống hút liên tục bị mắc kẹt trong lưới cùng với tôm, cá. Theo những gì đã thấy trong sáu giờ trên thuyền, ông Kousaka ước tính hơn 6,1 triệu phế liệu nhựa và khoảng 3 triệu túi nylon hiện vẫn đang nằm dưới đáy vịnh.
Giảm thiểu rác thải nhựa xả ra biển
Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm các nước G20 diễn ra cuối tuần qua tại Osaka, trong một trung tâm hội nghị cách vịnh nơi ông Kousaka phát hiện ra lượng rác thải nhựa khổng lồ trên chỉ khoảng một dặm.
Giảm thiểu rác thải nhựa xả ra biển là một đề xuất quan trọng của Thủ tướng Shinzo Abe khi Nhật Bản đăng cai tổ chức Hội nghị G-20. Chai lọ và dao dĩa nhựa dùng một lần bị cấm tại trung tâm truyền thông quốc tế và các phóng viên đều nhận được các set quà tặng gồm một chiếc cốc làm từ nhựa tái chế, in hình vẽ một chú rùa đang khóc bơi giữa những chai nhựa, ống hút và túi nylon nổi lềnh bềnh với chú thích “Hãy bảo vệ đại dương khỏi rác thải nhựa”.
Trong cuộc họp của các Bộ trưởng môi trường các nước G20 diễn ra trong tháng này tại Karuizawa, Nhật Bản, nhóm đã thống nhất sẽ tự nguyện tích cực nghiên cứu vấn đề và có các giải pháp làm sạch môi trường biển.
Theo ước tính của các nhà khoa học, 20 quốc gia này thải khoảng một nửa số phế liệu nhựa ra biển làm phá hủy hệ sinh thái, cản trở giao thông đường thủy và gây ô nhiễm đại dương.
Vấn đề không chỉ là xử lý đúng cách
Các nhà phê bình đã chỉ trích những biện pháp chỉ được nêu ra chung chung mà không đặt ra mục tiêu với cột mốc cụ thể. Nhưng các chuyên gia và những người ủng hộ cho rằng những biện pháp của nhóm G20 ít nhất cũng giúp cho vấn đề rác thải nhựa trên biển được công chúng chú ý.
Đối với Nhật Bản, nước có lượng rác thải nhựa bình quân đầu người lớn thứ hai thế giới chỉ sau Mỹ, vấn đề không chỉ là xử lý đúng cách.
Người Nhật thường được ca ngợi vì ý thức thu gom rác thải (như khi họ dọn sạch tất cả cốc và giấy gói đồ ăn của họ trước khi rời sân vận động trong kỳ World Cup trước), và cực kỳ cẩn thận trong việc phân loại rác thải để tái chế.
Tuy nhiên, thói quen sử dụng vật liệu nhựa đã ăn sâu vào lối sống của người Nhật, khi rau được bán trong siêu thị được gói riêng, đồ ăn phải được đóng 2 lớp bao bì và máy bán hàng tự động phân phối đồ uống đóng chai nhựa ở khắp nơi.
Trong khi hầu hết đô thị đều có hệ thống thu gom rác hiện đại với công suất cao (khoảng 70 đến 80% bao bì nhựa đã qua sử dụng, chai và túi nylon được thu gom bởi các công ty quản lý chất thải và sau đó được đốt hoặc tái chế), Bộ Môi trường Nhật Bản ước tính mỗi năm vẫn có khoảng 20.000 đến 60.000 tấn chất thải nhựa được xả ra biển.
Khi nói về vấn đề này, Thủ tướng Shinzo Abe nhấn mạnh phải đẩy mạnh cải tiến việc thu gom và tái chế rác thay vì giảm lượng bao bì nhựa mà người Nhật sử dụng.
Nhiều chuyên gia cho rằng điều đó không giải quyết tận gốc của vấn đề. Người tiêu dùng tại Nhật Bản cũng cho rằng việc đóng gói thực phẩm riêng rẽ và bọc quá nhiều lớp sử dụng nhiều bao bì nylon cũng là “thừa thãi” và lãng phí, thậm chí còn khiến họ mất công bóc tách ra khi sử dụng. Nhiều người cũng hoài nghi tác dụng của những đề xuất của ông Shinzo Abe.
Tại cuộc họp nhóm các nước G7 tại Canada năm ngoái, Nhật bản đã không ký cam kết giảm rác thải biển. Ngoài Nhật, chỉ duy nhất một quốc gia khác không ký là Mỹ. Trong hội nghị G20 lần này, các nước đã đồng ý được về "Tầm nhìn Biển Osaka Xanh", theo đó cắt giảm lượng rác thải nhựa đưa thêm vào biển xuống còn 0 vào năm 2050.
Một trong những vấn đề nhức nhối khác là các quốc gia phát triển giảm tải rác bằng cách xuất khẩu sang các nước nghèo hơn, nơi không có các hệ thống tái chế hiện đại.
“Đó là một sự lừa dối”, giáo sư Karen Raubenheimer thuộc trường Đại học Wollongong (Australia), một chuyên gia về chính sách rác thải biển, nói.
“Họ nói rằng họ đang tái chế rác rất nhiều, nhưng tái chế bao nhiêu trong nước và bao nhiêu gửi sang nước khác, không ai biết hay theo dõi được”.
Hai năm trước, Trung Quốc, nơi từng là “bến đỗ” của rác thải xuất khẩu, đã bắt đầu cấm hầu hết lô hàng rác thải nhựa. Các nước đang phát triển như Nhật Bản chuyển hướng đưa phế liệu nhựa sang các nước Đông Nam Á. Khi những quốc gia này không đủ khả năng tái chế tất cả, họ lại đổ ra biển.
Đồng thời, các nước đang phát triển lại gia tăng sử dụng nhựa như một phần của chương trình cải thiện an toàn vệ sinh thực phẩm bởi cứ cố gắng cắt giảm sử dụng nhựa có thể gây ra rủi ro cho sức khỏe của người dân ở các nước nghèo do thức ăn và đồ dùng bị nhiễm bẩn. Các chuyên gia đồng tình với mục tiêu giảm thiểu sử dụng nhựa nhưng điều này phải được thực hiện từng bước và khoa học.
Bình luận của bạn đọc
Bình luận bằng tài khoản VietTimes
Bình luận bằng tài khoản mạng xã hội
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu