Người đàn ông đầu tiên trên thế giới cấy ghép tim lợn thành công lên cơ thể

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Đây là một bước đột phá trong lĩnh vực y học và đem đến hy vọng về sự sống cho hàng trăm nghìn bệnh nhân suy tạng
Ca phẫu thuật diễn ra trong vòng 8 tiếng (Ảnh NYT)
Ca phẫu thuật diễn ra trong vòng 8 tiếng (Ảnh NYT)

Một người đàn ông 57 tuổi mắc bệnh tim đã được các bác sĩ cấy ghép thay thế thành công bằng một tim lợn. Đây là một bước đột phá trong lĩnh vực y học và nó đem đến hy vọng về sự sống cho hàng trăm nghìn bệnh nhân suy tạng.

Đây là ca cấy ghép tim lợn lên người thành công đầu tiên trên thế giới. Bệnh nhân là ông David Bennett hiện đang sống tại Mỹ. Ca phẫu thuật kéo dài 8 tiếng đồng hồ và nó được diễn ra tại Baltimore vào hôm thứ Sáu tuần trước. Đến hôm 10/1, bệnh nhân đã có những tiến triển tốt cho thấy cơ thể đã "chấp nhận" quả tim mới.

Tiến sĩ Bartley Griffith, Giám đốc chương trình cấy ghép tim tại trung tâm y tế, người thực hiện ca phẫu thuật, cho biết: "Quả tim mới đã tạo ra mạch, tạo ra áp lực, nó bây giờ đã là trái tim của ông ấy".

"Quả tim được cấy ghép đang hoạt động bình thường. Chúng tôi rất vui mừng vì điều đó. Tuy nhiên chúng tôi không biết chắc được rằng liệu nó còn hoạt động tốt trong khoảng thời gian sau đó không vì đây là một ca phẫu thuật chưa từng có".

Năm ngoái, khoảng 41.354 người Mỹ đã được cấy ghép nội tạng, hơn một nửa trong số họ nhận được thận, theo United Network for Organ Sharing. Tuy vậy tình trạng thiếu nội tạng vẫn diễn ra. Có hàng tá bệnh nhân vẫn tử vong vì không có nội tạng thay thế. Khoảng 3.817 người may mắn tại Mỹ đã nhận được tim từ những người hiến tặng vào năm ngoái, đây là con số lớn nhất từ trước đến nay. Tuy nhiên, số người cần được cấy ghép nội tạng lại cao hơn con số trên rất nhiều.

Nhận thấy tình trạng thiếu nội tạng thay thế trầm trọng, các nhà khoa học đã dày công nghiên cứu để tạo ra những con lợn đột biến. Những con lợn này có các nội tạng phù hợp để cấy ghép lên cơ thể con người. Nghiên cứu này đã được đẩy nhanh trong vòng một thập kỷ qua bằng các công nghệ nhân bản và chỉnh sửa gen mới. Ca ghép tim diễn ra chỉ vài tháng sau khi các bác sĩ phẫu thuật ở New York gắn thành công quả thận của một con lợn biến đổi gen vào một bệnh nhân chết não.

Các nhà nghiên cứu hy vọng những chương trình thí nghiệm này sẽ mở ra một kỷ nguyên mới cho ngành y học trong tương lai khi các cơ quan thay thế không còn bị thiếu hụt như trước.

Tiến sĩ David Klassen chia sẻ: "Những cánh cửa mới sẽ bắt đầu mở ra, tôi tin rằng sự đột phá này sẽ tạo ra những thay đổi lớn trong cách điều trị bệnh suy nội tạng".

Tuy nhiên, ông nói thêm rằng có nhiều rào cản cần phải vượt qua trước khi phương pháp cấy ghép này được áp dụng rộng rãi. Tiến sĩ David Klassen lưu ý rằng việc đào thải nội tạng xảy ra ngay cả khi một quả thận của người hiến phù hợp được cấy ghép. Ông nói: "Phải mất một thời gian dài thử nghiệm nữa để những ca phẫu thuật cấy ghép nội tạng kiểu này trở nên phổ biến".

Trường hợp của ông Bennet (bệnh nhân vừa thực hiện ca phẫu thuật cấy ghép tim lợn thành công) khá đặc biết. Bệnh nhân này buộc lòng phải đánh cược vào ca phẫu thuật này vì nếu không được thay thế quả tim mới, bệnh nhân này sẽ tử vong. Hơn nữa thể trạng của ông Bennet là quá yếu, không đủ điều kiện cho phép để cấy ghép quả tim từ người hiến tặng. Trước khi thực hiện phẫu thuật ông Bennet đã phải sử dụng máy tim phổi nhân tạo để duy trì sự sống.

Ông Bennet (bên phải) là người đầu tiên trên thế giới cấy ghép thành công tim lợn lên cơ thể (Ảnh: NYT)

Ông Bennet (bên phải) là người đầu tiên trên thế giới cấy ghép thành công tim lợn lên cơ thể (Ảnh: NYT)

Trái tim mới được cấy ghép đang hoạt động tốt, các bác sĩ cho biết ông Bennet sẽ được tháo máy tim phổi nhân tạo sau một vài ngày theo dõi nữa. 48 tiếng sau ca phẫu thuật là khoảng thời gian hết sức nhạy cảm, vì đây là khoảng thời gian mà cơ thể sẽ có những phản ứng nếu cơ quan nội tạng được cấy ghép không phù hợp. May mắn thay là đã không có phản ứng nào xảy ra đối với ông Bennet.

Ông Bennet cũng đang được các bác sĩ theo dõi các loại bệnh nhiễm trùng, bao gồm cả porcine retrovirus, một loại virus lợn có thể truyền sang người, mặc dù nguy cơ được coi là rất thấp.

Trước khi ca phẫu thuật diễn ra ông Bennet cho biết: "Tôi chỉ có hai lựa chọn, một là chết và hai là hy vọng vào ca phẫu thuật. Tôi muốn được sống vì vậy tôi sẽ chọn phương án hai, đó là cơ hội sống cuối cùng của tôi".

Tiến sĩ Griffith cho biết ông ấy đã thảo luận với bệnh nhân trước khi ca phẫu thuật được diễn ra. Tiến sĩ Griffith nhớ lại: "Tôi đã nói với Bennet rằng anh ấy không đủ thể trạng để cấy ghép một quả tim của người. Nhưng anh ấy có thể sử dụng một quả tim từ động vật, cụ thể hơn là từ một con lợn".

Xenotransplantation là phương pháp cấy ghép các cơ quan hoặc mô từ động vật sang người và phương pháp này đã có lịch sử từ rất lâu. Những nỗ lực sử dụng máu và da của động vật đã có từ hàng trăm năm trước.

Vào những năm 1960, thận của tinh tinh đã được cấy ghép thử sang con người, nhưng bệnh nhân sau đó sống lâu nhất cũng chỉ được 9 tháng. Năm 1983, một trái tim khỉ đầu chó được cấy ghép vào một đứa trẻ sơ sinh biệt danh là Baby Fae, nhưng cô bé đã chết 20 ngày sau đó. Sau khi thực hiện một số ca cấy ghép thất bại, các bác sĩ cho rằng họ nên cấy ghép nội tạng từ lợn vì lợn dễ nuôi và hơn hết nội tạng của chúng sẽ đạt được kích thước một người trường thành chỉ sau vài tháng chăn nuôi.

Van tim lợn sau đó thường xuyên được thu thập và cấy ghép thành công sang người. Một số bệnh nhân tiểu đường thậm chí đã được cấy ghép tế bào tuyến tụy từ lợn. Da lợn cũng được thu thập để dùng cho bệnh nhân bỏng.

Nội tạng từ lợn giờ đây đã có phần trăm khả năng thích ứng với cơ thể người cao hơn nhờ việc áp dụng công nghệ chỉnh sửa gen và nhân bản. Tiến sĩ Muhammad Mohiuddin, giáo sư phẫu thuật tại Trường Y Đại học Maryland đã cấy ghép thành công tim lợn lên khỉ đầu chó trước đó. Tuy đã đạt được một số thành công nhất định, nhưng những lo ngại về độ an toàn và những lo sợ về việc gây ra một số phản ứng miễn dịch nguy hiểm có thể đe dọa đến tính mạng của bệnh nhân đã ngăn cản việc áp dụng phương pháp cấy ghép này lên cơ thể người.

Trái tim cấy ghép cho bệnh nhân Bennet được lấy từ một con lợn biến đổi gen do công ty Revivicor cung cấp. Những con lợn đã được chỉnh sửa 10 gen để nội tạng của chúng không kích hoạt phản ứng miễn dịch đào thải trên cơ thể người.

Tiến sĩ Mohiuddin, người cùng với Tiến sĩ Griffith, đã thực hiện nhiều nghiên cứu trước khi bắt đầu quá trình cấy ghép cho biết, một gen tăng trưởng cũng bị làm bất hoạt để ngăn chặn quá trình lớn lên của tim lợn sau khi được cấy ghép.

Đây là một bước đi đột phá trong ngành y tế, mong rằng trong tương lai sẽ có nhiều hơn những ca phẫu thuật cấy ghép nội tạng động vật thành công, đem lại hy vọng về sự sống cho các bệnh nhân suy tạng.

Theo NYT