Sở dĩ Bhuiyan được biết đến với biệt danh đó là vì ông đã dành 30 năm cuộc đời để đào một con kênh nước dài 3 km. Đặc biệt, tất cả các công đoạn đều do chính tay ông tự làm.
Ngôi làng hẻo lánh của Laungi Bhuiyan nằm tại Kothilawa, thuộc khu vực Lahthua của quận Gaya, luôn đối diện với tình trạng thiếu nước, với phần lớn nước mưa đổ xuống những ngọn đồi gần đó, sau đó chảy ra sông, thay vì đổ về làng.
Đây được cho là một trong những lý do khiến một số cư dân quyết định chuyển đi nơi khác. Nhưng thay vì chạy trốn nơi này, có một người đàn ông “kỳ lạ” đã quyết định ở lại và khắc phục sự cố.
Cách đây 30 năm, Laungi Bhuiyan đã quyết định tự mình giải quyết vấn đề của làng bằng cách đào một con kênh dẫn nước từ những ngọn đồi đến một cái ao gần làng. Không có sự trợ giúp của ai nên trong suốt 3 thập kỷ đằng đẵng, một mình Bhuiyan đã sử dụng tất cả các dụng cụ cầm tay có sẵn để đào một con kênh rộng khoảng 1,2 m và sâu gần 1 m.
“Tôi đã mất 30 năm để đào con kênh dẫn nước đến một cái ao trong làng.”, Bhuiyan chia sẻ với ANI. “Trong 30 năm qua, tôi đã đến các khu rừng gần đó, vừa để chăn gia súc, vừa để đào kênh. Không một ai tham gia cùng tôi trong nỗ lực giải quyết vấn đề này. Nhiều dân làng đã dời đi và tìm đến các thành phố khác để kiếm kế sinh nhai nhưng tôi quyết định ở lại”.
Nằm cách trụ sở quận Gaya khoảng 80 km, Kothilawa được bao quanh bởi rừng rậm và núi. Vào mùa mưa, nước từ trên núi thường chảy thẳng đến một con sông gần đó. Nhưng từ khi Laungi Bhuiyan hoàn thành con kênh dài 3 km của mình, lượng nước trong khu vục đã được cải thiện. Theo con kênh, nước được dẫn về một cái ao gần làng, tạo điều kiện cho người dân địa phương trong chăn nuôi, thậm chí tưới tiêu cho cây trồng mà không lo thiếu nước.
“Ông ấy đã một tay đào con kênh trong 30 năm qua một cách bền bỉ.”, Patti Manjhi, người cùng làng với “Canal Man”, cho biết. “Điều này đã, đang và sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của một số lượng lớn động vật và cả việc tưới tiêu cho các cánh đồng. Ông ấy làm công việc này không vì lợi ích của riêng mình mà vì toàn bộ dân làng”.
“Rất nhiều người sẽ được hưởng lợi ở đây. Mọi người đang dần biết đến ông ấy vì những cống hiến này” – Ram Vilas Singh, một giáo viên địa phương, nói thêm.
Ông Bhuiyan trả lời phỏng vấn hãng thông tấn ANI (Ảnh: ANI)
|
Kể từ khi những thông tin về thành tích ấn tượng của Bhuiyan được lan truyền rộng khắp trên mạng xã hội, ông đã được đặt biệt danh là "Canal Man" (Người đào kênh), hay "Bihar's Second Mountain Man" (Người đàn ông đẽo núi thứ hai của Bihar).
Theo đó, đây là biệt danh được đặt cho Dasrath Manjhi, một nông dân không có đất đai ở Bihar đã bền bỉ đục đẽo một ngọn núi suốt hai thập kỷ với những công cụ thô sơ, để tạo ra một con đường dẫn đến làng của mình.
Một người dùng Twitter đã đăng tải câu chuyện đáng kinh ngạc này và gắn thẻ tỷ phú Ấn Độ Anand Mahindra, kêu gọi tỷ phú ủng hộ người hùng của Kothilawa bằng cách tặng Bhuiyan một chiếc máy kéo.
“Như bạn đã biết, tôi đã hồi âm rằng, tôi nghĩ kênh đào của Laungi Bhuiyan là một tượng đài ấn tượng, tựa như Taj hoặc Kim tự tháp. Tập đoàn Mahindra sẽ cảm thấy rất vinh dự nếu như Bhuiyan sử dụng máy kéo của chúng tôi” – vị tỷ phú trả lời.
Trong khi nhiều người lên mạng xã hội ca ngợi Laungi Bhuiyan vì sự kiên trì thì những người khác lại dùng câu chuyện ấy để chỉ trích các nhà chức trách Ấn Độ. Theo họ, các nhà chức trách không bao giờ ủng hộ Bhuiyan.
Một số người cho rằng, nếu chính phủ thực hiện đúng nhiệm vụ của mình, thì người đàn ông làng Kothilawa sẽ không phải vất vả trong suốt những thập kỷ qua, và người dân địa phương sẽ được hưởng lợi từ kênh nước sớm hơn.
Nhiều người khác đề nghị rằng, công việc của Laungi Bhuiyan cần được công nhận và ông xứng đáng được bồi thường theo các chế độ thích hợp.
Tóm lại, từ câu chuyện của Laungi Bhuiyan, chúng ta có thể thấy rõ thông điệp, rằng những con người bình thường vẫn có thể có sức mạnh phi thường với những thành tích đáng nể.
Đã có rất nhiều những con người như thế, như Hoàng Đại Pháp, người đục ba ngọn núi trong 36 năm để mang nước về làng, hay Jalandhar Nayak, người tự tay chạm khắc con đường đất dài 8 km để con cháu có thể đến thăm thường xuyên hơn.