Người dân Mỹ đã hết hứng thú với xe điện?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Các nhà sản xuất cần phải cắt giảm chi phí để giải quyết lượng xe điện đang bị tồn kho, nhưng đây là một nhiệm vụ hết sức khó khăn.

im-886751.jpg
Giá xe điện, chẳng hạn như xe do Tesla sản xuất, đang giảm (Ảnh: Bloomberg)

Sự quan tâm của người tiêu dùng Mỹ đối với xe điện dường như đang suy giảm, và cần có những thế hệ sản phẩm mới để khơi dậy sự hứng khởi của họ trong bối cảnh tình hình tài chính eo hẹp hơn.

Doanh số bán các mẫu xe chạy hoàn toàn bằng điện ở Mỹ đã ổn định quanh mốc 100.000 chiếc mỗi tháng trong nửa năm qua, sau một giai đoạn tăng trưởng đột biến trước đó. Hàng tồn kho ngày càng chồng chất và giá cả đang đi xuống, dẫn đầu xu hướng này là Tesla. Theo Cox Automotive, một chiếc xe điện mới trung bình được bán với giá khoảng 52.000 USD trong tháng 10, giảm so với mức 65.000 USD cách đây 1 năm.

Hiện chưa rõ sự chấp nhận xe điện ở Mỹ có thực sự đang bị đình trệ hay không, nhưng rõ ràng xu hướng này yếu hơn so với những gì mà các nhà sản xuất dự đoán.

Ford và General Motors đều đã giảm các khoản đầu tư cho xe điện, và ngay cả CEO Tesla, Elon Musk, trong hội nghị báo cáo hoạt động kinh doanh tháng 10 của công ty, cũng ám chỉ rằng ông có thể sẽ giảm tốc độ phát triển. Không chỉ ở Mỹ, việc điều chỉnh lộ trình đối với xe điện cũng diễn ra rõ ràng hơn ở cả châu Âu: Volkswagen đã tạm dừng kế hoạch xây dựng nhà máy pin thứ tư của họ.

Musk đổ lỗi cho môi trường lãi suất cao hơn, làm tăng số tiền lãi hàng tháng mà người tiêu dùng phải trả khi vay mua ô tô. Nhưng thị trường ô tô rộng lớn của Mỹ vẫn phát triển mạnh mẽ bất chấp môi trường tài chính thắt chặt hơn và giá xe trung bình vẫn ở mức cao, bởi vậy luận điểm mà Musk đưa ra chưa phản ánh được câu chuyện đầy đủ.

1.png
Doanh số bán xe điện ở Mỹ (Ảnh: Rho Motion)

Nguyên nhân lớn hơn có lẽ là từ nhóm người đam mê công nghệ giàu có, những người thúc đẩy làn sóng quan tâm đầu tiên đến xe điện, giờ đã sở hữu chúng. Nhóm người tiêu dùng tiếp theo có thể cần sự kết hợp giữa mức giá thấp hơn, cơ sở hạ tầng tính phí tốt hơn và các sản phẩm mới thiết lập tiêu chuẩn để thực hiện một bước chuyển đổi lớn. Toyota, dẫn đầu về xe hybrid, là một trong số ít nhà sản xuất cho biết họ đang tăng cường đầu tư trong thời gian gần đây.

Một số người mua xe điện tiềm năng có thể đang chờ đợi Model 3 được cách tân của Tesla, mẫu xe này vừa có mặt ở Trung Quốc và châu Âu nhưng chưa có mặt tại thị trường quê nhà của công ty này. Một lý do khác để chờ đợi là khoản ưu đãi thuế xe điện trị giá 7.500 USD của Mỹ: Bắt đầu từ năm tới, xe điện có thể được giảm giá ngay tại điểm bán hàng thay vì vài tháng sau khi nộp tờ khai thuế. Sự thay đổi này có thể giúp thị trường xe điện thăng hoa vào năm tới, nhưng rất khó để chắc chắn về điều này, bởi các nhà sản xuất cần phải tìm được bên cung ứng đủ điều kiện để nhận trợ cấp, trong khi những điều kiện này bị siết chặt hơn.

Thách thức giảm chi phí sản xuất

Lực cản mạnh mẽ nhất đối với quá trình chấp nhận xe điện có lẽ là giá cả. Một cuộc khảo sát được S&P Global Mobility công bố trong tháng này cho thấy chi phí là lý do chính khiến người tiêu dùng không sẵn sàng mua xe điện, tiếp đến là các vấn đề về sạc.

Trớ trêu thay, việc giảm giá không phải lúc nào cũng khiến xe điện có giá cả phải chăng hơn. Như nhà phân tích Mike Tyndall của HSBC chỉ ra, những chiếc xe được bán thông qua hợp đồng thuê phụ thuộc vào những dự báo chắc chắn về giá trị xe cũ để giảm khoản thanh toán hàng tháng. Việc giảm giá đã tàn phá thị trường xe điện đã qua sử dụng, khiến những dự báo như vậy trở nên khó khăn hơn. Hoạt động cho thuê diễn ra trầm lắng trong giai đoạn đại dịch, nhưng đang dần phục hồi đối với xe điện, do các mẫu xe cho thuê dễ nhận các khoản ưu đãi thuế liên bang hơn.

Giải pháp dài hạn duy nhất là các nhà sản xuất phải giảm chi phí thông qua việc thiết kế lại. Ngoại trừ Tesla và một số công ty Trung Quốc, chi phí sản xuất xe điện ngày nay thậm chí còn đắt hơn giá mua. Ford mới đây tiếp tục báo cáo khoản lỗ lớn đối với hoạt động kinh doanh các mẫu xe điện Mustang Mach-E và F-150 Lightning.

107221115-16807139422023-04-05t165518z_201621158_rc2f80agip39_rtrmadp_0_autoshow-new-york.jpeg
Mẫu Mustang Mach-E của Ford

Ford kỳ vọng sẽ ra mắt một thế hệ sản phẩm xe điện gọn gàng hơn vào năm 2025. Công ty cùng ngành đến từ nước Pháp, Renault, cho biết tại một hội nghị trong tuần rằng họ sẽ giảm 40% chi phí sản xuất cho xe điện cỡ trung trong 4 hoặc 5 năm tới. Tuy nhiên, điều này không dễ dàng. Elon Musk đã gọi mẫu xe thế hệ tiếp theo của Tesla, có giá 25.000 USD, là “thực dụng” trong cuộc họp báo cáo kết quả kinh doanh gần đây nhất, thế nhưng điều này vẫn không tạo được niềm tin.

Việc tìm nguồn cung ứng tại Trung Quốc, trung tâm của ngành công nghiệp pin toàn cầu, là con đường tắt để tiết kiệm chi phí sản xuất. Nhưng nó đi kèm với những rủi ro địa chính trị, đặc biệt là ở Mỹ, nơi quy định việc đủ điều kiện nhận ưu đãi thuế còn phụ thuộc vào vấn đề loại Trung Quốc ra khỏi chuỗi cung ứng. Kế hoạch của Ford để có được công nghệ từ gã khổng lồ pin CATL của Trung Quốc dường như đã phải tạm hoãn trong lúc họ nỗ lực đàm phán với Washington.

Một vấn đề cơ bản khác là pin và động cơ điện có giá đắt hơn so với bình xăng và loại động cơ mà chúng thay thế, đặc biệt đối với các loại xe thể thao đa dụng và xe bán tải mà người Mỹ ưa chuộng. Chi phí vận hành xe điện thấp hơn, nhưng hầu hết người tiêu dùng chỉ chú ý đến hiệu quả sử dụng nhiên liệu khi giá xăng tăng đột biến. Các nhà sản xuất cần phải giả định rằng người mua xe bình thường sẽ không phải trả phí bảo hiểm.

Điều đó khiến họ phải cố gắng xem xét lại quá trình sản xuất xe điện và bản thân các mẫu xe điện để tìm cách tiết kiệm. Xe điện có ít bộ phận chuyển động hơn, về mặt lý thuyết sẽ giúp việc lắp ráp xe đơn giản hơn, nhanh hơn và rẻ hơn. Tuy nhiên, trên thực tế, cuộc chiến gần đây giữa các hãng ô tô lớn của Mỹ với Nghiệp đoàn công nhân ô tô Mỹ (UAW) đã cho thấy việc cắt giảm chi phí khó khăn như thế nào trong một ngành công nghiệp có nhiều liên đoàn lao động. Trong khi đó, các công ty khởi nghiệp xe điện không có công đoàn như Rivian thậm chí còn gặp phải vấn đề về chi phí lớn hơn.

Cuối cùng, ngành ô tô bắt buộc phải giải quyết được những vấn đề đó, bởi các chính phủ đặt ra mục tiêu về biến đổi khí hậu, đòi hỏi ngành này phải thực hiện. Nhưng quá trình này sẽ mất nhiều năm và sẽ "đốt" lượng lớn tiền của cổ đông. Trong khi đó, chưa thể chắc chắn được rằng các mẫu xe điện tương lai có thể bù đắp được khoản lỗ khổng lồ mà các mẫu trước đó đã gây ra hay không./.

Theo Wall Street Journal