Ngôn ngữ chú thích ảnh: Một biểu hiện không đơn giản của nhiều mối quan hệ

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Ngôn ngữ chú thích có mối quan hệ hữu cơ với ảnh và tác giả. Dù ảnh là tin hay sự minh họa của tin thì ngôn ngữ bao giờ cũng ở vị thế “thứ văn”. Song vị thế này rất khác nhau tùy thuộc vào 2 cấp độ của ảnh vừa nói ở trên

Nhà Ngôn ngữ học Nguyễn Tri Niên bên các cựu học trò tại Học viện Báo chí và Truyền thông.
Nhà Ngôn ngữ học Nguyễn Tri Niên bên các cựu học trò tại Học viện Báo chí và Truyền thông.

Ngôn ngữ chú thích có mối quan hệ hữu cơ với ảnh và tác giả. Dù ảnh là tin hay là sự minh họa của tin thì ngôn ngữ bao giờ cũng ở vị thế thứ yếu, vị thế “thứ văn”. Song vị thế này rất khác nhau tùy thuộc vào hai cấp độ của ảnh vừa nói ở trên.

Nếu ảnh là tin thì mọi điều cần thông báo đã có ảnh nói lên. Trong trường hợp này ngôn ngữ chú thích chỉ nói những gì ảnh chưa nói. Và chúng ta cần một ngôn ngữ gợi ra được những khía cạnh tiềm ẩn của ảnh nghĩa là một ngôn ngữ gọi được hồn của ảnh. Mặt khác ngôn ngữ chú thích không được nói hết mà cần để một khoảng trống cho suy tư của bạn đọc. Tất cả những điều vừa nói làm nên bối cảnh (background) cần có của ảnh. Muốn làm được điều đó chúng ta cần có một cấu trúc ngôn ngữ chú thích hợp lý để biết tập trung làm nổi bật những nội dung chủ yếu của ảnh, đồng thời loại bỏ những dư thừa vô ích vốn chỉ làm cho lời chú trở nên lê thê, rườm rà. Không những cần có một cấu trúc hợp lý mà ngôn ngữ còn cần phải có một độ không xác định nữa. Độ không xác định sẽ làm tăng lượng tin, sẽ tạo ra những bất ngờ, sẽ hạn chế đến mức tối đa khả năng đoán trước, sẽ kích thích sự động não của người đọc. Có thế bức ảnh mới sống mãi trong lòng độc giả, lượng tin của ảnh mới không bao giờ cạn. Nhờ đó chúng ta có được một sự phù ứng lý tưởng giữa hình và lời. Đấy cũng là một ngôn ngữ thông minh như Feuerbach từng quan niệm: “… viết một cách thông minh có nghĩa là giả định rằng người đọc cũng thông minh, là không nói hết, là để cho người đọc tự nói với mình bằng những quan hệ, những điều kiện, những giới hạn, và chỉ với những quan hệ đó, những điều kiện đó, những giới hạn đó thì một câu nói mới có giá trị và có ý nghĩa” (Lênin, Bút ký triết học, H, 1977, tr 71). Đáng tiếc cách chú thích ảnh của chúng ta không được như vậy. Chúng ta quá bận tâm đến những lời đưa đẩy dài dòng không ăn nhịp với ảnh. Những lời đó lại không được độc giả lưu tâm đến. Một cấu trúc như vậy vừa tốn giấy, vừa tốn lời, vừa không có hiệu quả thông tin.

Còn trường hợp thứ hai khi ảnh là sự minh họa của tin thì cả ảnh lẫn ngôn ngữ chú thích đều là “thứ văn”. Nhưng vị thế của “thứ văn - ảnh” là chính so với “thứ văn – lời”. Lời ở đây cần bám sát ảnh, cần đảm bảo mối quan hệ logic với thông tin qua ảnh. Tuy vậy những chú thích mang tính chất biểu cảm vẫn cần thiết. Và dĩ nhiên cũng cần loại bỏ những lời chú thích dư thừa vô ích, công thức, sáo rỗng.

* * *

Cũng như ảnh, ngôn ngữ chú thích còn có mối quan hệ mật thiết với tác giả nữa. Mối quan hệ đó có thể hình dung qua sơ đồ dưới đây:

Tác giả (phóng viên) là chủ thể của mối quan hệ hình – lời. Có được một lời chú thích thỏa đáng, hay, chính xác và đẹp không thể chỉ thấy ngay ở mối liên hệ với hình mặc dù bạn đọc chỉ tiếp nhận mối quan hệ này mà thôi. Song có được một bức ảnh như thế nào đó để từ đấy gợi lên những gì ở ngôn ngữ chú thích thì tất cả đều phụ thuộc vào tác giả. Khi sự kiện đang hiện dần lên rõ nét trong ống kính, khi ngón tay phóng viên ấn vào nút bấm, sự việc đó chỉ diễn ra trong giây lát – có thể chỉ là từng phần của giây thời gian – thì chính cũng là lúc hội tụ cả một bình diện học vấn, cả một chiều sâu kiến thức, cả một độ rung của tâm hồn. Và cũng chính trong giây lát đó lời chú thích đã hình thành. Bởi vậy cội nguồn của ngôn ngữ chú thích ảnh là ở con người phóng viên. Người phóng viên không làm động tác đơn thuần kỹ thuật của một người thợ ảnh. Không bao giờ như thế cả. Cho nên chúng tôi nghĩ rằng năng lực nghiệp vụ của phóng viên ảnh bao quát một sự hiểu biết rất rộng và rất sâu. Họ là những người phải đọc nhiều, viết nhiều để một khi ống kính nâng lên trong tầm nhìn thì bức ảnh họ ghi được phải là sự ánh xạ đầy đủ của một sức đọc, một sức viết. Và, lời chú cho bức ảnh là của họ, phải là của họ./.