Nghệ An: Ngậm ngùi trước di ảnh Anh hùng liệt sĩ Hoàng Mai Vượng

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Nhắc đến phi công Hoàng Mai Vượng sẽ không nhiều người biết. Nhưng, nói đến "Phi đội Quyết Thắng" ném bom sân bay Tân Sơn Nhất chiều 28/4/1975, trong đó có phi công Hoàng Mai Vượng, có lẽ rất ít người không biết.
 Phi công Hoàng Mai Vượng (ngoài cùng bên phải) trong phi đội quyết thắng chiều 28.4.1975 tại Sân bay Thành Sơn
Phi công Hoàng Mai Vượng (ngoài cùng bên phải) trong phi đội quyết thắng chiều 28.4.1975 tại Sân bay Thành Sơn

Viettimes đã nhiều lần đề cập đến Tiểu đoàn 631 Anh hùng (D1-E25- Mặt trận Tây Nguyên - B3), đơn vị chủ công đánh chiếm sân bay Thành Sơn (Ninh Thuận) từ đêm 13-16/4/1975.

Trưa 16/4/1975, sau gần 3 tiếng chiến đấu vô cùng quả cảm, Tiểu đoàn 631 đã làm chủ hoàn toàn sân bay Thành Sơn và được lệnh ở lại bảo vệ an toàn tuyệt đối để đón Sở Chỉ huy tiền phương của Quân chủng PK -KQ, do Tư lệnh Quân chủng Lê Văn Tri tới, cùng các bộ phận chuyên môn, kỹ thuật triển khai phương án đón "Phi đội Quyết Thắng" hạ cánh, chuẩn bị mọi điều kiện cần thiết xuất kích ném bom sân bay Tân Sơn Nhất chiều 28/4/1975.

"Phi đội quyết thắng" có 6 phi công lái 5 máy bay A37, gồm phi đội trưởng Nguyễn Văn Lục, các phi công : Nguyễn Thành Trung, Từ Đễ, Hán Văn Quảng, Hoàng Mai Vượng và Trần Văn On.

Bàn thờ gia tiên nơi có di ảnh Anh hùng liệt sĩ Hoàng Mai Vượng

Bàn thờ gia tiên nơi có di ảnh Anh hùng liệt sĩ Hoàng Mai Vượng

Điều rất đặc biệt ở sân bay Thành Sơn là, một trong 4 chỉ huy Tiểu đoàn 631 đánh chiếm sân bay Thành Sơn có người anh của phi công Hoàng Mai Vượng - trung úy Hoàng Uy, Tiểu đoàn phó Tiểu đoàn 631 Anh hùng. Còn gì đẹp hơn, đặc sắc hơn trong chiến tranh, khi anh chỉ huy bộ binh đánh chiếm sân bay rồi cùng đơn vị bảo vệ sân bay đón em cùng đồng đội lái máy bay của địch xuất kích ném bom xuống đầu thù...

Tiểu đoàn phó Hoàng Uy (giữa) và cựu binh Tiểu đoàn 631 thắp hương tưởng niệm Anh hùng liệt sĩ Hoàng Mai Vượng

Tiểu đoàn phó Hoàng Uy (giữa) và cựu binh Tiểu đoàn 631 thắp hương tưởng niệm Anh hùng liệt sĩ Hoàng Mai Vượng

Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, những phi công của Phi đội Quyết Thắng tiếp tục cùng đồng đội canh giữ bầu trời và tham gia chiến đấu bảo vệ tổ quốc. Năm 1976, trong một lần thực thi nhiệm vụ, phi công Hoàng Mai Vượng đã anh dũng hy sinh!

Ngày 23/7/2014, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang ký quyết định tuy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân cho liệt sĩ Hoàng Mai Vượng. Sau một thời gian ngắn "Phi đội Quyết Thắng" và các phi công Nguyễn Văn Lục, Hán Văn Quảng, Từ Đễ cũng được phong tặng danh hiệu Anh hùng. Riêng phi công Nguyễn Thành Trung đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng từ năm 1994.

Mấy chục năm sau chiến tranh, mảnh đạn vẫn còn nằm lại bên thái dương người chỉ huy trận đánh sân bay Thành Sơn năm xưa

Mấy chục năm sau chiến tranh, mảnh đạn vẫn còn nằm lại bên thái dương người chỉ huy trận đánh sân bay Thành Sơn năm xưa

Ngày 30/4/2022, nhân kỷ niệm 47 năm ngày thống nhất đất nước, một số cựu binh Tiểu đoàn 631 bàn nhau tranh thủ vào Nghệ An thăm đại tá Hoàng Uy, người duy nhất còn lại trong 4 thủ trưởng chỉ huy trận đánh sân bay Thành Sơn (Tiểu đoàn trưởng Triệu Quang Hưng, Chính trị viên Nguyễn Tịch, Chính trị viên phó Phạm văn Uyến đã về với tổ tiên).

Trong câu chuyện với người thủ trưởng năm xưa triền miên đánh trận từ kháng chiến chống Mỹ, đánh FULRO, đến giúp nước bạn tiêu diệt chế độ Pol Pot, rồi trấn giữ biên giới phía Bắc, kỷ niệm chiến trường lại ùa về không dứt đối với những người lính... Giọng nói ông vẫn nhỏ nhẹ, hiền lành, chất phát nhưng đanh thép. Giờ đây tuổi đã hơn 70, trên mình ông vẫn còn "giữ mảnh bom đạn làm kỷ niệm".

Vợ chồng đại tá Hoàng Uy trò chuyện với các cựu binh Tiểu đoàn 631

Vợ chồng đại tá Hoàng Uy trò chuyện với các cựu binh Tiểu đoàn 631

Biết gia đình liệt sĩ Hoàng Mai Vượng cách nhà đại tá Hoàng Uy không xa lắm, chúng tôi xin phép được đến để thắp hương cho người Anh hùng.

Chúng tôi đã vô cùng bất ngờ khi đại tá Hoàng Uy dẫn vào căn nhà của bà Cao Thị Bối (85 tuổi), chị dâu liệt sĩ Hoàng Mai Vượng ở xóm 10, xã Diễn Thịnh, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An.

Căn nhà cấp 4 mái ngói mà thủ trưởng Hoàng Uy nói vui "nhà cổ" tuyềnh toàng, đã xuống cấp, tường nhà loang lổ, bong tróc. Đặc biệt nơi thờ tự gia tiên và liệt sĩ Hoàng Mai Vượng quá đơn sơ đã khiến chúng tôi vô cùng ngậm ngùi và chạnh lòng thương cảm! Bố mẹ, anh chị của liệt sĩ Hoàng Mai Vượng đã "ra đi" từ lâu, chỉ còn một mình chị dâu tuổi cao sức yếu chăm nom hương khói cho liệt sĩ...

Bà Cao Thị Bối - người chị dâu hiện đang chăm sóc hương khói cho Anh hùng liệt sĩ Hoàng Mai Vượng - cùng với cựu binh 631 trước ngôi nhà của bà

Bà Cao Thị Bối - người chị dâu hiện đang chăm sóc hương khói cho Anh hùng liệt sĩ Hoàng Mai Vượng - cùng với cựu binh 631 trước ngôi nhà của bà

"Uống nước nhớ nguồn", đạo lý của dân tộc ta luôn được gìn giữ và phát huy. Từ nhiều năm qua Đảng và Nhà nước đã, đang và tiếp tục làm tốt hơn nữa công tác thương binh, liệt sĩ, những người có công với nước. Tuy nhiên vẫn còn nhiều gia đình có công với nước gặp không ít khó khăn, thiếu thốn mà gia đình Anh hùng liệt sĩ Hoàng Mai Vượng là một trong số đó. Rất mong tỉnh Nghệ An, huyện Diễn Châu, xã Diễn Thịnh, Quân chủng PK - KQ, các nhà hảo tâm quan tâm tạo điều kiện hỗ trợ một chút kinh phí để ngôi nhà và nơi thờ tự liệt sĩ được chắm vá, sửa sang, nâng cấp. Được như vậy, chắc chắn hương hồn người Anh hùng sẽ siêu thoát nơi miền cực lạc...