Trong một bài đăng trên blog, Tổng giám đốc Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Ulrich Bindseil và Nhà phân tích Jürgen Schaff nói rằng sự ổn định giá gần đây của Bitcoin trong tuần này có thể là một “cơn thở hổn hển cuối cùng được tạo ra một cách giả tạo trước khi trở nên không còn phù hợp”.
Bitcoin đạt đỉnh 17.000 USD vào thứ Tư (30/11), đánh dấu mức cao nhất trong hai tuần đối với đồng tiền mã hóa lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, nó đã phải vật lộn để duy trì mức đó, giảm nhẹ xuống còn 16.875 USD.
Ông Vijay Ayyar, Phó Chủ tịch sàn giao dịch tiền mã hóa Luno, đã cảnh báo rằng sự phục hồi này có thể chỉ là một đợt phục hồi của thị trường gấu và sẽ không được duy trì. Ông nói với CNBC: “Đây chỉ là một đợt tái kiểm nghiệm giảm giá".
Nhận xét từ các quan chức của ECB là kịp thời, với ngành công nghiệp tiền mã hóa đang quay cuồng với một trong những thất bại thảm khốc nhất trong lịch sử gần đây - sự sụp đổ của FTX , một sàn giao dịch từng được định giá 32 tỉ USD. Thị trường tiền mã hóa phần lớn đã đi xuống trong năm nay trong bối cảnh lãi suất cao hơn từ Cục Dự trữ Liên bang.
Hai ông Bindseil và Schaff nói rằng Bitcoin không phù hợp với khuôn mẫu của một khoản đầu tư và cũng không phù hợp làm phương tiện thanh toán.
Họ viết: “Thiết kế khái niệm và những thiếu sót về công nghệ của Bitcoin khiến nó trở thành một phương tiện thanh toán đáng nghi ngờ: các giao dịch Bitcoin thực sự rất cồng kềnh, chậm chạp và tốn kém. Bitcoin chưa bao giờ được sử dụng ở bất kỳ mức độ đáng kể nào cho các giao dịch hợp pháp trong thế giới thực”.
“Bitcoin cũng không phù hợp để đầu tư. Nó không tạo ra dòng tiền (như bất động sản) hoặc cổ tức (như cổ phiếu), không thể được sử dụng một cách hiệu quả (như hàng hóa) hoặc mang lại lợi ích xã hội (như vàng). Do đó, việc định giá thị trường của Bitcoin hoàn toàn dựa trên đầu cơ,” hai vị nói thêm.
Các nhà phân tích nói rằng việc mất khả năng thanh toán của FTX có khả năng đẩy nhanh quy định về tiền kỹ thuật số. Tại Liên minh châu Âu, một luật mới có tên là Thị trường tài sản tiền mã hóa, hay MiCA, dự kiến sẽ hài hòa hóa quy định về tài sản kỹ thuật số trên toàn khối.
Hai ông Bindseil và Schaff cho biết điều quan trọng là không nhầm lẫn quy định như một dấu hiệu của sự chấp thuận.
Họ nói: “Đầu tiên, những công nghệ này cho đến nay vẫn tạo ra giá trị hạn chế cho xã hội - bất kể kỳ vọng cho tương lai lớn đến đâu. Thứ hai, việc sử dụng một công nghệ hứa hẹn không phải là điều kiện đủ để tạo ra giá trị gia tăng cho sản phẩm dựa trên nó”.
Hai ông cũng nêu lên mối lo ngại về tác hại với môi trường mà Bitcoin gây ra. Nền tảng kỹ thuật của tiền mã hóa đòi hỏi một lượng lớn sức mạnh tính toán (tiêu thụ rất nhiều năng lượng điện) để xác minh và phê duyệt các giao dịch mới. Ethereum, một đồng tiền mã hóa khác, gần đây đã chuyển sang một khuôn khổ mới mà những người ủng hộ cho biết sẽ cắt giảm hơn 99% mức tiêu thụ năng lượng.
Bindseil và Schaff nhận xét: “Sự kém hiệu quả này của hệ thống không phải là lỗi mà là một tính năng. Đó là một trong những đặc thù để đảm bảo tính toàn vẹn của hệ thống hoàn toàn phi tập trung”.
Đây không phải là lần đầu tiên ECB đưa ra nghi ngờ về các loại tiền kỹ thuật số. Chủ tịch ECB Christine Lagarde vào tháng 5 cho biết bà nghĩ rằng tiền mã hóa “không có giá trị gì”. Nhận xét của bà được đưa ra sau một vụ bê bối riêng trong ngành - vụ đổ vỡ trị giá hàng tỉ USD của cái gọi là tiền ổn định TerraUSD.