Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Hà Tĩnh vừa ra quyết định khởi tố vụ án hình sự “Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng” theo Điều 206 Bộ luật Hình sự năm 2015, xảy ra tại Công ty cổ phần Gang thép Hà Tĩnh (Gang thép Hà Tĩnh - PV) và các Tổ chức tín dụng có liên quan để tiến hành điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.
Đại tá Đặng Hoài Sơn, Thủ trưởng cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Hà Tĩnh, cho biết đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng, gây thất thoát cho Nhà nước và các tổ chức tín dụng có liên quan trên địa bàn Hà Tĩnh.
Cơ quan An ninh điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án nhân dân tỉnh phối hợp chặt chẽ với các đơn vị có liên quan điều tra, xác minh, để sớm xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm; đồng thời thu hồi tài sản cho Nhà nước.
Danh sách chủ nợ của Gang thép Hà Tĩnh
Theo cơ quan điều tra, ngày 15/6/2007, Gang thép Hà Tĩnh được Ban quản lý Khu kinh tế Vũng Áng (nay là Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh Hà Tĩnh) cấp giấy chứng nhận đầu tư số 28221000002, tên dự án Nhà máy Liên hợp Gang thép (hay còn được biết đến với tên gọi Nhà máy liên hợp Gang thép Vạn Lợi) công suất 250.000 tấn/năm, địa điểm Khu công nghiệp Vũng Áng I, thuộc Khu kinh tế Vũng Áng, huyện Kỳ Anh (nay là Thị xã Kỳ Anh).
Trong quá trình thực hiện dự án, Gang thép Hà Tĩnh và các tổ chức tín dụng cho vay có nhiều sai phạm như năng lực tài chính của chủ đầu tư, chỉ định thầu, cho vay vốn không đảm bảo điều kiện.
Bên cạnh đó, do sự biến động của thị trường … nên dự án dang dở, gây thất thoát cho các tổ chức tín dụng trên địa bàn Hà Tĩnh với số tiền trên 1.554 tỷ đồng và 164.889,85 USD.
Theo dữ liệu của VietTimes, ngày 11/1/2008, Gang thép Hà Tĩnh đã thế chấp toàn bộ thiết bị, máy móc theo Hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất hình thành sau đầu tư số 02/2007/HĐTCQSDĐ– TL mà doanh nghiệp này ký kết với Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB)– Chi nhánh Hà Tĩnh, Ngân hàng TMCP Đầu tư & phát triển Việt Nam (BIDV) - Chi nhánh Hà Tĩnh và Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) - Chi nhánh Hà Tĩnh.
Ngày 19/5/2008, Gang Thép Hà Tĩnh tiếp tục ký kết hợp đồng thế chấp tài sản hình thành trong tương lai số 03/2008/HĐTCTS– NHPT.PC với VDB - Chi nhánh Hà Tĩnh.
Năm 2014, doanh nghiệp này cùng một số ngân hàng kể trên đã ký kết các hợp đồng sửa đổi, bổ sung liên quan đến hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất hình thành sau đầu tư; hợp đồng thế chấp tài sản hình thành trong tương lai.
Ngày 29/7/2015, Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh Hà Tĩnh ra quyết định số 366 về việc chấm dứt hoạt động, thu hồi giấy chứng nhận đầu tư Dự án Liên hợp Gang thép công suất 250.000 tấn/năm do Gang thép Hà Tĩnh làm chủ đầu tư.
Nguyên nhân là do nhà đầu tư vi phạm các quy định tại Điều 48 Luật Đầu tư, cam kết thực hiện dự án tại hồ sơ cấp, điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư và các quy định tại Giấy chứng nhận đầu tư, các Giấy chứng nhận điều chỉnh đầu tư.
Quyết định khởi tố vụ án hình sự xảy ra tại CTCP Gang thép Hà Tĩnh và các tổ chức tín dụng có liên quan (Ảnh: conganhatinh.gov.vn)
|
Theo truyền thông trong nước, tháng 7/2018, Tòa án nhân dân thị xã Kỳ Anh (Hà Tĩnh) đã đứng ra phân giải khoản nợ giữa chủ đầu tư với 3 “chủ nợ” ngân hàng nêu trên.
Cụ thể, tòa án công nhận Gang thép Hà Tĩnh nợ VDB gần 1.300 tỷ đồng (nợ gốc gần 590 tỷ, nợ lãi quá hạn gần 500 tỷ, phạt lãi quá hạn gần 180 tỷ), nợ Vietcombank là hơn 150 tỷ đồng (trong đó nợ gốc hơn 74 tỷ, nợ lãi quá hạn 71 tỷ đồng, phạt lãi quá hạn hơn 5 tỷ đồng), nợ BIDV hơn 115 tỷ đồng (nợ gốc hơn 49 tỷ, lãi quá hạn hơn 27 tỷ, lãi phạt quá hạn hơn 38 tỷ đồng).
Tới nửa đầu năm 2019, Cục Thi hành án dân sự tỉnh Hà Tĩnh đã thực hiện bán đấu giá toàn bộ thiết bị, máy móc và các công trình xây dựng tại dự án Nhà máy liên hợp gang thép Hà Tĩnh với giá khởi điểm 108,76 tỷ đồng.
Phiên đấu giá đã thu hút được 23 doanh nghiệp tham gia. Theo truyền thông trong nước, Công ty TNHH MTV Đầu tư và Phát triển Kho bãi Nhơn Tân (Kho bãi Nhơn Tân) do ông Nguyễn Minh Hoàng Phương Vũ làm giám đốc có trụ sở đóng tại xã Nhơn Tân, huyện An Nhơn, tỉnh Bình Định là đơn vị trúng đấu giá với số tiền hơn 205,74 tỷ đồng, gần gấp 2 lần giá khởi điểm.
Theo tìm hiểu của VietTimes, ông Nguyễn Minh Hoàng Phương Vũ (SN 1974) hiện làm người đại diện của CTCP Đầu tư Ghềnh Ráng - Tiên Sa, CTCP Gang thép Vũng Áng.
Kho bãi Nhơn Tân được thành lập vào tháng 4/2015 bởi Công ty TNHH XNK Thành Châu, với quy mô vốn điều lệ ban đầu là 50 tỷ đồng. Doanh nghiệp này sau đó đổi chủ sang các nữ cá nhân là bà Lê Thị Kim Cúc (SN 1975) và bà Lê Hoài Ngọc (SN 1979). Cập nhật tới tháng 8/2019, Kho bãi Nhơn Tân có quy mô vốn lên tới 1.000 tỷ đồng do ông Trần Viết Lắm (SN 1990) làm giám đốc.
Về Công ty TNHH Vạn Lợi
Được biết, dự án Nhà máy Liên hợp Gang thép do Gang thép Hà Tĩnh làm chủ đầu tư là dự án quan trọng được tỉnh Hà Tĩnh quan tâm nhằm phát triển kinh tế xã hội của tỉnh trước mắt và lâu dài. Dự án được khởi công vào tháng 6/2007.
Trước đó, ngày 15/5/2007, Tổng Công ty Thương mại và Khoáng sản Hà Tĩnh, Công ty TNHH Vạn Lợi (Vạn Lợi), CTCP Mangan thuộc Công ty Khoáng sản và Thương Mại Hà Tĩnh đã thống nhất góp vốn thành lập Công ty Cổ phần Gang thép Hà Tĩnh (Gang thép Hà Tĩnh).
Trong đó, Vạn Lợi góp 85% vốn điều lệ, Công ty Khoáng sản và Thương mại Hà Tĩnh góp 12% vốn điều lệ, CTCP Mangan góp 3% vốn điều lệ.
Tới ngày 6/6/2007, công ty Gang thép Hà Tĩnh được thành lập với quy mô vố điều lệ là 200 tỷ đồng.
Dữ liệu của VietTimes cho thấy, công ty Vạn Lợi là doanh nghiệp đã có nhiều năm hoạt động, được thành lập từ tháng 7/1993, đăng ký địa chỉ trụ sở chính trên đường Đê La Thành, Phường Ô Chợ Dựa quận Đống Đa, Hà Nội.
Tính đến ngày 29/11/2019, quy mô vốn của Vạn Lợi đạt 550 tỷ đồng. Trong đó, ông Nguyễn Cao Bằng sở hữu 99,91% vốn điều lệ, ông Nguyễn Hoàng Minh Đức (SN 1990) sở hữu 0,09% vốn điều lệ.
Ông Nguyễn Hoàng Minh Đức mới đảm nhiệm vị trí Tổng Giám đốc tại Vạn Lợi thay thế cho ông Trần Mạnh Hùng (SN 1970) từ cuối năm 2018 tới nay. Ông Trần Mạnh Hùng là người đại diện của CTCP Thương mại Nguyên liệu Luyện Kim và CTCP Gang thép Vạn Lợi Hà Giang. Hai pháp nhân này hiện đã ngừng hoạt động.
Theo dữ liệu của VietTimes, Vạn Lợi từng thế chấp hàng nghìn tất sắt thép phế liệu, thép xây dựng tại các nhà băng, sở hữu mỏ quặng sắt Nà Nọi (thị trần Nà Phặc, Huyện Ngân Sơn, tỉnh bắc Cạn) và cổ phần tại CTCP Phần Luyện Gang Vạn Lợi (Hải Phòng).
Ngoài ra, ông Nguyễn Hoàng Minh Đức vào tháng 7/2018 còn góp vốn cùng ông Nguyễn Hoàng Nam (cùng địa chỉ thường trú với ông Nguyễn Cao Bằng) thành lập Công ty TNHH Phát triển Đầu tư Sunrise Việt Nam với quy mô vốn điều lệ 10 tỷ đồng.
Doanh nghiệp này đăng ký hoạt động chính trong lĩnh vực bán buôn vật liệu, thiết bị lắp đặt khác trong xây dựng./.
Bình luận của bạn đọc
Bình luận bằng tài khoản VietTimes
Bình luận bằng tài khoản mạng xã hội
Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu