Ngân hàng "giấu" nợ ở đâu?

Kể từ vụ đại án "siêu lừa" Huyền Như gây chấn động, một số ngân hàng liên quan vẫn âm thầm xử lý các khoản cho vay, tiền gửi có nguy cơ mất vốn. Tiền đã thực chi ra, giờ khó thu hồi, ngân hàng cũng tìm cách "dọn dẹp" trên sổ sách cho đẹp hơn.
Ngân hàng "giấu" nợ ở đâu?
Ngân hàng "giấu" nợ ở đâu?

Ngày 29/10, báo cáo với đoàn giám sát Hội đồng nhân dân Tp.HCM về công tác thi hành án dân sự, ông Nguyễn Văn Lực, Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự, cho biết tình hình nợ xấu trong hệ thống ngân hàng chưa được giải quyết triệt để, nhiều vụ việc phức tạp, nhất là trong lĩnh vực tín dụng, ngân hàng. 

Số tiền Cục Thi hành án thụ lý mới trong năm 2015 tăng đột biến, trong đó có vụ_có giá trị đặc biệt lớn như Huỳnh Thị Huyền Như phải thi hành án đến trên 14 nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, theo ông Lực đến nay, qua xác minh, ước tính giá trị tài sản có khả năng thi hành án của Huyền Như chỉ khoảng 500 tỷ. 

Chỉ "đảo nợ" trên giấy

Trong số hàng chục ngân hàng bị "sa lầy" vì đại án, Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) đang nhận "quả đắng" khi số tiền gần 719 tỷ đồng gửi vào Ngân hàng TMCP Công thương Vietinbank – chi nhánh Sài Gòn và Nhà Bè, đã bị siêu lừa Huyền Như chiếm đoạt. 

Còn số tiền 380 tỷ đồng của công ty chứng khoán Phương Đông – được nhận từ Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) – gửi qua Huyền Như – đến giờ cũng chưa hẹn ngày về. 

Tại ngân hàng ACB, đến cuối năm 2014, số dư tiền gửi tại Vietinbank ghi nhận còn hơn 600 tỷ đồng. Đến ĐHCĐ thường niên tháng 4/2015, lãnh đạo ACB tuyên bố rằng "Khoản tiền gửi 600 tỷ đồng đã được tất toán trong quý I/2015 và không còn ảnh hưởng gì đến hoạt động của ACB". 

Thực tế, ACB đã làm cách nào để "dọn dẹp" khoản phải thu này khi mà khả năng Vietinbank hoàn trả 600 tỷ đồng vẫn còn mù mịt. 

Báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2015, tại thời điểm 31/12/2014, ACB có khoản cho vay 600 tỷ đồng tại một ngân hàng TMCP trong nước (Ngân hàng D) và lãi phải thu gần 111,67 tỷ đồng. Tài sản bảo đảm nợ vay là trái phiếu do một công ty trong "nhóm sáu công ty" phát hành cho Ngân hàng D (thời điểm đáo hạn nợ là 9/3/2015). 

Câu hỏi đặt ra là khoản cho vay 600 tỷ đồng tại Ngân hàng D có phải đã được "chuyển hoá" từ khoản tiền gửi 600 tỷ đồng của ACB không? Nếu có, thì bằng cách nào bốn bên gồm ACB – Vietinbank – Ngân hàng D và công ty trong "nhóm sáu công ty" đã hoán đổi khoản tiền gửi khó thu hồi thành nợ trái phiếu? 

Trước đó, ngày 12/8/2013, ACB đã ký hợp đồng chuyển khoản tiền gửi 600 tỷ đồng thành khoản vay mới cho Ngân hàng D khi khoản tiền gửi đến hạn vào ngày 10/3/2014. Đồng thời, ACB chấp thuận gia hạn trả nợ gốc và lãi khoản vay phát sinh đến ngày 9/3/2015. 

Đến ngày 9/3/2015, ACB đã thu hồi toàn bộ khoản vay 600 tỷ đồng cùng lãi dự thu 117,25 tỷ đồng thông qua việc mua lại tài sản bảo đảm (trái phiếu và lãi trái phiếu của một công ty trong "nhóm sáu công ty") với giá trị tương đương.

Bằng cách "chuyển hoá" này, ACB đã "thu hồi" được khoản tiền gửi trên sổ sách, nhưng thực chất, lại "ôm" nợ trái phiếu doanh nghiệp và lãi dự thu với tổng giá trị 711,25 tỷ đồng thay cho Ngân hàng D. 

Ở đây, danh tính của Ngân hàng D không được công khai và vai trò của Vietinbank trong thương vụ "đảo nợ" trên giấy này cũng không được đề cập đến. Việc ACB đồng ý thu hồi tiền gửi bằng cách nhận nợ trái phiếu doanh nghiệp, thay vì tiền mặt, cho thấy mối "thâm tình" hiếm thấy với Ngân hàng D. 

Món nợ "đồng lần"

Tương tự ACB, công ty chứng khoán Phương Đông (ORS) cũng khổ sở vì không thu hồi được khoản tiền gửi 380 tỷ đồng tại Vietinbank Tp.HCM qua kênh Huyền Như. 

Đây là số tiền nằm trong tổng số 1.190 tỷ đồng mà TPBank đã chuyển cho ORS theo hợp đồng tư vấn đầu tư và môi giới chứng khoán mua trái phiếu cho ngân hàng từ năm 2011. 

Do Huyền Như được xác định đã chiếm đoạt toàn bộ 380 tỷ đồng này nên chưa rõ khi nào ORS mới thu hồi được và hoàn trả cho TPBank. Phiên xử phúc thẩm vụ án Huyền Như vừa qua vẫn chưa xác định rõ bên bị chiếm đoạt số tiền này là TPBank hay ORS, cũng như trách nhiệm bồi thường tiền của Vietinbank. Công ty ORS vẫn buộc phải "treo" khoản tiền 380 tỷ đồng trên sổ sách mà chưa rõ có thu hồi được không. 

Trước đây, giai đoạn tín dụng tăng trưởng "nóng" và các ngân hàng đều ồ ạt huy động vốn vượt trần thì một số dư thừa vốn đã "bơm" tiền cho vay lãi suất cao. Thông qua các nghiệp vụ liên ngân hàng, đầu tư trái phiếu, tiền gửi, các ngân hàng này đã rót hàng nghìn tỷ đồng cho nhóm ngân hàng "đói" thanh khoản. 

Trong vụ án bầu Kiên, hoạt động bơm vốn qua kênh liên ngân hàng, mua trái phiếu của "nhóm sáu công ty" của bầu Kiên cũng được phân tích khá chi tiết. 

Sau đó, tiền sẽ được dùng để đầu tư trở lại cổ phiếu nhằm thâu tóm ngân hàng…

Trong đó, lãnh đạo ACB từng chia sẻ rằng ngân hàng này đã hỗ trợ thanh khoản tới 40.000 tỷ đồng cho hệ thống ngân hàng ở giai đoạn "nước sôi, lửa bỏng". Khi một ngân hàng "kẹt vốn", khó trả nợ dẫn tới dây chuyền các ngân hàng chủ nợ đều dính nợ xấu. 
Khi "ma trận" huy động vốn- tín dụng phát triển quá nhanh, gây nguy cơ mất an toàn hệ thống. Năm 2011, NHNN đã chấn chỉnh kịp thời, xử lý nghiêm các ngân hàng vi phạm quy định, vượt trần lãi suất… 

Hậu quả lúc này với các ngân hàng là quá lớn, chỉ riêng vụ án Huyền Như, Bầu Kiên mới chỉ hé lộ quy mô giao dịch vốn lên tới cả tỷ USD. 

Còn những ngân hàng, công ty tài chính có gửi tiền vào các ngân hàng bị mất thanh khoản, hoặc bị cá nhân chiếm đoạt thì giờ sẽ xử lý "món nợ đồng lần" này như thế nào? 

Theo TBKD