Mặc dù có nhiều diễn biến đáng chú ý cho thấy sự phát triển của khả năng quân sự Nga ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, hoạt động quốc phòng của Moscow ở Đông Bắc Á vẫn khá thưa trong những năm hậu Chiến tranh Lạnh. Bởi vậy mà việc Nga sẵn sàng tham gia vào những hành động như vụ vi phạm không phận trên ở Đông Bắc Á là không điển hình. Thực tế rằng Hàn Quốc là mục tiêu của đòn công kích quân sự mới nhất của Nga lại càng bất ngờ. Nga trước nay luôn cố gắng duy trì quan hệ chặt chẽ với Hàn Quốc, trong khi Seoul cũng một số lần từ chối đứng về phe đồng minh Mỹ để chống lại Nga.
Một nguyên nhân lý giải việc Kremlin sẵn sàng khuấy động tình hình Đông Bắc Á chính là mối quan hệ đối tác chiến lược của nước này với Trung Quốc. Quan hệ ngày càng tăng giữa Bắc Kinh và Moscow dường như đang khiến Nga thể hiện nhiều hơn tiềm năng quân sự của mình, cùng lúc thử thách sức mạnh của khối đồng minh Mỹ ở Đông Bắc Á. Nói cách khác, như một học giả từng chỉ ra, Trung Quốc và Nga xem Hàn Quốc như mắt xích yếu nhất trong mạng lưới đồng minh của Mỹ ở Đông Bắc Á.
Đương nhiên Nga không hề ảo tưởng về việc mở rộng tầm ảnh hưởng của mình trên bán đảo Triều Tiên, bởi khó thể bằng Trung Quốc. Tuy nhiên, quan hệ hợp tác với Trung Quốc lại cho Moscow một cơ hội để làm suy yếu các lợi ích của Mỹ ở Đông Bắc Á. Thế nhưng nếu Moscow tiếp tục hợp tác với Trung Quốc để làm suy yếu vị thế Mỹ trong khu vực, họ sẽ phải trả một cái giá đó là ảnh hưởng tới quan hệ với Hàn Quốc.
Là "mối quan hệ chiến lược" nếu xét về mặt kỹ thuật, quan hệ Moscow - Seoul vẫn kém thực chất. Hàn Quốc nói chung không xem Nga như một đối tác đặc biệt có ích trong công cuộc giải giáp hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên. Quan hệ kinh tế giữa hai nước cũng không mang lại giá trị lớn.
Một số diễn biến mới đây liên quan tới chính sách an ninh của Hàn Quốc đã khiến Mỹ rụng rời chân tay. Seoul còn phản bác lại những lời chỉ trích của Washington liên quan tới việc họ rút khỏi GSOMIA. Thực tế là, dù cho giới chức Mỹ có thường xuyên sử dụng cụm từ "sắt thép" để mô tả về quan hệ đồng minh Mỹ-Hàn, nhưng mối quan hệ này không phải không có rạn nứt. Mối quan hệ này từng trải qua nhiều đợt trong gió trong giai đoạn 1998-2008, chủ yếu là do sự khác biệt giữa hai bên liên quan tới chính sách đối phó với Triều Tiên.
Hiện nay, ngay cả Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng từng nhiều lần yêu cầu Seoul "bảo trì" lại quan hệ quốc phòng Mỹ-Hàn. Một số dự luật đặc biệt nhấn mạnh về việc Nga-Trung đang chú ý tới tình hình bán đảo Triều Tiên.
Theo giới phân tích, việc Nga đào sâu vào rạn nứt giữa Washington và Seoul có thể khiến quan hệ với Hàn Quốc rạn nứt. Việc gây ra sự căng thẳng trong mối quan hệ với Hàn Quốc có thể khiến Nga mất đi một trong những mối quan hệ kinh tế quan trọng nhất ở Đông Á.
Có thể thấy mối quan hệ căng thẳng giữa Nga và EU hiện nay không hề gây ảnh hưởng tới quan hệ thương mại giữa Nga và một số nước thành viên EU. Người ta có thể áp dụng điều đó cho mối quan hệ kinh tế Nga-Hàn Quốc khi hai nước căng thẳng ngoại giao. Thế nhưng có sự khác biệt rất rõ trong quan hệ hợp tác Nga-EU và Nga với các nước ở vùng Viễn Đông, bởi một trong những trọng điểm chiến lược của Kremlin hiện nay là hướng tới Hàn Quốc.
Từ năm 2008 đến nay, chính sách phát triển kinh tế của Nga đặc biệt nhấn vào hợp tác với các đối tác kinh tế châu Á như một ưu tiên. Nếu Moscow vẫn muốn giữ lấy Hàn Quốc làm một đối tác kinh tế tiềm năng, thì việc hợp tác với Trung Quốc để rồi gặp rủi ro bị Hàn Quốc xa lánh hẳn là một canh bạc có thể khiến họ trả giá.
Theo National Interest